Thứ hai 19/05/2025 - 19:28
Biến đổi khí hậu
Phần Lan đánh giá dấu chân sinh thái trong hệ thống giao thông
Thứ Hai 19/05/2025 - 19:17
Đại học Jyväskylä sẽ tiến hành đánh giá dấu chân sinh thái của toàn bộ hệ thống giao thông của Phần Lan.
- Petrovietnam bảo vệ môi trường, giảm phát thải các-bon: Gieo dấu chân sinh thái
- Ba lĩnh vực hợp tác môi trường và khí hậu Pháp - Ai Cập
- Chuyển đổi giao thông Bangkok với xe buýt điện và tín chỉ carbon
- Chính sách logistics xanh của Bỉ
Hệ thống giao thông bao gồm tất cả các tuyến đường, phương thức vận tải và phương tiện di chuyển khác nhau. Hệ thống giao thông đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy sự vận hành của xã hội. Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng nghiên trọng, hệ thống giao thông cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra các tác động đến đa dạng sinh học.
Để làm rõ hơn về tác động của giao thông đối với môi trường, năm 2024, cộng đồng trí tuệ tài nguyên JYU.Wisdom thuộc Đại học Jyväskylä (Phần Lan) đã khởi động một dự án nghiên cứu, hợp tác với Traficom. Nghiên cứu tìm hiểu tác động đến đa dạng sinh học của toàn bộ hệ thống giao thông Phần Lan trong năm 2025. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học của Đại học Jyväskylä đã phối hợp với Cơ quan Giao thông và Truyền thông Phần Lan (Traficom) tính toán dấu chân sinh thái trong lĩnh vực này.
“Nghiên cứu đã lập bản đồ của hệ thống giao thông phục vụ cho việc tính toán dấu chân sinh thái. Chúng tôi cũng đã đánh giá những yếu tố có thể gây tác động lớn nhất đến dấu chân đa dạng sinh học”, bà Venla Leppilampi, nghiên cứu sinh tại Đại học Jyväskylä chia sẻ về nghiên cứu.

Phần Lan triển khai nghiên cứu tính toán dấu chân sinh thái trong hệ thống giao thông. Ảnh: Đại học Jyväskylä.
Hướng đến hệ thống giao thông bền vững
Tại Phần Lan, giao thông là một trong những nguồn phát thải chính. Lượng phát thải này góp phần gây biến đổi khí hậu, đồng thời là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học. Trong đó, hoạt động xây dựng hạ tầng giao thông đang gây mất đa dạng sinh học cũng như phân mảnh môi trường sống. Trong khi đó, nhiều vụ va chạm giữa phương tiện giao thông với động vật cũng là một vấn đề lớn.
Mặt khác, hệ thống giao thông hiện nay vẫn tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhiên, gây phát thải khí nhà kính và rò rỉ các chất ô nhiễm khác như vi nhựa, bụi, ánh sáng và tiếng ồn, cũng như góp phần làm lây lan các loài xâm lấn có hại, ảnh hưởng tới hệ sinh thái.
Việc sản xuất và xử lý vật liệu sử dụng trong vận hành, bảo trì và xây dựng giao cũng thông gây ra các tác động môi trường trên quy mô toàn cầu. Khí thải từ phương tiện giao thông ảnh hưởng đến khí quyển trên phạm vi toàn cầu, và qua chuỗi cung ứng của các vật liệu được tiêu thụ, nhiều tác động môi trường bị “xuất khẩu” ra ngoài biên giới Phần Lan.
Do đó, để đánh giá toàn diện tác động môi trường của hệ thống giao thông, các nhà nghiên cứu cho rằng chung ra không nên dừng lại ở việc xem xét các tác động tại địa phương mà phải tính đến cả các tác động toàn cầu thông qua chuỗi cung ứng.
Theo đó, nghiên cứu về dấu chân sinh thái này sẽ là đánh giá toàn diện đầu tiên về tác động của hệ thống giao thông đến đa dạng sinh học.
“Bước đầu tiên để giảm thiểu tác động tiêu cực là phải hiểu rõ các ảnh hưởng tiêu cực phát sinh từ từng bộ phận của hệ thống giao thông. Chúng ta không thể ngừng di chuyển hoặc ngừng vận chuyển hàng hóa, nhưng cần cùng nhau tìm ra các phương thức di chuyển thông minh hơn, chẳng hạn như đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng”, Giáo sư Sinh thái học Janne Kotiaho, Giám đốc cộng đồng JYU.Wisdom của Đại học Jyväskylä nhận định.
Theo bà Hanna Strömmer, Cố vấn cao cấp của Traficom, việc tính toán dấu chân sinh thái của hệ thống giao thông sẽ giúp ngành giao thông hiểu rõ hơn về các tác động sinh thái của mình và xác định các biện pháp giảm thiểu ở cấp độ hệ thống. Ngoài ra, còn giúp đo lường các tác động môi trường và từ đó đặt ra các mục tiêu cụ thể.
Đánh giá tác động theo vòng đời của hệ thống giao thông
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đề xuất đánh giá tác động sinh thái của hệ thống giao thông theo vòng đời, bắt nguồn từ quá trình sản xuất, tiêu dùng và xử lý cuối cùng của sản phẩm và dịch vụ, với ảnh hưởng lan rộng trên toàn cầu thông qua các chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Bên cạnh các tác động tiêu cực từ sử dụng đất và phát thải, điều quan trọng là phải xem xét toàn bộ tác động môi trường theo vòng đời - từ sản xuất đến xử lý các vật liệu được sử dụng trong vận hành, bảo trì và xây dựng hệ thống giao thông”, bà Leppilampi nhấn mạnh.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp Biovalent, do cộng đồng nghiên cứu JYU.Wisdom phát triển. Biovalent là công cụ tính toán tích hợp cả dấu chân carbon và dấu chân sinh thái, nhằm phản ánh đầy đủ các tác động môi trường trong suốt vòng đời của hệ thống giao thông - từ khâu xây dựng, vận hành đến tháo dỡ.
Cụ thể, nghiên cứu sẽ đánh giá dấu chân sinh thái của hệ thống giao thông trong 4 giai đoạn:
Giai đoạn xây dựng: Bao gồm hoạt động khai thác và sản xuất vật liệu như đá, cát, sỏi, thép, nhựa đường và vận chuyển, thi công hạ tầng giao thông;
Giai đoạn vận hành: Khi hệ thống đi vào hoạt động và phát thải khí nhà kính, các chất ô nhiễm như NOx, SOx, bụi mịn, và ảnh hưởng đến sinh thái qua tiếng ồn, rung động, ánh sáng nhân tạo;
Giai đoạn bảo trì: Hoạt động rải muối chống trơn, sơn vạch đường, sửa chữa hạ tầng. Đây là những hoạt động có thể dẫn đến ô nhiễm đất và nước, phát sinh vi nhựa và kim loại nặng;
Giai đoạn tháo dỡ: Trong đó lưu ý tới việc xử lý chất thải xây dựng, tái chế vật liệu và các phát thải đi kèm.
Ngoài ra, nghiên cứu còn xem xét những tác động khó nhận thấy hơn nhưng có tính hệ thống, như ô nhiễm vi nhựa từ mài mòn lốp xe, mặt đường và sơn kẻ đường; Ảnh hưởng đến động vật và thực vật do ánh sáng nhân tạo và tiếng ồn; tác động đến hệ sinh thái thủy sinh do rò rỉ hóa chất, kim loại nặng và dinh dưỡng vào sông suối, hồ và biển.
Không chỉ dừng lại ở đánh giá, nghiên cứu còn đặt mục tiêu xác định các giải pháp giảm thiểu dấu chân sinh thái trong giao thông, bao gồm sử dụng vật liệu bền vững, tối ưu hóa quy hoạch hạ tầng, thúc đẩy phương tiện không phát thải, và giảm thiểu sử dụng hóa chất độc hại trong bảo trì đường sá.
Theo các nhà nghiên cứu, dấu chân carbon tuy đã được sử dụng rộng rãi trong đánh giá tác động khí hậu, nhưng dấu chân sinh thái vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Việc kết hợp cả hai tiêu chí sẽ giúp xây dựng chính sách giao thông hiệu quả hơn, đồng thời hỗ trợ các cam kết của Phần Lan trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/phan-lan-danh-gia-dau-chan-sinh-thai-trong-he-thong-giao-thong-d753492.html