
Trồng trọt vượt khó, tăng tốc và kỳ vọng bứt phá
Từ nền tảng của những tháng đầu năm, lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật tự tin sẽ đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng trong kế hoạch quý II.
Quỳnh Anh - Bảo Thắng | 12:52 19/04/2025
Trồng trọt vượt khó, tăng tốc và kỳ vọng bứt phá
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio.
Thưa quý vị và bà con, trong bối cảnh thiên tai diễn biến khó lường, gây thiệt hại nặng cho sản xuất nhưng với sự nỗ lực, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền cho tới người dân, xuất khẩu trồng trọt thời gian qua vẫn chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp. Đây là kết quả cực kỳ ấn tượng, khẳng định vai trò quan trọng của trồng trọt trong sự phát triển chung. Những thành quả ấy cũng tạo nền tảng vững chắc cho lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật phát triển mạnh mẽ hơn qua các năm và trong đó có kết quả ấn tượng của những tháng đầu năm nay.
MC 2:
Thưa quý vị và bà con, là thủ phủ cà rốt của khu vực miền Bắc, ngay những tháng đầu năm, ngành trồng trọt Hải Dương đã có được niềm vui lớn khi năng suất tăng cao, bình quân đạt từ 2 - 2,5 tấn/sào, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 2 - 3 tạ/sào.
Ở xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, do đất được giải phóng sớm, cộng thêm phù sa bồi đắp từ sông Thái Bình, cà rốt năm nay gần như không có sâu bệnh. Liên tục 4 tháng kể từ khi gieo trồng, trời ít mưa, nắng nhiều, tạo điều kiện cho cây cà rốt phát triển tốt, lập kỷ lục về năng suất. Nhờ được phủ đất kín, tỷ lệ cà rốt bị đầu xanh – loại củ sẽ bị loại khi chọn hàng xuất khẩu ít hơn hẳn mọi năm.
Trên 50% sản lượng cà rốt được xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Malaysia, Lào, Thái Lan, Campuchia và một số nước khu vực Trung Đông. Nhờ cú hích mạnh từ sản phẩm, xã Cẩm Văn có điều kiện phát triển đa dạng thêm các sản phẩm nông nghiệp khác, nhất làOCOP. Ông Trần Thế Tuyền, Chủ tịch UBND xã Cẩm Văn cho biết.

Băng ông Trần Thế Tuyền
MC 2:
Không chỉ tại Hải Dương, bằng những kế hoạch cụ thể, các kịch bản chi tiết ứng phó với thiên tai, diễn biến thị trường, 3 tháng vừa qua, lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật trên cả nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Các biện pháp chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là trong ứng phó với tình hình hạn, mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đã được thực hiện kịp thời và hiệu quả. Các phương án bảo vệ cây trồng như lúa và cây ăn quả được triển khai từ sớm giúp giảm thiểu thiệt hại do điều kiện khí hậu bất lợi. Công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý hàng hóa nông sản xuất, nhập khẩu cũng được đẩy mạnh và đã đạt kết quả đáng ghi nhận, với sự gia tăng đáng kể số lượng lô hàng xuất, nhập khẩu được giám sát. Lĩnh vực hợp tác quốc tế và mở cửa thị trường tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.
Từ nền tảng của quý đầu năm, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật khẳng định, ngành tự tin sẽ đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng trong kế hoạch 3 tháng tới.
Băng bà Nguyễn Thị Thu Hương 1.
MC 2:
Dù đã đạt những kết quả tốt nhưng nông nghiệp là ngành sản xuất chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khó lường như thời tiết, thiên tai, diễn biến bất thường của thị trường… Trong đó, trồng trọt và bảo vệ thực vật là lĩnh vực chịu tác động trực tiếp. Những tháng đầu năm và những ngày gần đây, mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu gãy đổ, thiệt hại. Đặc biệt là thời tiết bất lợi đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng sinh vật gây hại phát sinh và lây lan trên nhiều diện tích cây trồng.
Còn đối với hoạt động xuất khẩu nông sản, các quy định khắt khe của thị trường cũng đặt ra nhiều thách thức cho lĩnh vực này, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết thêm.
Băng bà Nguyễn Thị Thu Hương 2
MC 2:
Đối với khó khăn mà lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật gặp phải, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, toàn ngành cần nỗ lực hơn nữa trong bám sát các kế hoạch sản xuất, đảm bảo thực hiện hiệu quả, chủ động trong giải quyết những vấn đề còn vướng mắc. Đặc biệt, cần quan tâm hơn đến công tác chọn cây giống để có những sản phẩm năng suất, chất lượng tốt hơn. Từ đó giữ vững, phát triển và đưa lĩnh vực trồng trọt tiến tới những cột mốc cao hơn, ấn tượng hơn...
Băng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, quý đầu năm khép lại với kết quả tốt đã tạo niềm tin cho lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực tiếp tục tăng tốc thực hiện nhiệm vụ quý II và cả năm. Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên như theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, tiến độ sản xuất trồng trọt, cập nhật tình hình gieo trồng, sinh trưởng phát triển, thu hoạch của từng đối tượng cây trồng để chỉ đạo sản xuất kịp thời, hiệu quả, chủ động sản xuất ứng phó thiên tai và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ thực vật trước sinh vật gây hại, có những kế hoạch phát triển thị trường phù hợp.
MC 2:
Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực trồng trọt, BVTV trên cả nước.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, những năm gần đây, cây dong riềng đã được trồng với diện tích khá lớn ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng gần 60ha cây dong riềng, được người dân trồng trong vườn nhà, trên sườn đồi. Nhờ phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, cây sinh trưởng và phát triển tốt, sau 10 tháng cho thu hoạch, năng suất đạt từ 70 - 75 tấn/ha, trừ chi phí thu lãi về 60 - 70 triệu đồng/ha. Từ củ dong riềng, nhiều HTX, hộ gia đình đã xây dựng thành công sản phẩm miến dong với nhiều thương hiệu khác nhau, như: miến dong riềng Đồi Ao (xã Cẩm Bình), miến dong riềng Thuận Tâm (xã Cẩm Liên), các sản phẩm này đều được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện địa phương đang đẩy mạnh phát triển dong riềng trở thành cây trồng chủ lực.
MC 2:
Tại Hưng Yên, thời gian qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương trong tỉnh đã phát huy được lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, phù hợp với trình độ sản xuất, thâm canh của nông dân; qua đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một héc-ta canh tác. Việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1 héc-ta canh tác của tỉnh từ hơn 173 triệu đồng/héc-ta năm 2017 lên 245 triệu đồng/héc-ta năm 2024. Nhiều mô hình chuyển đổi đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, đồng thời là điển hình để nông dân các địa phương học tập kinh nghiệm.
MC 1:
Đến nay, huyện Sốp Cộp tỉnh Sơn La có diện tích cây ăn quả hơn 2.100 ha, sản lượng ước đạt 2.300 tấn quả/năm, trong đó, 55 ha cây ăn quả trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, 4C, UTZ và các tiêu chuẩn tương đương. Toàn huyện có 1.057 ha cây cà phê, sản lượng đạt trên 4.300 tấn quả tươi/năm. Ngoài ra, huyện tích cực triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, như hệ thống tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thời gian qua, việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với sản phẩm chủ lực, được xem là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế nông thôn của huyện Sốp Cộp, góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Trồng trọt vượt khó, tăng tốc và kỳ vọng bứt phá
Từ nền tảng của những tháng đầu năm, lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật tự tin sẽ đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng trong kế hoạch quý II.
Quỳnh Anh - Bảo Thắng
Tin liên quan
Các chương trình
Trung tâm Dịch vụ việc làm đang từng ngày khẳng định vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người lao động trên hành trình nghề nghiệp mới.
3 tháng đầu năm, các địa phương đã tập trung cây giống, tăng tốc trồng rừng để khôi phục những diện tích rừng bị thiệt hại từ cuối năm 2024.