
Nông thôn chuyển mình nhờ du lịch
Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, quảng bá văn hóa bản địa, nâng cao đời sống cho bà con ở các vùng quê đã trở thành mục tiêu quan trọng.
Quỳnh Anh | 20:04 12/05/2025
Nông thôn chuyển mình nhờ du lịch – Hướng đi mới từ những vùng quê Việt
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Đầu tư nông nghiệp.
Thưa quý vị và bà con, những năm gần đây, làn sóng phát triển du lịch toàn cầu có nhiều sự dịch chuyển và một xu hướng đang dần lên ngôi – đó là du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn. Du khách không còn chỉ tìm đến những thành phố hoa lệ mà ngày càng mong muốn được hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa làng quê, khám phá nhịp sống yên bình và chân thật nơi thôn dã. Việt Nam ta là một quốc gia có tới hơn 60% dân số sống ở khu vực nông thôn – được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này. Và thực tế là phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, quảng bá văn hóa bản địa, nâng cao đời sống cho bà con ở các vùng quê cũng đã và đang được quan tâm, trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của nhiều địa phương.
MC 2

Hiện nay du lịch nông thôn không còn là khái niệm xa lạ. Trên thế giới, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... đã tận dụng rất tốt hình thức này để vừa phát triển kinh tế nông thôn, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống.
Ở nước ta, vài năm trở lại đây, chính sách phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được chú trọng hơn. Nhiều địa phương đã mạnh dạn đầu tư, thu hút nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm tại làng nghề, trang trại, hợp tác xã. Từ đó tạo thêm sinh kế cho người dân và góp phần giữ gìn những giá trị truyền thống đang có nguy cơ mai một. Tiêu biểu trong số đó là tỉnh Ninh Bình.
Không chỉ nổi tiếng với Tràng An hay Tam Cốc, ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, thời gian gần đây, du lịch nông thôn ở địa phương đã có bước chuyển mình rõ rệt, bà con không chỉ canh tác nông nghiệp đơn thuần mà còn khai thác cảnh quan, văn hóa bản địa để làm du lịch. Các cấp, ngành, địa phương cũng luôn chú trọng đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, xem du lịch, trong đó có du lịch nông thôn là ngành kinh tế mũi nhọn, lấy người dân làm trung tâm phát triển.
Băng 1 ông Bùi Văn Mạnh.
MC 2:
Không chỉ tạo ra nguồn thu mới, đầu tư vào du lịch nông nghiệp còn giúp quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Du khách đến với mỗi vùng quê, không chỉ để xem mà còn để cảm nhận, để yêu, để kể lại với bạn bè quốc tế về vẻ đẹp rất riêng của vùng đất đã đi qua. Và Việt Nam ta, đã có nhiều bản làng, nhiều địa chỉ du lịch nông nghiệp, nông thôn được du khách đánh giá cao. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát triển bền vững, thì không chỉ ở Ninh Bình mà tất cả các địa phương đều cần có sự đầu tư bài bản từ hạ tầng, dịch vụ đến con người. Đặc biệt, mỗi địa phương cần xác định rõ bản sắc riêng để tránh rập khuôn, đơn điệu.
Ngoài ra, việc kết nối du lịch với giá trị văn hóa truyền thống là yếu tố “then chốt” để giữ chân du khách. Một lễ hội làng, một món ăn dân dã, hay một khúc hát dân ca… đôi khi lại chính là lý do để người ta nhớ mãi một vùng đất.
Lấy câu chuyện của Ninh Bình làm ví dụ, ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, để du lịch bứt phá, địa phương cần tạo chính sách thuận lợi để thu hút kinh tế tư nhân, đồng thời chú trọng chuyển đổi số, số hóa di sản.. và quan trọng nhất, yếu tố văn hóa phải được xác định là hạt nhân của mọi chiến lược phát triển du lịch địa phương.
Băng 2 ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
MC 2:
Song song với việc đầu tư bài bản cho du lịch nông thôn phát triển, ông Johnathan Baker - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng, phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nông thôn nói riêng cần đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản, văn hóa truyền thống. Đại diện UNESCO tại Việt Nam gợi ý về việc xây dựng các tuyến du lịch văn hoá theo chủ đề và du lịch nông thôn, nhằm khuyến khích du khách khám phá di sản sống động của địa phương vượt ra ngoài các điểm đến quen thuộc. Thúc đẩy các mô hình hợp tác xã du lịch văn hoá do cộng đồng dẫn dắt, đảm bảo phân chia lợi ích một cách công bằng Thành lập các “vườn ươm” di sản để hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, nghệ nhân và doanh nghiệp địa phương hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá. Trao quyền cho thanh niên thông qua các chương trình ghi chép lịch sử truyền miệng, kể chuyện số và đào tạo lãnh đạo trong lĩnh vực du lịch sinh thái.
Băng 3 Johnathan Baker
MC1
Thưa quý vị và bà con, đầu tư cho du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ là câu chuyện của ngành du lịch – mà còn là chiến lược phát triển nông thôn mới theo hướng toàn diện, xanh và bền vững. Nếu được quy hoạch hợp lý và có sự chung tay của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân, du lịch nông thôn chắc chắn sẽ trở thành “đòn bẩy” kinh tế cho vùng quê Việt Nam, giúp nâng cao thu nhập, giữ gìn văn hóa và đưa hình ảnh đất nước ta vươn xa hơn trên bản đồ du lịch thế giới.
MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn trong lĩnh vực Đầu tư nông nghiệp.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, Từ ngày 5-9/5, Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP.HCM đã tổ chức chuyến khảo sát thực địa, giới thiệu bốn dự án tiêu biểu về phát triển nông nghiệp bền vững do Chính phủ Australia tài trợ thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia – ACIAR và các đối tác Việt Nam triển khai. Theo đại diện ACIAR, kể từ năm 1993, cơ quan này đã triển khai hơn 261 dự án tại Việt Nam với tổng ngân sách lên tới 184 triệu AUD. Các dự án ưu tiên nâng cao năng suất nông nghiệp, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và hỗ trợ nhóm nông hộ nhỏ, phụ nữ, cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2025–2030, ACIAR dự kiến đầu tư thêm 23 triệu AUD cho các chương trình nghiên cứu nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng hiện đại và bền vững hơn.
MC 2:
Những năm qua, Việt Nam đã dần hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên nhìn tổng thể bức tranh thu hút nguồn vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhìn nhận, phần lớn các dự án FDI có quy mô vừa và nhỏ. Theo thống kê, khoảng 23% số dự án có vốn đăng ký dưới 1 triệu USD, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao, khó tạo đột phá trong chuyển đổi mô hình sản xuất. Phân bố đầu tư chưa đồng đều giữa các vùng. Bên cạnh đó, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, nông dân trong một số trường hợp còn yếu. Việc chuyển giao công nghệ, lan tỏa giá trị gia tăng, phát triển hệ sinh thái địa phương chưa thực sự hiệu quả.
MC 1:
Tại Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Sở Nông nghiệp và Môi trường đạt gần 1.300 tỷ đồng, dự kiến phân bổ cho các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, đê điều… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 2 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp sử dụng vốn viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài. Nhờ đó, ngành Nông nghiệp của tỉnh những năm qua liên tục tăng trưởng, sản xuất phát triển toàn diện và đúng hướng, cơ cấu cây trồng - vật nuôi chuyển dịch tích cực. Hàng loạt công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, làm cho nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi mới, hiện đại, văn minh…
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Đầu tư nông nghiệp của Nông nghiệp radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Nông thôn chuyển mình nhờ du lịch
Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, quảng bá văn hóa bản địa, nâng cao đời sống cho bà con ở các vùng quê đã trở thành mục tiêu quan trọng.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Với sự chủ động, tinh thần cầu tiến và khả năng thích nghi, lao động tuổi trung niên hoàn toàn có thể mở ra chương mới cho hành trình sự nghiệp của mình.
Cảnh báo sớm, hành động sớm không chỉ là một chiến lược phòng ngừa mà còn là biểu hiện của sự đồng lòng trong việc bảo vệ cuộc sống và tương lai của chúng ta.