Cảnh báo sớm – Lá chắn sinh tồn trước lũ quét và sạt lở

Cảnh báo sớm, hành động sớm không chỉ là một chiến lược phòng ngừa mà còn là biểu hiện của sự đồng lòng trong việc bảo vệ cuộc sống và tương lai của chúng ta.

Quỳnh Anh  | 12:41 10/05/2025

Cảnh báo sớm – Lá chắn sinh tồn trước lũ quét và sạt lở

Tự động

Cảnh báo sớm – lá chắn sinh tồn trước lũ quét và sạt lở

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phòng chống thiên tai

Thưa quý vị và bà con, những năm gần đây thiên tai tại nước ta có diễn biến ngày càng bất thường, khốc liệt với nhiều loại hình được ghi nhận. Trong đó, lũ quét và sạt lở đất không còn là những hiện tượng hiếm gặp mà đã trở thành hiểm họa thường xuyên tại nhiều địa phương miền núi, trung du. Đây là hai loại hình thiên tai gây ra những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng không chỉ về con người và tài sản, mà còn để lại hệ lụy lâu dài đối với sinh kế, môi trường, hạ tầng, và ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế gần đây cho thấy, mức độ tàn phá do lũ quét và sạt lở đất ngày càng gia tăng, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc chủ động phòng ngừa. Trong bối cảnh như vậy thì cảnh báo sớm và hành động sớm tại cộng đồng chính là yếu tố then chốt để giảm thiểu tổn thất do thiên tai gây ra.

MC 2:

Thưa quý vị và bà con, trong những năm gần đây, hiện tượng lũ quét và sạt lở đất đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung nước ta. Dưới tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng phá rừng, mất cân bằng sinh thái, những trận mưa lớn kéo dài thường kéo theo dòng nước dữ đã cuốn trôi nhà cửa, hoa màu, thậm chí là cướp đi sinh mạng của người dân.

 

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên, Bộ Nông nghiệp và môi trường, lũ quét, sạt lở đất là những nguyên nhân chính gây thiệt hại về người tại nước ta trong nhiều năm qua. Đặc biệt, những trận lũ quét, sạt lở đất sau mưa bão số 3 – yagi xảy ra vào tháng 9 năm ngoái đã làm 265 người chết, mất tích.

Ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên thông tin.

Băng 1: Ông Nguyễn Xuân Tùng

MC 2:

Không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, lũ quétvà sạt lở còn để lại hậu quả lâu dài như đất sản xuất bị vùi lấp, đường sá bị chia cắt, đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế của bà con vùng cao bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh về việc cần nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường công tác cảnh báo sớm, quy hoạch dân cư hợp lý và bảo vệ rừng – để đất nước ta không còn những tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng giữa dòng lũ.

Trong những giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai nói chung và sự tàn phá của lũ quét, sạt lở đất nói riêng, cảnh báo sớm là một yếu tố quan trọng. Nhận rõ điều này, từ năm 2016, Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai đã thực hiện dự án cảnh báo sớm mưa lũ với các hoạt động như lắp đặt trạm đo mưa, tháp cảnh báo lũ tự động chuyên dùng cảnh báo sớm mưa lũ tại cộng đồng. Trong 09 năm qua, dự án đã lắp đặt hơn 900 trạm đo mưa tự động và 24 tháp cảnh báo lũ tự động chuyên dùng cảnh báo mưa lũ ở cộng đồng tại 49 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Tại tỉnh Sơn La – một trong những địa phương được hưởng lợi từ dự án, hệ thống này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhờ những tín hiệu cảnh báo sớm, chính quyền địa phương có thể chủ động triển khai phương án ứng phó, người dân được sơ tán kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất gây ra. Những tháp cảnh báo giữa núi rừng không chỉ là thiết bị kỹ thuật, mà còn là biểu tượng của sự chủ động, gắn kết cộng đồng trong hành trình sống chung an toàn với thiên tai. Thế nhưng theo ông Lường Khắc Kiên, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục thuỷ lợi và tài nguyên nước Sơn La, việc cảnh báo sớm mới chỉ đến địa bàn cấp huyện vẫn là chưa đủ bởi Sơn La là tỉnh miền núi với địa hình chia cắt, đặc điểm thời tiết trong ngày tại các thôn, bản trong huyện có thể khác nhau và hệ thống thông tin truyền tải tới bà con vùng sâu vùng xa cũng còn hạn chế. Chính vì vậy, địa phương mong muốn những khó khăn này sớm được tháo gỡ để thông tin cảnh báo đến gần với người dân hơn.

Băng Sơn La

MC 2:

Đồng tình với quan điểm mà đại diện tỉnh Sơn La đưa ra, TS. Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Chủ tịch Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai cho biết, hiện nay tất cả các trạm đo mưa và tháp cảnh báo lũ tự động do dự án hỗ trợ lắp đặt đều hoạt động ổn định, liên tục, phục vụ hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ ở các địa phương cũng như kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ chỉ đạo phòng chống lũ lụt. Song, để hệ thống cảnh báo thực sự phát huy hiệu quả, việc tổ chức và vận hành hệ thống truyền tải thông tin đến người dân là yếu tố then chốt.

Băng TS. Cao Đức Phát

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, trong cuộc chiến chống lại thiên tai, không có giải pháp nào là toàn năng, nhưng sự chủ động vẫn luôn là yếu tố sống còn. Những mô hình cảnh báo sớm đã chứng minh rằng khi cộng đồng được tiếp cận thông tin kịp thời, được trang bị kiến thức và chủ động hành động – thiệt hại có thể giảm đi đáng kể. Cảnh báo sớm – hành động sớm không chỉ là một chiến lược phòng ngừa, mà còn là biểu hiện của sự đồng lòng giữa nhà nước, tổ chức xã hội và người dân trong việc bảo vệ cuộc sống, tài sản, và tương lai của chính chúng ta.

MC 2:

Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực Phòng chống thiên tai.

MC 1:

Thưa quý vị và bà con,

Để đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được tổ chức triển khai liên tục, thống nhất, hiệu quả, phù hợp với mô hình tổ chức hành chính mới, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng dự thảo Kế hoạch chuyển đổi công tác phòng, chống thiên tai đáp ứng mô hình tổ chức hành chính mới. Nội dung dự thảo kế hoạch cần tập trung vào tổ chức hệ thống chỉ đạo, chỉ huy, điều hành và thực thi công tác PCTT&TKCN của TP theo mô hình tổ chức hành chính mới, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, thông suốt, không gián đoạn trong quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức hành chính mới.

MC 2:

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, nồng độ mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ của những ngày qua đang tiếp tục tăng mạnh, có nơi đạt gần 10‰. Đối với các điểm đo ở huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh gần như không biến động nhiều. Trước tình hình này, ngành chức năng và các địa phương ở huyện Long Mỹ đã và đang tiến hành rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, dầu…  và có kế hoạch trữ nước ngọt trên đồng, ngăn nước mặn xâm nhập lên đồng, bảo vệ tốt cho lúa Hè thu đã xuống giống, các vùng cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản. Bên cạnh đó cũng khuyến cáo người dân trữ nước trong các ao, mương vườn và sử dụng nước tiết kiệm. Có lịch xuống giống tránh hạn, mặn; chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, xây dựng nhiều mô hình sinh kế phù hợp.

MC 1:

Vừa qua, trên địa bàn huyện Phú Tân, tỉnh An Giang xảy ra giông lốc, mưa lớn làm ảnh hưởng 131 căn nhà. Ước tổng thiệt hại về nhà hơn 2,1 tỷ đồng. Ngoài ra, thiên tai còn gây thiệt hại về nông nghiệp. Nhiều vườn cây ăn trái đang vào thời điểm thu hoạch bị ngã đổ hoàn toàn, gồm cây ăn trái lâu năm và cây màu ngắn ngày, mức độ thiệt hại đang được thống kê. Cơ sở hạ tầng cũng bị hư hỏng, thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng. Trước diễn biến thất thường của thời tiết, UBND huyện Phú Tân yêu cầu các địa phương, ban, ngành tăng cường tuyên truyền biện pháp ứng phó mưa giông kèm lốc, sét, mưa đá và sạt lở trên địa bàn. Chủ động đề phòng hiện tượng thời tiết nguy hiểm, đặc biệt trong thời kỳ chuyển mùa và các tháng đầu mùa mưa, từ cuối tháng 4 trở đi.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phòng chống thiên tai của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Cảnh báo sớm – Lá chắn sinh tồn trước lũ quét và sạt lở

Cảnh báo sớm, hành động sớm không chỉ là một chiến lược phòng ngừa mà còn là biểu hiện của sự đồng lòng trong việc bảo vệ cuộc sống và tương lai của chúng ta.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Thu ‘trái ngọt’ từ đầu tư trồng ca cao trên vùng đất khô cằn
Phóng sự

Từ hiệu quả kinh tế từ cây ca cao mang lại, một số hộ dân trên địa bàn xã Pờ Tó cũng đã liên kết, trồng thử nghiệm và bước đầu mang lại hiệu quả.

Thu ‘trái ngọt’ từ đầu tư trồng ca cao trên vùng đất khô cằn
Từ 'cơn sốt' thị trường đến yêu cầu chuẩn hóa sản xuất sầu riêng
Phóng sự

Sản xuất đúng quy hoạch, tuân thủ quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm sẽ là chìa khóa để sầu riêng Việt Nam vững vàng hơn trên thị trường.

Từ 'cơn sốt' thị trường đến yêu cầu chuẩn hóa sản xuất sầu riêng