Thứ bảy 10/05/2025 - 18:19
Nông nghiệp
Quyết định 463 mở rộng đường cho ngành công nghiệp dược liệu
Thứ Bảy 10/05/2025 - 18:16
Với sự trợ lực từ chính sách, ngành công nghiệp dược liệu Việt Nam kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần, đủ sức cạnh tranh với thị trường thế giới.
- Để dược liệu dưới tán rừng ‘cất cánh’
- Dược liệu Quảng Ninh vươn tầm quốc gia
- Lào Cai thu hút doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ dược liệu
Phát triển chưa xứng tiềm năng
Ngày 10/5, tại Quảng Nam, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị triển khai quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 28/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”.

Quảng Nam có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh. Ảnh: L.K.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, với hơn 5.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc, trong đó nhiều loài có giá trị dược liệu cao, được đánh giá là tiềm năng lớn để phát triển thành ngành công nghiệp dược liệu hiện đại.
Tại vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên có nhiều loại dược liệu quý có giá trị kinh tế và y tế có tiềm năng nuôi trồng khai thác như: bách bộ, câu đằng, cẩu tích, chè dây… Đặc biệt, trong đó phải kể đến sâm Ngọc Linh được xem là báu vật quốc gia, chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Mặc dù vậy, trong nhiều năm qua, ngành dược liệu nước ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có, chủ yếu mới dừng lại ở khai thác thô, giá trị gia tăng thấp, chưa tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, từ thực tế nói trên thì Việt Nam cần có một trung tâm công nghiệp dược liệu với quy mô lớn, hiện đại, đảm bảo chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu - nuôi trồng - chế biến sâu - thương mại hóa.
“Đây chính là lý do đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực” được Chính phủ phê duyệt và hiện nay triển khai thực hiện. Điều này không chỉ giúp nâng cao vị thế ngành dược liệu Việt Nam, mà còn tạo tiền đề để miền Trung - Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất và xuất khẩu dược liệu hàng đầu khu vực”, ông Tuyên nói.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (thứ 2 từ phải qua), dược liệu có ý nghĩa rất đa ngành. Ảnh: L.K.
Theo mục tiêu của đề án, trong 2 giai đoạn 2025-2035 và 2036-2045 sẽ phát triển đồng bộ vùng nguyên liệu dược liệu và hệ thống chế biến, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học… Từ đó từng bước đưa Quảng Nam trở thành trung tâm của ngành công nghiệp dược liệu của cả nước; phát huy tiềm năng của sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh và các dược liệu có thế mạnh trên địa bàn, góp phần đưa ngành công nghiệp dược liệu của Việt Nam trở thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Đưa ngành dược liệu Quảng Nam vươn ra thế giới
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Nam, tỉnh này hiện có 832 loài dược liệu, trong đó có 36 loài nằm trong sách đỏ. Những loài quý hiếm như sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, ba kích tím, hà thủ ô không chỉ có giá trị kinh tế mà còn hàm chứa tri thức dân gian quý báu của của các tộc người Cơ Tu, Xê Đăng…
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, dù có tiềm năng lớn để phát triển cây dược liệu nhưng thời gian qua địa phương cũng gặp không ít những khó khăn. Trong đó, cơ chế chính sách của nhà nước cho việc phát triển dược liệu còn thiếu; vốn hỗ trợ phát triển chưa nhiều; chưa có định hướng truyền thông rõ ràng…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho rằng, đề án mới là điểm khởi đầu nên để ngành công nghiệp dược liệu phát triển thì trong thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm. Ảnh: L.K.
“Vì vậy, quyết định 463 như là cánh cửa mở ra cho sự phát triển vượt bậc, đặc biệt gốc của vấn đề là người dân rồi đến doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp phát triển thì kinh tế xã hội sẽ phát triển. Không chỉ ở trong nước, còn tạo động lực, lợi thế để cạnh tranh với các nước trên thế giới. Đáng mừng là, có nhiều doanh nghiệp tham gia với cam kết mạnh mẽ để cùng với địa phương và Chính phủ phát triển ngành công nghiệp dược liệu. Khi nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng làm, tôi tin trong tương lai sẽ đạt được thành công”, ông Bửu bày tỏ.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, dược liệu có ý nghĩa đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển được nguồn cho ngành y tế, tạo điều kiện nâng cao đời sống cho bà con nông dân, đặc biệt là ở vùng cao. Đảng, Nhà nước, Chính phủ ý thức rất rõ điều đó. Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với ngành y tế cũng đã có định hướng rõ ràng, trong đó có vấn đề phát triển ngành dược liệu, đông y.
“Tuy nhiên, đề án mới chỉ là động thái của Chính phủ để có cú hích, là điểm khởi đầu, còn khá nhiều việc Quảng Nam phải làm sau đó. Đề án chứa đựng nhiều kỳ vọng, đặt ra nhiều động lực để phấn đấu, đóng góp sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Quảng Nam chủ trì và phối hợp với các tỉnh lân cận, các doanh nghiệp cùng hỗ trợ nhau làm lớn, nhìn xa để tạo sự cạnh tranh cho sâm Ngọc Linh và dược liệu, đặc biệt là ở thị trường quốc tế. Quảng Nam cũng cần sớm hoàn thiện công bố quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch có liên quan, quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng dược liệu. Phó Thủ tướng một lần nữa khẳng định đề án chỉ là bước khởi đầu trong hiện thực hóa, cần nhiều quyết tâm để Quảng Nam thành trung tâm phát triển công nghiệp dược liệu, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh và cả nước.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/quyet-dinh-463-mo-rong-duong-cho-nganh-cong-nghiep-duoc-lieu-d752434.html