Thứ ba 13/05/2025 - 19:23
Thủy sản
Phát triển đội tàu công suất lớn để gia tăng hiệu quả khai thác hải sản
Thứ Ba 13/05/2025 - 19:17
Giảm tàu cá khai thác ven bờ, phát triển tàu công suất lớn hoạt động vùng khơi, áp dụng công nghệ vào sản xuất là giải pháp để phát triển nghề thủy sản bền vững.
- Đặt mục tiêu nuôi trồng, khai thác 9.200 tấn thủy sản vùng hồ Thác Bà
- Thách thức xuất khẩu thủy sản: [Bài 1] Sóng lớn
- Thủy sản đặt mục tiêu tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược
Tỉnh Quảng Nam có gần 2.600 tàu cá nhưng có đến hơn 1.500 tàu có công suất nhỏ, hoạt động khai thác ven bờ. Những phương tiện này chủ yếu đánh bắt theo kiểu truyền thống, thậm chí sử dụng các nghề tận diệt hải sản như giã cào, pha xúc, lồng bẫy, chích điện… dẫn đến nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt.

Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 1.500 tàu cá khai thác ở vùng ven bờ. Ảnh: L.K.
Từ thực tế này, những năm qua, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương có nghề cá quản lý chặt các phương tiện đánh bắt hải sản ven bờ, đối với các tàu thuyền chưa đăng ký, chưa được cấp phép thì tuyệt đối không cho xuất bến đi biển nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ngoài ra, Quảng Nam cũng định hướng tái cơ cấu đội tàu đánh bắt hải sản, giảm tàu cá khai thác ven bờ, tăng số lượng tàu cá khai thác hải sản xa bờ. Có 2 giải pháp được đưa ra là hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề bằng cách lên bờ làm dịch vụ, thương mại hoặc nâng cấp, cải hoán phương tiện.
Ông Lê Xuân Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho rằng, đối với giải pháp cải hoán thì tại địa phương chủ yếu là tàu cá nhỏ, rất khó nâng cấp để hoạt động xa bờ. Do đó, chúng tôi đã rà soát số phương tiện này, thu thập ý kiến của ngư dân và đã đề xuất với huyện, tỉnh có cơ chế hỗ trợ ngư dân lên bờ lao động như các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước đã thực hiện”.

Tỉnh Quảng Nam định hướng phát triển các tàu cá công suất lớn hoạt động khai thác ở ngư trường xa bờ. Ảnh: L.K.
Đối với những ngư dân vẫn muốn gắn bó với nghề biển, tỉnh Quảng Nam cũng có các cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn đóng tàu công suất lớn. Theo đại diện Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam, từ lúc hoạt động đến nay, đơn vị này đã giải ngân 193 tỷ đồng giúp ngư dân vay vốn đóng mới 123 tàu cá công suất lớn sản xuất ở các vùng biển xa.
Tại huyện Núi Thành - địa phương có số lượng tàu cá công suất lớn nhiều nhất của tỉnh Quảng Nam, địa phương này cũng xác định, để phát triển nghề cá thì cần tiếp tục tăng đội tàu khai thác xa bờ. Đến nay, toàn huyện có 336 tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ, chủ yếu ở 2 ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa.
Thời gian qua, một số ngư dân ở huyện Núi Thành đang phát triển mô hình tàu mẹ - tàu con cùng nhau đánh bắt hải sản xa bờ. Ông Phạm Xuân Lệ (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) sở hữu 2 tàu cá hành nghề lưới vây. Ông Lệ cho biết, 2 tàu cá hoạt động trên biển theo mô hình tàu mẹ - tàu con. Khi đến vùng biển Hoàng Sa, cả 2 tàu cá cùng phối hợp đánh bắt hải sản.

Tàu cá công suất lớn sẽ có điều kiện để áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản. Ảnh: L.K.
“Sau đó, một tàu sẽ mang hải sản về bờ bán và thu mua nhu yếu phẩm cần thiết để ra biển cung ứng cho tàu còn lại và tiếp tục phối hợp hoạt động… Mô hình tàu mẹ - tàu con này giúp giảm chi phí chuyến biển, tăng năng lực khai thác hải sản”, ông Lệ chia sẻ.
Được biết, đội tàu cá hoạt động xa bờ của huyện Núi Thành hiện nay đóng góp hơn 35.000 tấn/47.000 tấn hải sản mỗi năm. Ở các tàu công suất lớn, ngư dân có điều kiện ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật, máy móc, thiết bị hàng hải hiện đại hơn để nâng cao năng lực sản xuất, tăng sản lượng, tăng hiệu quả kinh tế đem lại sau chuyến biển.
Ông Nguyễn Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, hạn ngạch đóng tàu công suất lớn Bộ Nông nghiệp và Môi trường phân bổ cho Quảng Nam là hơn 600 chiếc. Vậy nên, các ngư dân có nhu cầu có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đóng tàu cá lớn.
“Quảng Nam cũng vận động ngư dân đầu tư hầm bảo quản P.U, máy dò cá đứng, máy dò cá ngang, thiết bị liên lạc tầm xa, tầm trung, tầm ngắn, tời thủy lực… để nâng cao khả năng đánh bắt, bảo quản hải sản để tăng hiệu quả kinh tế thu được sau chuyến biển”, ông Toàn nói.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/phat-trien-doi-tau-cong-suat-lon-de-gia-tang-hieu-qua-khai-thac-hai-san-d752975.html