| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 19/05/2025 - 14:22

Thủy sản

Nuôi biển tiên tiến - xu hướng tất yếu: [Bài 1] Tiến ra vùng biển hở

Thứ Hai 19/05/2025 - 14:16

Nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, tiến ra biển xa là xu hướng tất yếu khi vùng ven bờ đã tồn tại một số bất cập.

Tiềm năng nuôi biển rất lớn

PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho biết, trong 5 năm trở lại đây, ngành nuôi biển đã có những bước tiến đáng kể, từ cách nuôi truyền thống sang ứng dụng công nghệ tiên tiến và đang tiến ra vùng biển xa. Đây là hướng đi đúng đắn theo định hướng, chủ trương của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Những năm gần đây khu vực Nam Trung bộ phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp bằng lồng HDPE. Ảnh: KS.

Những năm gần đây khu vực Nam Trung bộ phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp bằng lồng HDPE. Ảnh: KS.

Chủ trương phát triển nuôi biển đã tạo ra một luồng gió mới, định hướng rõ ràng cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân ven biển. Minh chứng rõ ràng nhất là sự gia tăng đáng kể số lượng đơn xin cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển tại các tỉnh trọng điểm như Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Kiên Giang… Điều này cho thấy chính sách đã đi vào cuộc sống, khơi dậy tiềm năng và sự hưởng ứng của cộng đồng.

Tại tỉnh Khánh Hòa, với đường bờ biển dài 385 km, hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ và nhiều đầm, vịnh kín gió cùng với các cảng nước sâu, có nhiều lợi thế để phát triển thủy sản, trong đó có nuôi trồng thủy sản trên biển.

Nghề nuôi lồng bè trên biển tại tỉnh Khánh Hòa bắt đầu hình thành từ những năm đầu thập niên 1990 với đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm và một số loài cá biển, tập trung tại 4 vùng nuôi trọng điểm như vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh), Cam Ranh (TP Cam Ranh), Nha Trang (TP Nha Trang) và đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa).

Ngoài ra, những năm gần đây hàu Thái Bình Dương, hải sâm, tu hài, ngao hai cồi, trai ngọc, rong biển cũng là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ven biển.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động nuôi biển cả nước nói chung, tỉnh Khánh Hòa nói riêng hiện nay chủ yếu là nuôi gần bờ trong khu vực biển đến 3 hải lý, chưa có hoạt động nuôi biển nằm ngoài khu vực 3 hải lý; nuôi với quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, không ổn định, chưa thích ứng với thiên tai.

Một số người dân tỉnh Khánh Hòa bắt đầu chuyển đổi lồng bè gỗ sang lồng HDPE. Ảnh: KS.

Một số người dân tỉnh Khánh Hòa bắt đầu chuyển đổi lồng bè gỗ sang lồng HDPE. Ảnh: KS.

Trước thực trạng một số bất cập của nghề nuôi biển truyền thống ở nước ta, thì việc chuyển đổi từ quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi biển công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại; chuyển từ nuôi biển quy mô hộ gia đình sang doanh nghiệp nuôi biển; chuyển từ vùng nước ven bờ, với hệ sinh thái nhạy cảm và dễ chồng lấn với các hoạt động kinh tế khác ra vùng biển xa bờ là xu hướng tất yếu tại các địa phương trên cả nước.

Từng bước tiến ra vùng biển hở

Tại tỉnh Khánh Hòa đã có 3 doanh nghiệp, đơn vị đầu tư nuôi biển bằng lồng HDPE quy mô công nghiệp. Cụ thể, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam nuôi cá chẽm tại vịnh Vân Phong với 70 lồng tròn HDPE, sản lượng hằng năm đạt từ 6.000 - 8.000 tấn.

Mô hình của Trung tâm nuôi biển công nghệ cao đang nuôi cá chim vây vàng tại vịnh Vân Phong với 42 lồng HDPE, sản lượng hằng năm đạt 250 - 300 tấn. Mô hình của Công ty Cổ phần Nuôi trồng Thủy sản Phương Minh nuôi cá chim vây vàng với 11 lồng HDPE, sản lượng 150 tấn/năm.

Tại Tỉnh Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông đã tiến hành nuôi mực ngoài biển xa với nhiều lồng HDPE cỡ lớn và đã mang lại hiệu quả bước đầu.

Để khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia nuôi biển sử dụng công nghệ tiên tiến, Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng: nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Sau đó được Chính phủ cụ thể hóa tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung “Xây dựng và triển khai đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa" là một trong những tiền đề quan trọng để cụ thể hóa chiến lược về phát triển kinh tế biển.

Tỉnh Khánh Hòa triển khai nuôi biển vùng biển hở Cam Lập, TP Cam Ranh. Ảnh: KS.

Tỉnh Khánh Hòa triển khai nuôi biển vùng biển hở Cam Lập, TP Cam Ranh. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa cho biết, đề án nuôi biển công nghệ cao được tỉnh xác định là nội dung mới và khó. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng đề án, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, đồng thời tổ chức hội thảo xin ý kiến dự thảo đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại địa phương với sự góp ý của các đơn vị quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học, trường đại học, các doanh nghiệp và các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Từ đó tiếp thu hoàn thiện đề án trước khi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan cho ý kiến góp ý, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong khi chờ đề án được Chính phủ phê duyệt, từ tháng 6/2023, Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III với sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) đã xây dựng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở thuộc xã Cam Lập, TP Cam Ranh.

Bước đầu mô hình thí điểm đã chọn 10 hộ nuôi đủ các tiêu chí, điều kiện để tham gia, đồng thời hỗ trợ 16 lồng tròn HDPE (thể tích 800m3/lồng) nuôi cá biển, 12 ô lồng vuông HDPE (thể tích 24 m3/ô lồng, nuôi 2 tầng) nuôi tôm hùm. Đặc biệt, các lồng nuôi được lắp đặt thiết bị camera giám sát, hệ thống định vị trên biển nên có thể giám sát từ xa 24/7 trên thiết bị điện tử.

Mô hình đã được tổng kết giai đoạn đầu, đem lại hiệu quả rất tốt. Đây là tiền đề để tỉnh Khánh Hòa nhân rộng trong thời gian tới, cũng là minh chứng rất rõ trong xu hướng phát triển nuôi biển công nghệ cao, nuôi biển xa bờ tại các tỉnh Nam Trung bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng.

Mô hình thí điểm nuôi biển tiên tiến và ghi nhận những kết quả thành công ban đầu là một bước đi để chúng ta tiến ra biển lớn. Đồng thời làm tiền đề cho tỉnh dần tiến tới nuôi biển theo hướng công nghiệp, tạo ra hiệu quả lớn và thật sự trở thành ngành kinh tế lớn của Việt Nam.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nuoi-bien-tien-tien--xu-huong-tat-yeu-bai-1-tien-ra-vung-bien-ho-d752757.html