
AI ‘tràn ngập’ ruộng đồng tại Trung Quốc
Trung Quốc đang xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp thông minh, khuyến khích áp dụng rộng rãi AI nhằm hiện đại hóa nền sản xuất truyền thống.
Quỳnh Anh (Tổng hợp) | 16:21 09/07/2025
AI ‘tràn ngập’ ruộng đồng tại Trung Quốc
Thưa quý vị và bà con,
Trong những năm gần đây, Trung Quốc nổi lên là một trong những quốc gia tiên phong trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI vào nông nghiệp. Từ các chính sách cấp cao đến những đổi mới ở cấp địa phương, quốc gia này đang xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp thông minh nhằm hiện đại hóa nền sản xuất truyền thống và giải quyết các thách thức về nhân lực, năng suất và quản lý.
Tháng 10 năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc công bố Kế hoạch Nông nghiệp thông minh quốc gia, khuyến khích áp dụng rộng rãi AI trong toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp – từ trồng trọt, chăn nuôi đến phòng trừ sâu bệnh. Kế hoạch đặt ra mục tiêu tạo nên một hệ sinh thái hiện đại dựa trên công nghệ như dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT), tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.
Vào tháng 2, năm nay, Quốc vụ viện Trung Quốc tiếp tục tăng cường nỗ lực này bằng cách ủng hộ các giải pháp nông nghiệp thông minh thông qua ứng dụng AI mở rộng với dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT), đi kèm những công nghệ tiên tiến khác để phát triển và quản lý nông thôn.
Trên thực tế, nhiều địa phương và tổ chức tại Trung Quốc đã sớm thử nghiệm và triển khai các giải pháp AI sáng tạo. Tại thành phố Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông, một chatbot chuyên ngành được phát triển để tư vấn toàn diện về quy trình trồng và chăm sóc hoa lan. Tại tân khu Hùng An, tỉnh Hà Bắc, chatbot khác hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng trọt và kiểm soát dịch hại – với dữ liệu được huấn luyện từ chuyên gia và nông dân giàu kinh nghiệm.

Không dừng lại ở đó, các viện nghiên cứu cũng phát triển công nghệ hiện đại hơn.
Chẳng hạn, Viện nghiên cứu nông nghiệp thông minh thuộc Đại học nông nghiệp Nam Kinh đã phát triển hai công nghệ canh tác lúa mì thông minh: một robot giám sát lúa mì và một hệ thống cảm biến từ xa để biết điều kiện trồng lúa mì. Robot giúp đánh giá chính xác môi trường đồng ruộng và điều kiện sinh trưởng của cây trồng, tính toán năng suất theo thời gian thực và hiển thị bản đồ phân bố không gian của năng suất lúa mì trên màn hình lớn bên cạnh cánh đồng. Và nông dân Trung Quốc hiện cũng đang dùng trí tuệ nhân tạo kết hợp quang phổ cận hồng ngoại để đánh giá độ chín của trái cây. Ví dụ với quả sầu riêng, quy trình xác định trái chín đã giảm từ ba ngày xuống còn hai giờ, với độ chính xác tăng từ 50% lên 91%.
Đối với thế hệ nông dân trẻ, AI không chỉ là công cụ kỹ thuật mà còn là người “cố vấn” đáng tin cậy về cả chuyên môn, thực tế lẫn tâm lý. Một nông dân từng chia sẻ: Bạn có thể biết cách bón phân cho cây, nhưng không biết chính xác cây cần bao nhiêu. Với AI phân tích ảnh chụp, bạn có thể dễ dàng điều chỉnh liều lượng kali để đảm bảo mọi quả đào chín đều có độ ngọt đồng đều". So với các phương pháp truyền thống, AI cung cấp cho nông dân cách quản lý cây trồng chi tiết và phổ quát hơn, cho phép người trồng xử lý trên quy mô diện tích lớn hơn. Về lâu dài, giá trị kinh tế cũng cao hơn.
AI không chỉ xuất hiện trong viện nghiên cứu hay các thành phố lớn. Nhờ mạng di động phủ khắp và điện thoại thông minh phổ biến, ngay cả cư dân vùng nông thôn – chiếm khoảng 1/3 dân số Trung Quốc cũng đang háo hức sử dụng các chatbot có tích hợp AI như DeepSeek để cung cấp lời khuyên về nhiều chủ đề, từ chăn nuôi lợn đến kiểm soát dịch hại.
Tại thị trấn Ân Bình, tỉnh Quảng Đông, một hệ thống AI tích hợp cảnh báo dịch bệnh đã được triển khai, gửi thông báo đến điện thoại người dân. Chính quyền địa phương cũng tích cực phối hợp doanh nghiệp để tổ chức tập huấn, giúp người dân sử dụng AI hiệu quả và biết cách đánh giá phản hồi từ chatbot một cách hợp lý.
Ngay cả đội ngũ cán bộ cơ sở cũng không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số. Một khóa đào tạo AI do Tencent tài trợ vào tháng 4 đã được tổ chức cho hơn 200 cán bộ tại huyện Tử Kim, tỉnh Quảng Đông, trang bị kiến thức từ sử dụng AI trong nông nghiệp đến soạn thảo văn bản hành chính.
Việc Trung Quốc tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp cho thấy quyết tâm chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững hơn. Từ chính sách cấp cao đến đổi mới tại từng thôn làng, AI đang trở thành công cụ hỗ trợ không thể thiếu đối với người nông dân trong thời đại mới.
AI ‘tràn ngập’ ruộng đồng tại Trung Quốc
Trung Quốc đang xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp thông minh, khuyến khích áp dụng rộng rãi AI nhằm hiện đại hóa nền sản xuất truyền thống.
Quỳnh Anh (Tổng hợp)
Tin liên quan
Các chương trình
Hồi sinh dòng kênh ‘chết’; Tập trung xử lý ô nhiễm không khí, sông ngòi của Hà Nội; Thái Nguyên: Đô thị ‘nghẹt thở’ vì ùn ứ rác.
Quy trình đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 2 cấp; Bộ tài liệu IPHM đầu tiên cho ngành cà phê; Dứa Đồng Giao bội thu, giá cao chưa từng thấy.