6 tháng đầu năm, nông lâm thủy sản xuất siêu hơn 9,8 tỷ USD

6 tháng đầu năm, nông lâm thủy sản xuất siêu hơn 9,8 tỷ USD; Nhiều hồ đập "rệu rã", Hà Tĩnh đề xuất hỗ trợ gần 560 tỷ đồng.

Quỳnh Anh  | 09:29 28/07/2025

6 tháng đầu năm, nông lâm thủy sản xuất siêu hơn 9,8 tỷ USD

Tự động

6 tháng đầu năm, nông lâm thủy sản xuất siêu hơn 9,8 tỷ USD

  Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã đến với bản tin Nông Nghiệp Tuần Qua của Kênh Nông Nghiệp radio. Bây giờ sẽ là những nội dung chính sẽ có trong bản tin ngày hôm nay.

Headline ( 45 giây)

  • 6 tháng đầu năm, nông lâm thủy sản xuất siêu hơn 9,8 tỷ USD
  • Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam
  • Ninh Bình đề xuất xóa vùng phân lũ sông Hoàng Long
  • Nghệ An: Nước rút đến đâu, khắc phục nhanh đến đó
  • Tuyên Quang: Thành lập tổ công tác cơ động chống dịch tả lợn Châu Phi
  • Nhiều hồ đập "rệu rã", Hà Tĩnh đề xuất hỗ trợ gần 560 tỷ đồng
  • Rau màu cho lợi nhuận vượt trội so với trồng lúa độc canh
  • Lạng Sơn đẩy nhanh tiến độ điều tra rừng

Sau đây là nội dung chi tiết:

  • 6 tháng đầu năm, nông lâm thủy sản xuất siêu hơn 9,8 tỷ USD

Thưa quý vị và bà con, trong tuần qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Theo báo cáo từ hội nghị, tốc độ tăng giá trị gia tăng toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 3,84% so với cùng kỳ năm ngoái, cơ bản đạt mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt hơn 33,8 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Nhìn về giai đoạn 2026-2030, ngành nông nghiệp và môi trường được kỳ vọng đóng góp mạnh mẽ vào mục tiêu tăng trưởng toàn nền kinh tế ở mức hai con số, thậm chí có năm cần đạt trên 12%. Theo quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng, đây là một thách thức rất lớn. Do đó, tất cả các đơn vị thuộc Bộ cần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao và tham mưu cho Bộ những giải pháp hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đưa toàn ngành phát triển như kỳ vọng. Cụ thể hơn về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ tiếp tục gửi tới quý vị trong phần sau của chương trình.

 
  • Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam - VASEP, trong nửa đầu năm nay Trung Quốc nổi lên như một điểm sáng của xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Sáu tháng qua, thị trường này đã nhập khẩu trên 1,1 tỷ USD thủy sản từ nước ta, tăng gần 45% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ để dẫn đầu về nhập khẩu thủy sản Việt. Theo VASEP, mặc dù Trung Quốc siết chặt tiêu chuẩn chất lượng, chính sách thương mại ổn định hơn đã giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ lên kế hoạch sản xuất, ký kết các hợp đồng dài hạn. Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ 2024.

  • Ninh Bình đề xuất xóa vùng phân lũ sông Hoàng Long

Tại Báo gửi Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp và Môi trường mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã đề xuất một loạt giải pháp ứng phó và phục hồi sau bão số 3 (Wipha). Trong đó, nổi bật là kiến nghị xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ sông Hoàng Long. Vùng phân lũ này trải dài qua các xã trũng thấp thuộc huyện Gia Viễn và Nho Quan trước đây, có nhiệm vụ đón dòng nước tràn khi sông Hoàng Long vượt báo động. Nhằm hướng tới một giải pháp căn cơ, lâu dài, tỉnh Ninh Bình tính đến việc quy hoạch lại vùng phân lũ, chậm lũ tại hạ lưu sông Hoàng Long và kiến nghị xóa bỏ vùng này, gắn liền với việc nâng cấp hạ tầng thủy lợi, củng cố hệ thống đê điều, đẩy nhanh dự án đê biển Bình Minh 4 giai đoạn 2 và hiện đại hóa các trạm bơm tiêu lớn. Tỉnh cho rằng, khi các phương tiện kỹ thuật đã đủ mạnh để chủ động kiểm soát lũ, việc duy trì vùng ngập cố định sẽ không còn cần thiết.

  • Nghệ An: Nước rút đến đâu, khắc phục nhanh đến đó

“Nước rút đến đâu, tổ chức khắc phục nhanh đến đó” là cam kết của UBND tỉnh Nghệ An tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia diễn ra trong tuần qua. Theo đó, trong bối cảnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai, Nghệ An luôn xác định phương châm “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính”. Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, tỉnh thực hiện nghiêm túc, khẩn trương nội dung các Công điện của Chính phủ về tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả. UBND tỉnh Nghệ An thông tin, Tỉnh đã di dời 3.440 hộ dân, điều động hơn 2.700 cán bộ lực lượng Quân đội, Công an ứng cứu, hỗ trợ người dân kịp thời và huy động nhiều thiết bị cứu hộ cứu nạn trên sông nước, chủ động chuẩn bị nguồn hàng từ trước nên kịp thời bố trí để vận chuyển lên hỗ trợ bà con vùng bị cô lập.

  • Tuyên Quang: Thành lập tổ công tác cơ động chống dịch tả lợn Châu Phi

Từ ngày 19 đến 22/7, tỉnh Tuyên Quang buộc phải tiêu hủy 5.481 con lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi. Tính đến thời điểm này, tổng số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy lên tới hơn 7.700 con. Do đó, ngành Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh từ cơ sở. Tất cả các trường hợp không khai báo, bán chạy, giết mổ, vận chuyển hoặc vứt xác lợn chết ra môi trường đều bị xử lý nghiêm. Hệ thống cảnh báo và thông tin đã được thiết lập đến tận người dân, thông qua việc công khai số điện thoại của 80 cán bộ thú y tại các khu vực trên toàn tỉnh. Hai tổ công tác cơ động cũng được thành lập, trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn và xử lý các điểm nóng. Cùng với đó, ba chốt kiểm dịch tạm thời đã được thiết lập.

  • Nhiều hồ đập "rệu rã", Hà Tĩnh đề xuất hỗ trợ gần 560 tỷ đồng

Hiện trên địa bàn Hà Tĩnh có 348 hồ chứa nước thủy lợi với tổng dung tích đạt trên 1,6 tỷ m3. Hằng năm, hệ thống hồ đập đã cung cấp nước tưới cho hơn 58.000 ha đất trồng lúa/năm và cây trồng cạn, cấp nước phục vụ công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thủy sản, góp phần cắt giảm lũ hạ du và cải tạo môi trường sinh thái. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng lâu dài, chịu tác động thiên tai, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên hàng loạt công trình đã bị xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao. Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn tới 116 công trình hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp. Do đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Bộ NN&MT đề xuất xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ đầu tư sửa chữa 44 công trình có mức độ nguy hiểm cao với tổng kinh phí dự kiến hơn 559 tỷ đồng.

  • Rau màu cho lợi nhuận vượt trội so với trồng lúa độc canh

Nhờ hiệu quả khi chuyển đổi sản xuất, rau màu đang dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực cho lợi nhuận vượt trội so với trồng lúa độc canh nhiều rủi ro tại vùng Đồng Tháp Mười. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, đến giữa tháng 7, nông dân trong tỉnh trồng được khoảng 44.000 ha rau màu các loại, đạt khoảng 64% chỉ tiêu cả năm và tăng hơn 5% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch khoảng 853.000 tấn. Trong đó, hai vùng sản xuất rau màu trọng điểm là Đồng Tháp Mười và vùng ngọt hóa Gò Công đóng góp khoảng 50% diện tích và sản lượng rau màu toàn tỉnh. Nhờ phát huy tiềm năng và thế mạnh cây màu thích ứng biến đổi khí hậu, nông dân tại đây nâng cao thu nhập, có cuộc sống ổn định và 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

  • Lạng Sơn đẩy nhanh tiến độ điều tra rừng

Tại tỉnh Lạng Sơn, điều tra rừng được thực hiện 5 năm một lần nhằm thu thập các thông tin về diện tích, hiện trạng rừng, diện tích đất chưa có rừng, chủ rừng... để phục vụ công tác quản lý, theo dõi diễn biến rừng, xây dựng chiến lược phát triển rừng trên địa bàn. Điều tra rừng năm 2025 được triển khai từ đầu tháng 6 và sẽ thực hiện công bố kết quả vào cuối năm. Để đẩy nhanh tiến độ điều tra theo kế hoạch, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp, quán triệt 100% đội ngũ kiểm lâm địa bàn cùng tham gia với nhà thầu, trong quá trình thu thập thông tin thực địa. Tính đến giữa tháng 7, 11 hạt kiểm lâm khu vực trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành sơ thám tại 100% địa bàn các xã cũ và đang tích cực triển khai công tác điều tra, thu thập thông tin mẫu khóa ảnh ngoài thực địa phục vụ giải đoán ảnh viễn thám với 50/475 mẫu.

Nhạc cắt

Đối thoại

Thưa quý vị và bà con, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng giá trị gia tăng toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 3,84% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng cao thứ hai trong giai đoạn 2021-2025, cơ bản đạt mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt hơn 9,8 tỷ USD, tăng 16,3% và cao hơn mức xuất siêu chung của nền kinh tế. Dù đạt kết quả tốt, song theo Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng, mục tiêu tăng trưởng toàn ngành năm nay là trên 4%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 65 tỷ USD. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm chỉ còn 5 tháng, trong khi bối cảnh quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, chúng ta không thể chủ quan, phải có hành động quyết liệt trong quý III và IV.

Băng

Quang Dũng

Nhạc

Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!

Tự động

6 tháng đầu năm, nông lâm thủy sản xuất siêu hơn 9,8 tỷ USD

6 tháng đầu năm, nông lâm thủy sản xuất siêu hơn 9,8 tỷ USD; Nhiều hồ đập "rệu rã", Hà Tĩnh đề xuất hỗ trợ gần 560 tỷ đồng.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Bản tin môi trường ngày 28/7/2025: Hệ lụy từ nước thải 'nuôi’ lục bình
Thời sự

Hệ lụy từ nước thải 'nuôi’ lục bình; Quảng Ninh khởi tố 4 bị can vì gây ô nhiễm; TP.HCM ‘mở đường’ cho giao thông xanh.

Bản tin môi trường ngày 28/7/2025: Hệ lụy từ nước thải 'nuôi’ lục bình
Thời tiết nông vụ ngày 28/7/2025: Bắc Bộ nắng nóng diện rộng, Nam Bộ mưa lớn
Thời sự

Trong khi nắng nóng tiếp tục bao phủ các tỉnh Bắc Bộ thì hôm nay tại Trung Bộ và Nam Bộ, mưa rào và dông vẫn duy trì, tập trung nhiều vào chiều tối.

Thời tiết nông vụ ngày 28/7/2025: Bắc Bộ nắng nóng diện rộng, Nam Bộ mưa lớn