| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 12/05/2025 - 18:34

Doanh nghiệp - doanh nhân

Phát triển thị trường carbon: Khởi đầu từ hành lang pháp lý

Thứ Hai 12/05/2025 - 18:29

Hội thảo quốc tế với chủ đề: 'Thị trường carbon kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam' đã diễn ra thành công tại TP.HCM.

Sự kiện quy tụ các chuyên gia hàng đầu từ Liên Hợp Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Canada, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan, Australia, Indonesia và Việt Nam, cùng thảo luận về các vấn đề pháp lý và thực tiễn trong việc xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam.

CEO Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phuc Khang Corporation, giữ vai trò diễn giả chính và chủ tọa tại Hội thảo quốc tế nhận định: “Về cơ bản, khung pháp lý hiện hành của Việt Nam bước đầu đã thiết lập nền tảng pháp lý cần thiết cho việc hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, phù hợp với xu thế quốc tế và nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Thoả thuận Paris”.

CEO Lưu Thị Thanh Mẫu chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Phuc Khang Corporation.

CEO Lưu Thị Thanh Mẫu chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Phuc Khang Corporation.

Vai trò của hành lang pháp lý trong phát triển bền vững thị trường carbon

Thị trường carbon không phải là thị trường hàng hóa thông thường, yếu tố pháp lý đóng vai trò “trụ cột” tạo niềm tin và khả năng vận hành. Trọng tâm của Hội thảo tập trung vào sự cần thiết và tiên quyết trong việc xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng và nhất quán để phát triển bền vững thị trường carbon tại Việt Nam.

Nhóm tác giả đến từ Đại học James Cook, Australia và Trường Đại học Luật TP.HCM trong tham luận “Thị trường carbon và sự lựa chọn khung pháp lý của Việt Nam cho các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính” đã chỉ ra thực tế liên quan đến thị trường carbon và cơ chế thuế trong hành lang pháp lý.

Trong khi thị trường carbon mang lại sự linh hoạt và hiệu quả về chi phí, việc triển khai thành công thị trường này đòi hỏi một khuôn khổ quản lý và cơ sở hạ tầng thị trường hoạt động tốt. Ngược lại, thuế carbon mang lại khả năng dự đoán về giá carbon nhưng có thể gây ra gánh nặng kinh tế cho một số ngành công nghiệp nhất định. Khuôn khổ pháp lý của Việt Nam cần tạo ra sự cân bằng giữa các phương pháp tiếp cận này, tích hợp các yếu tố đảm bảo cả hiệu quả về môi trường và khả thi về mặt kinh tế.

Đề xuất từ nhóm tác giả là “Nên triển khai thuế carbon sau khi Hệ thống giao dịch khí thải (ETS) đã được thiết lập và vận hành ổn định. Ngoài ra, một mô hình kết hợp giữa ETS và thuế carbon cần xác định rõ phạm vi áp dụng của từng cơ chế. Việc làm rõ này rất quan trọng để tránh việc đánh thuế hai lần đối với doanh nghiệp và đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững”.

TS. Nguyễn Chinh Quang - Đại học James Cook, Australia trình bày tham luận. Ảnh: Phuc Khang Corporation.

TS. Nguyễn Chinh Quang - Đại học James Cook, Australia trình bày tham luận. Ảnh: Phuc Khang Corporation.

CEO Lưu Thị Thanh Mẫu cũng đã dẫn chứng các quy định, bộ luật, pháp lý liên quan đến thị trường carbon tại Việt Nam đã có hiện nay, như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trong tham luận “Một số vấn đề pháp lý về hàng hóa của thị trường carbon ở Việt Nam”.

Bốn khía cạnh quy định pháp luật về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon đã được phân tích tại Hội thảo, bao gồm: (i) Quy định về quản lý tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính; (ii) Quy định và tổ chức đánh giá, công nhận chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế; (iii) Quy định về chủ thể có thẩm quyền xác nhận hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được giao dịch trên sàn giao dịch tín chỉ carbon của thị trường carbon trong nước; (iv) Quy định về đấu giá hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Pháp lý về hạn ngạch phát thải và xác lập quyền sở hữu tín chỉ carbon

Một trong những vấn đề được khai thác và thảo luận nhiều tại Hội thảo quốc tế là pháp lý về “tín chỉ carbon” và “hạn ngạch phát thải khí nhà kính”. Mối quan hệ giữa “tín chỉ carbon” và “hạn ngạch phát thải khí nhà kính” được xây dựng trên cơ chế Cap and Trade.

Trong đó, Cap là Chính phủ sẽ xây dựng hệ thống hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các đơn vị sản xuất có phát thải, theo đó mỗi đơn vị chỉ được thải ra một lượng nhất định CO₂ hoặc tương đương. Trade là các đơn vị sản xuất phát thải cao hơn hạn ngạch cho phép thì có thể bị áp thuế cao hoặc buộc phải mua thêm hạn ngạch.  

Thông qua hai quy trình này, quốc gia sẽ giới hạn được tổng lượng CO₂ được phép thải ra môi trường. Các đơn vị không sử dụng hết lượng khí thải trong hạn ngạch có thể tích lũy dưới dạng tín chỉ carbon, bán hoặc trao đổi hạn ngạch thông qua thị trường carbon.

TS. Charles Codère tham dự Hội thảo qua online. Ảnh: Phuc Khang Corporation.

TS. Charles Codère tham dự Hội thảo qua online. Ảnh: Phuc Khang Corporation.

Tại Hội thảo, TS. Charles Codère - Chủ nhiệm Nghiên cứu về Những thách thức mới của Toàn cầu hóa Kinh tế, Đại học Laval (Canada) cũng đã chia sẻ về mô hình Cap and Trade được áp dụng tại tỉnh Quebec. “Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam những công cụ và hiểu biết giá trị trong giai đoạn quan trọng của quá trình phát triển thị trường carbon quốc gia” - TS. Codère chia sẻ.

Trong tham luận “Xây dựng khung pháp lý cho thị trường carbon của Việt Nam: Bài học từ kinh nghiệm của Indonesia”, PGS.TS. Trần Thăng Long - Trưởng khoa Ngoại ngữ pháp lý, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM cùng nhóm nghiên cứu đã đưa ra 4 khuyến nghị chính sách quan trọng.

“Chúng tôi đề xuất bốn khuyến nghị chiến lược để củng cố nền tảng giao dịch carbon của Việt Nam: (i) Phân loại lại tín chỉ carbon thành chứng khoán; (ii) Triển khai hệ thống phân bổ hạn ngạch phát thải hàng năm minh bạch với giá carbon tối thiểu; (iii) Giới thiệu các biện pháp đánh thuế carbon bổ sung; (iv) Thiết lập các giao thức công nhận tín chỉ carbon do các tổ chức quốc tế ban hành” - PGS.TS. Trần Thăng Long chia sẻ.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu, cũng đưa ra những đề xuất cụ thể nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý: “Quy định pháp luật cần xác định rõ ràng carbon (carbon credit, carbon allowance, carbon offset) là tài sản có giá trị có thể giao dịch được, với quyền sở hữu, chuyển nhượng và bảo vệ quyền lợi được pháp luật bảo hộ. Thiết lập cơ chế chứng nhận, đăng ký và lưu trữ carbon trên hệ thống dữ liệu quốc gia để đảm bảo tính xác thực và minh bạch thông tin. Từ đó, có thể giảm chi phí giao dịch và rủi ro bất định về quyền sở hữu, khuyến khích đầu tư và giao dịch trên thị trường”.

Hội thảo quốc tế kết thúc với những khuyến nghị giá trị liên quan đến việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường carbon tại Việt Nam theo hướng minh bạch, hiệu quả và bền vững. Việc xác lập quyền sở hữu rõ ràng và quy định chặt chẽ về hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon sẽ tạo nền tảng cho một hệ sinh thái carbon lành mạnh, góp phần xây dựng tương lai xanh cho Việt Nam.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/phat-trien-thi-truong-carbon-khoi-dau-tu-hanh-lang-phap-ly-d752742.html