| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 15/05/2025 - 07:37

Chống tham nhũng - Lãng phí

Nghịch lý nhà tái định cư: [Bài 3] Lý do to hơn mục đích

Thứ Năm 15/05/2025 - 06:28

Khó khăn, vướng mắc khiến cho nhà tái định cư phải bỏ hoang thì nhiều vô số. Nhưng tại sao bao năm họp bàn mà chính quyền vẫn không thể giải quyết vấn đề?

Trăm dâu đổ đầu … cơ chế

Nằm chềnh ềnh giữa khu “đất vàng” của quận Cầu Giấy, Dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 được khởi công xây dựng từ những năm 2011 với quy mô 15 tầng với 299 căn hộ, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án khoảng hơn 200 tỷ đồng. Chính quyền dự định bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng thực hiện một số dự án giao thông trên địa bàn quận Cầu Giấy. Thế nhưng sau gần 15 năm xây dựng, tất cả vẫn chỉ là một khối nhà dang dở.

Nguyên nhân chậm tiến độ được UBND quận Cầu Giấy giải thích là do không được bố trí vốn kịp thời, không đáp ứng được với tiến độ thực hiện dự án, có những năm quận không được giao kế hoạch vốn.

Năm 2022, Thành phố Hà Nội gia hạn thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2023, đồng thời phê duyệt thêm 50 tỷ đồng để chủ đầu tư hoàn thành công trình. Tuy nhiên quận Cầu Giấy lại lấy lý do là thành phố bố trí vốn gấp quá (từ khi giao kế hoạch vốn đến hết năm 2022 là 3 tháng) nên không đủ thời gian hoàn thành công trình.

Dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 Cầu Giấy bỏ hoang cả chục năm do thiếu vốn. Ảnh: PT.

Dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 Cầu Giấy bỏ hoang cả chục năm do thiếu vốn. Ảnh: PT.

Tương tự, đây cũng chính là lý do khiến Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư và nhà ở thấp tầng tại ô đất ký hiệu B10/ODK3 thuộc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai (nằm ở ngõ 156 Tam Trinh) chậm tiến độ hơn chục năm trời. Dự án có diện tích hơn 7.000 m2 gồm 1 block cao 15 tầng với khoảng 224 căn hộ và 1.661 m2 đất ở thấp tầng. Tổng mức đầu tư được phê duyệt là trên 220 tỷ đồng. Hiện tại dự án mới chỉ dừng lại ở phần thô khối nhà 15 tầng.

Dự án này đang gặp phải hàng loạt vấn đề như: chưa được gia hạn thời gian thực hiện dự án; chưa được bố trí đủ vốn đầu tư; chưa đủ điều kiện để nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, còn 01 hộ dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng… Mặc dù UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư là UBND quận Hoàng Mai liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng để được hướng dẫn giải quyết nhưng đến nay, dự án này vẫn luôn trong tình trạng “án binh bất động”.

Một trong những nguyên nhân phổ biến khác khiến các dự án bị “tắc” là do chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Bởi hầu hết các dự án được xây dựng trong thời gian rất dài, trải qua nhiều sự thay đổi lớn về tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy nên việc phải điều chỉnh, bổ sung lại thiết kế cho phù hợp với quy định hiện hành gặp nhiều khó khăn. Thống kê của Thành phố Hà Nội cho thấy, hầu hết các dự án tái định cư chậm tiến độ ở Hà Nội đều gặp vấn đề về phòng cháy, chữa cháy.

Không chỉ vậy, số lượng nhà tái định cư đã nghiệm thu, bàn giao nhưng người dân không chịu nhận nhà cũng khá nhiều. Nằm sâu trong ngõ 587 Tam Trinh với con đường chỉ 1 ô tô đi lọt, Dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư tại phường Trần Phú (phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô) được vây xung quanh bởi đồng ruộng của người dân. Lối vào là một cây cầu nhỏ bắc qua kênh dẫn nước đen ngòm, lố nhố đá hộc với những ổ gà chi chít.

Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư và nhà ở thấp tầng tại ô đất ký hiệu B10/ODK3 thuộc phường Yên Sở cũng bỏ hoang do thiếu vốn. Ảnh: PT.

Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư và nhà ở thấp tầng tại ô đất ký hiệu B10/ODK3 thuộc phường Yên Sở cũng bỏ hoang do thiếu vốn. Ảnh: PT.

Giao thông bất tiện, hạ tầng còn dang dở và nằm xa khu trung tâm thành phố, dự án này dù đã hoàn thiện nhưng không hộ dân nào đồng ý nhận nhà. Tính đến nay, 2 khối nhà B,C (cao từ 9-15 tầng) dù đã được nghiệm thu, bố trí tái định cư nhưng luôn rơi vào cảnh hoang tàn, không được sử dụng. Anh Tiến, một người dân gần dự án này nói: “Người ta xây dựng hơn chục năm rồi nhưng mãi không thấy dân nào về ở. Khu này đường sá hơi bất tiện, trước chỉ có lối vào từ đường Tam Trinh nhưng giờ Khu đô thị Gamuda xây dựng nên có thể đi nhờ để đâm ra đường vành đai 3. Hạ tầng, chợ búa thì ăn theo khu dân cư gần đấy chứ quanh dự án toàn đồng không mông quạnh không có gì cả”.

Chậm vì phải theo kế hoạch?

Tại Phụ lục 3 kèm theo Quyết định số 4962/QĐ-UBND ngày 09/12/2022, Thành phố Hà Nội đã thống kê 46 dự án giải phóng mặt bằng dự kiến được bố trí tái định cư vào 9 dự án nhà tái định cư được đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên đối chiếu kế hoạch này với thực tế, phóng viên thấy rằng có dự án nhà tái định cư đã xong nhưng dự án giải phóng mặt bằng chưa xong. Ngược lại, nhiều dự án nhà tái định cư chưa xong nhưng dự án giải phóng mặt bằng đã xong. Điều này dẫn tới nghịch cảnh nơi cần không có, nơi có lại chẳng cần.

Ví dụ điển hình cho trường hợp nhà tái định cư chưa xong nhưng dự án mặt bằng đã xong là tại ô đất CT4, Dự án khu di dân tái định cư tập trung xã Phú Diễn (nay thuộc phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm). Theo kế hoạch của thành phố, công trình này dự kiến phục vụ tái định cư cho 11 dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn các quận: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Đến nay 3/11 dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng nhà tái định cư vẫn chưa thể nghiệm thu, bàn giao dẫn tới tình trạng nhiều hộ dân bao năm qua phải đi ở nhà thuê và mòn mỏi đấu tranh đòi quyền lợi.

Tòa CT1, CT2 thuộc Dự án xây dựng Khu tái định cư Xuân La cũng được dự kiến để bố trí tái định cư cho 09 dự án giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn 5 quận nội thành. Tính đến nay, 2/9 dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng tòa CT1 vẫn bỏ không để đợi nghiệm thu phòng cháy chữa cháy và hệ thống xả thải theo quy định.

Khu nhà tái định cư Thượng Thanh đã nghiệm thu, hoàn thành nhiều năm nhưng bỏ không đến nay. Ảnh: PT.

Khu nhà tái định cư Thượng Thanh đã nghiệm thu, hoàn thành nhiều năm nhưng bỏ không đến nay. Ảnh: PT.

Trường hợp khác là dự án nhà tái định cư đã xong nhưng dự án giải phóng mặt bằng lại chưa xong hoặc không nhận được sự đồng thuận của người dân. Điển hình cho trường hợp này là Dự án nhà tái định cư phường Thượng Thanh (quận Long Biên). Công trình này dự kiến bố trí tái định cư cho 15 dự án giải phóng mặt bằng phục vụ giãn dân, chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các dự án giải phóng mặt bằng nêu trên vẫn chưa được triển khai hoặc đã triển khai nhưng người dân không chấp nhận phương án tái định cư. Nhưng vì phương án bố trí đã được phê duyệt như vậy nên các dự án giải phóng mặt bằng khác ở quận Long Biên không thể “chen chân” vào.

Còn tại Dự án tái định cư Khu đô thị Đền Lừ III (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), cơ quan chức năng đã nghiệm thu cả 2 tòa CT2, CT3 nhưng hai tòa này vẫn bỏ hoang gần chục năm nay. Theo phương án bố trí tái định cư của thành phố, dự án này phục vụ giải phóng mặt bằng đường Tam Trinh nhưng đến thời điểm hiện tại, con đường vẫn đang trong quá trình hoàn tất giải phóng mặt bằng. Không rõ khu nhà tái định cư này bỏ hoang cả chục năm trời có phải vì cơ quan hữu quan “giữ chỗ” để phục vụ giải phóng mặt bằng đường Tam Trinh hay không?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật Hồng Bách và cộng sự cũng thừa nhận, còn tình trạng địa phương muốn duy trì quỹ căn hộ tái định cư dù chưa biết khi nào cần dùng đến. Địa phương muốn có sẵn quỹ nhà tái định cư để thực hiện công tác bồi thường, tái định cư cho người dân có đất, tài sản bị thu hồi bởi nếu không có sẵn quỹ nhà, địa phương phải mất từ 2 đến 3 năm mới tạo lập được quỹ nhà mới hoặc phải mua lại nhà ở thương mại với cao.

Hà Nội sắp thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư

Cuối năm 2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch công tác thanh tra năm 2025. Cụ thể, thành phố sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư hiện có nhưng chưa bố trí tái định cư, dự kiến thực hiện trong quý II/2025. Đối tượng thanh tra là Giám đốc Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan. Thời gian mỗi cuộc thanh tra sẽ là 45 ngày.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nghich-ly-nha-tai-dinh-cu-bai-3-ly-do-to-hon-muc-dich-d751668.html