Viên ngọc sinh thái Vân Long: Nơi rừng, nước và người cùng nhịp thở

Sự tham gia của người dân, những người chèo đò, nhặt rác, kể chuyện và trực tiếp tham gia bảo vệ rừng là yếu tố quan trọng nhất tạo nên Vân Long ngày hôm nay.

Quỳnh Anh  | 14:49 27/05/2025

Viên ngọc sinh thái Vân Long: Nơi rừng, nước và người cùng nhịp thở

Tự động

Viên ngọc sinh thái Vân Long, nơi rừng, nước và người cùng nhịp thở

Những ngày cuối tháng 5, tôi có dịp ngồi trên một con thuyền nhỏ, lặng lẽ xuôi dòng nước trong vắt tại Vân Long – vùng đất ngập nước rộng hơn 3.500 ha, khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam và là một trong những viên ngọc sinh thái quý giá nhất của miền Bắc. Thuyền nhẹ lướt trên mặt nước phẳng lặng như gương, tiếng mái chèo khẽ khàng hoà quyện cùng tiếng chim rừng ríu rít. Trong không gian tĩnh lặng ấy, tôi được trò chuyện cùng hai người gắn bó sâu sắc với nơi này: anh Đinh Văn Quỳnh – cán bộ trẻ của Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư – Vân Long, và ông Trần Xuân Quang – Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Vân Long. Một người trẻ tràn đầy lý tưởng bảo vệ thiên nhiên, một người lớn tuổi giàu kinh nghiệm và đam mê với hành trình gìn giữ quê hương.

Khi tôi còn đang ngẩn ngơ với bầu trời, mặt nước, anh Đinh Văn Quỳnh bắt đầu say sưa giới thiệu, Vân Long không chỉ là một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, mà còn là mái nhà chung của hàng trăm loài động thực vật quý hiếm. Anh kể về những đàn voọc mông trắng – biểu tượng sinh thái của vùng – vẫn ngày ngày tụ hội nơi đây. Mỗi buổi chiều, hàng trăm cánh chim lại nối đuôi nhau bay về, chao lượn rồi nhẹ nhàng đáp xuống vùng nước tĩnh lặng, tìm nơi nghỉ ngơi sau một ngày dài. Mang đến năng lượng trẻ trung, nhiệt thành và không giấu được tình yêu dành cho nơi này, anh Quỳnh tự hào khoe rằng mỗi mùa Vân Long lại có một điều mới để khám phá. Mùa chim di cư, từng đàn kéo về làm tổ, đậu kín cả bầu trời. Mùa sinh sản, voọc hiện ra trên vách đá, dắt theo con nhỏ.

 

Và không chỉ là cán bộ quản lý tại Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư – Vân Long, anh Đinh Văn Quỳnh còn thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa phương để tuần tra, kiểm soát các hoạt động xâm hại rừng và động vật hoang dã. Anh kể, mỗi tuần anh cùng các đồng nghiệp lại băng rừng, lội suối, kiểm tra các khu vực nhạy cảm – nơi voọc mông trắng thường xuất hiện – nhằm đảm bảo chúng không bị săn bắt hay quấy rối bởi con người. Các anh không chỉ giữ rừng bằng nghiệp vụ mà còn bằng tình yêu. Cũng vì vậy, ngoài công việc chuyên môn, anh và các cộng sự còn tổ chức các buổi truyền thông về bảo vệ rừng, tuyên truyền pháp luật lâm nghiệp đến tận thôn bản.

Anh Quỳnh cho rằng, chính sự tham gia trực tiếp của người dân – những người chèo đò, nhặt rác, kể chuyện, những người trực tiếp tham gia bảo vệ rừng nơi đây là yếu tố quan trọng nhất tạo nên Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long như ngày hôm nay. Ở đây, mỗi người dân đều là một ‘cán bộ bảo tồn’, là một cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Không có những khu dịch vụ nguy nga, không có những tour du lịch rầm rộ, nhưng Vân Long lại có những người dân chân chất, sẵn sàng góp sức vì môi trường sống của chính họ. Và anh cùng với bà con nơi đây không quá mong mỏi về một tương lai tấp nập hơn của nơi này, mà chỉ mong giữ được sự bình yên để mỗi cánh chim trở về thấy an toàn, để những con voọc vẫn tự do chuyền cành, gặm lá mà không sợ hãi, để cây rừng vươn tán lớn lên.

Băng anh Quỳnh.

Tiếp lời người cán bộ trẻ, ông Trần Xuân Quang – Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Vân Long chia sẻ với tôi về hành trình dài hàng chục năm đưa du lịch sinh thái Vân Long từ những ngày đầu sơ khai trở thành mô hình tiêu biểu dựa vào cộng đồng. Hồi trước, dân vùng này sống chủ yếu bằng nông nghiệp, vất vả lắm. Nhưng rồi khi nhận ra vùng đất mình đang sống quý giá đến nhường nào, ông và bà con quyết định thử làm du lịch. Ban đầu chỉ là mấy chiếc thuyền chèo tay, người dân vừa chở khách, vừa kể chuyện rừng núi, chuyện chim trời cá nước. Đến năm 2019, ông thành lập hợp tác xã Du lịch Vân Long và liên kết với bà con phát triển để mọi thứ quy củ hơn, có tổ chức hơn.

Là một người làm du lịch nhưng trong lời kể của ông Quang lại không phải là khách đông ra sao, doanh thu thế nào, cải tạo vùng đất và nước này theo hướng nào để thu hút khách mà ông đầy tự hào chia sẻ với chúng tôi về vẻ đẹp nguyên sơ của nơi đây. Rằng không giống những khu du lịch xô bồ, Vân Long đi theo một hướng khác – nhẹ nhàng, bền vững và lấy cộng đồng làm trung tâm. Hợp tác xã của ông hiện có khoảng 30 hộ dân cùng tham gia vào hoạt động du lịch và bảo tồn, từ chèo thuyền, làm dịch vụ, đến dọn vệ sinh, kể chuyện thiên nhiên cho du khách, cùng tuần tra bảo vệ rừng, ngăn chặn những hành vi gây hại đến rừng và môi trường sống của động vật nơi đây. Vẻ đẹp của Vân Long là sự tĩnh lặng và hoang sơ, là cảm giác con người được trở về với thiên nhiên.

Băng ông Long

Cũng có mặt trên thuyền nhưng có vai trò đặc biệt hơn, bà Đinh Thị Mến – một trong những người chèo đò lâu năm nhất nơi đây đưa tôi vào khung cảnh nên thơ của Vân Long bằng chính đôi tay của mình. Mỗi cú chèo là một nét vẽ mềm mại lên mặt nước, là một lời thì thầm của thiên nhiên được truyền tải bằng ngôn ngữ rất riêng. Tiếng chim hót lanh lảnh bên tai, tiếng của vài loài động vật dưới nước chạm tới tiềm thức và tôi dường như cảm nhận được cả mùi thơm của đất trời qua từng nhịp thở.

“Ngày trước ngại lắm,” bà Mến cười, “người quê mà, nói chuyện với khách còn run. Nhưng sau mấy lớp tập huấn, bây giờ ai ngồi lên thuyền bà cũng kể được hết – từ danh hiệu Ramsar đến chuyện đời của từng loài voọc nơi đây. Ngoài chèo đò và kể chuyện, bà Mến cũng là một thành viên tích cực trong tổ bảo vệ rừng, chỉ cần có dấu hiệu bất thường, bà cùng các chị em của mình sẽ báo cáo kịp thời cho cán bộ kiểm lâm hoặc Ban quản lý rừng. Người dân nơi đây không ai lạ gì với tiếng còi tuần tra hay bóng áo xanh của kiểm lâm. Với họ, kiểm lâm không phải là ai xa lạ, mà là những người bạn cùng chung tay gìn giữ Vân Long, để hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi nơi đây xanh mãi, để tình yêu với cây rừng, thiên nhiên, với từng loài chim, ngọn cỏ được bà và mỗi người dân địa phương lan tỏa. Cũng vì thế mà những đứa trẻ nơi đây lớn lên không chỉ với bài học trên lớp, mà còn được nghe mẹ kể chuyện voọc, được cùng cha bơi thuyền, trồng cây, tận tay nhặt từng mẩu rác để giữ môi trường sạch đẹp. Với người dân nơi đây, danh hiệu quan trọng nhất vẫn là tình yêu mà thiên nhiên đáp lại – là những cánh chim trở về, là tiếng voọc gọi bầy trên đỉnh núi mỗi bình minh, là hệ sinh thái rừng sừng sững trên núi đá vôi.

Băng bà Mến

Lắng nghe câu chuyện của ông Quang, anh Quỳnh và bà Mến, tôi chợt nhận ra rằng Vân Long không chỉ là một khu du lịch sinh thái, cũng không chỉ là vùng đất ngập nước quý hiếm đã được ghi tên trên bản đồ Ramsar thế giới. Mà đây là một cộng đồng sống hòa hợp cùng thiên nhiên, nơi từng người dân thầm lặng làm nên sự khác biệt. Ở nơi ấy, thiên nhiên không đứng tách biệt mà trở thành một phần máu thịt trong đời sống con người – và con người cũng không sống tách rời thiên nhiên mà nương tựa, chăm chút, giữ gìn như chính ngôi nhà của mình. Khi thuyền cập bờ, ánh hoàng hôn đỏ rực đang nhuộm dần lên những dãy núi đá vôi sừng sững. Như rất nhiều du khách đã tới đây, tôi ngoái đầu nhìn lại, Vân Long thật yên bình, trong trẻo, viên ngọc sinh thái ấy phát sáng giữa đất trời miền Bắc, ghi dấu trên bản đồ đa dạng sinh học Việt Nam cũng như thế giới và tồn tại trong tâm trí mỗi người với hình ảnh bình dị, gần gũi nhất.

MC 2:

Nội dung tiếp theo của Chương trình, mời quý vị cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực lâm nghiệp.

Thưa quý vị và bà con, UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch xác định một số nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện như: tập trung rà soát, điều chỉnh ranh giới, phân định ranh giới ba loại rừng, chuyển loại rừng; điều chỉnh, xác lập các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức điều tra xác định hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, tiến đến triển khai thực hiện kiểm kê rừng, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo dõi diễn biến rừng, công bố hiện trạng rừng theo quy định. Tập trung phát triển vùng rừng trồng và chứng chỉ rừng để cung cấp nguyên liệu cho chế biến.

Tin 2

Huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa có hơn 56.765ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có trên 10.000ha diện tích rừng giáp ranh với huyện Quý Châu và Nghĩa Đàn của tỉnh Nghệ An. Thời gian qua, công tác phối hợp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng giữa hai bên đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, các hạt kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng được 22 lần, với 118 lượt người tham gia; 3 cuộc tuyên truyền chung tại 3 thôn giáp ranh, với gần 300 lượt người tham gia. Thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản trái phép; phối hợp xử lý việc vận chuyển lâm sản từ Nghệ An sang Thanh Hóa và chiều ngược lại. Nhờ đó, tình hình an ninh rừng ở vùng giáp ranh huyện Như Xuân với các huyện của tỉnh Nghệ An cơ bản ổn định.

Tin 3

Thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều chương trình trồng, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Nhờ đó, mỗi năm, hàng trăm nghìn cây xanh đã được trồng trên khắp các xã, thị trấn, góp phần phủ xanh đất trống, cải thiện môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, đến thời điểm hiện tại huyện Đồng Văn đã trồng được gần 75 nghìn cây xanh các loại. Trong đó, trên 10 nghìn cây thuộc nhóm cây ăn quả, cảnh quan và 65 nghìn cây lâm nghiệp. Số cây còn sống trên 66 nghìn cây, đạt tỷ lệ 88,6%.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phát triển lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Viên ngọc sinh thái Vân Long: Nơi rừng, nước và người cùng nhịp thở

Sự tham gia của người dân, những người chèo đò, nhặt rác, kể chuyện và trực tiếp tham gia bảo vệ rừng là yếu tố quan trọng nhất tạo nên Vân Long ngày hôm nay.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Đầu tư cho du lịch nông nghiệp, khai phá sức hút làng quê
Phóng sự

Du lịch nông nghiệp, nông thôn giờ đây mang đến cho du khách những trải nghiệm 'sống thật' – được gieo trồng, gặt hái, hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa.

Đầu tư cho du lịch nông nghiệp, khai phá sức hút làng quê
Khi từng bản làng biết trước lũ về
Phóng sự

Nhờ sự đầu tư vào công nghệ, nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế, năng lực phòng, chống thiên tai của nước ta đã có những bước tiến rõ rệt.

Khi từng bản làng biết trước lũ về