| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 16/04/2025 - 14:47

Thời sự Nông nghiệp - Môi trường

Ngành Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tự tin sẽ vượt chỉ tiêu tăng trưởng

Chủ Nhật 13/04/2025 - 17:02

Ngành Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tự tin sẽ vượt chỉ tiêu tăng trưởng 2,82% trong quý II, bởi đây là giai đoạn trọng điểm thu hoạch các sản phẩm chủ lực.

Tiếp cận đa dạng thị trường

Chiều 13/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) tổ chức hội nghị giao ban công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và quý II năm 2025. 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV), trong quý I/2025, ngành TT-BVTV đã đạt mức tăng trưởng 2,98%, vượt kế hoạch khoảng 0,6-0,7%. 

Đại diện Cục khẳng định: “Với kết quả khả quan này, ngành tự tin sẽ đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng 2,82% trong kế hoạch Quý II, bởi đây là giai đoạn trọng điểm thu hoạch các sản phẩm nông sản chủ lực”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN-MT), phát biểu tại hội nghị giao ban công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và quý II năm 2025. Ảnh: Quỳnh Chi. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN-MT), phát biểu tại hội nghị giao ban công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và quý II năm 2025. Ảnh: Quỳnh Chi. 

Đối với các mặt hàng nông sản chủ lực, Cục đã xây dựng và triển khai hàng loạt kế hoạch nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Trong đó, quả vải dự kiến bước vào chính vụ thu hoạch từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6. 

Mặc dù sản lượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ không lớn, Cục đã làm việc với Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) để kiểm tra điều kiện tại các cơ sở sản xuất. Việc này nhằm tận dụng “cửa sổ thời gian vàng” 90 ngày Hoa Kỳ hoãn chính sách thuế quan để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. 

Đồng thời, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã làm việc với cơ quan kiểm dịch của Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm kiểm tra và chuyển giao cơ chế giám sát chất lượng, giúp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, duy trì đà tăng trưởng cho toàn ngành.

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã làm việc với Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) để kiểm tra điều kiện tại các cơ sở sản xuất vải xuất khẩu. Ảnh: Tùng Đinh. 

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã làm việc với Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) để kiểm tra điều kiện tại các cơ sở sản xuất vải xuất khẩu. Ảnh: Tùng Đinh. 

Tuy nhiên, một số mặt hàng vẫn đang gặp khó khăn. Cụ thể, sầu riêng dự kiến sẽ được thu hoạch trên diện tích khoảng 650.000ha trong quý II, chủ yếu ở ĐBSCL, Đông Nam bộ và một phần khu vực Tây Nguyên. 

“Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, song việc tiêu thụ sầu riêng tươi đang gặp nhiều trở ngại. Một số doanh nghiệp đã chuyển hướng sang sơ chế múi sầu riêng và cấp đông, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời”, bà Hương cho hay. 

Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hương cho biết thêm, để duy trì tiến độ xuất khẩu như năm 2024, Cục sẽ tiếp tục phối hợp kỹ thuật với phía Trung Quốc, đồng thời kỳ vọng tín hiệu tích cực từ chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Còn với hồ tiêu, thời điểm thu hoạch rộ sẽ rơi vào tháng 6. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện đang lo ngại về chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. 

Đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục đàm phán để giữ mức thuế cơ bản cho các mặt hàng nông sản, bởi Hoa Kỳ và Việt Nam không có sự cạnh tranh trực tiếp đối với những sản phẩm này.

Trọng tâm là tăng trưởng và xuất khẩu

Trao đổi tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý: Năng suất sầu riêng hiện vẫn ở mức khiêm tốn, dao động quanh 60-61 tạ/ha. Trong khi đó, giống sầu riêng Ri6 của Việt Nam có năng suất và giá trị thấp hơn giống Thái Lan, loại có giá trị cao hơn 1,3 lần và cho thu nhập từ 340 triệu đồng/ha trở lên. Thứ trưởng yêu cầu Vụ Khoa học và Công nghệ tập trung nghiên cứu, cải thiện giống để tăng năng suất, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm.

Đối với vải thiều, năm nay dự kiến sản lượng đạt khoảng 340.000 tấn, tập trung ở Bắc Giang - địa phương đã triển khai quy trình sản xuất bài bản, với nhiều doanh nghiệp tham gia mô hình chuẩn hóa, phát triển vùng nguyên liệu riêng, có tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo ngành TT-BVTV tại Hội nghị. Ảnh: Quỳnh Chi. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo ngành TT-BVTV tại Hội nghị. Ảnh: Quỳnh Chi. 

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của công tác bảo vệ sản xuất. Các sự cố như bùn xoắn, sâu bệnh, hay cổ bông từng gây thiệt hại lớn cho nông dân. Do đó, bảo vệ đồng ruộng và an toàn cây trồng phải được đặt song song với mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu.

Đối với các thị trường khó tính như châu Âu và Đức, lãnh đạo Bộ NN-MT đề nghị các đơn vị cần tập trung vào khâu chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng và tiêu chuẩn hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ bạn hàng quốc tế.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: “Trọng tâm của năm 2025 là tăng trưởng và xuất khẩu. Mục tiêu của toàn ngành là đạt mức tăng trưởng GDP nông nghiệp 4%, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 65 tỷ USD và phấn đấu cán mốc 70 tỷ USD”.

"Giải pháp mềm" trước biến đổi khí hậu

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong quý I/2025, các biện pháp chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là trong ứng phó với tình hình hạn, mặn tại ĐBSCL, được thực hiện kịp thời và hiệu quả. Các phương án bảo vệ cây trồng như lúa, cây ăn quả đã giúp giảm thiểu thiệt hại do điều kiện khí hậu bất lợi.

Cụ thể, đối với sản xuất lúa, các đơn vị thuộc Cục thường xuyên bám sát địa bàn, rà soát diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn, mặn xâm nhập, dự tính dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.

Cùng với đó, tăng cường tích nước ngọt trong hệ thống kênh mương, khuyến cáo thời điểm lấy nước ngọt kịp thời cho sản xuất; tranh thủ thu hoạch sớm với diện tích đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm hạn chế ảnh hưởng của hạn, mặn gây ra.

Đối với cây ăn quả, Cục đã xây dựng phương án tối ưu nhất và giải pháp cụ thể cho từng vùng sản xuất có nguy cơ hạn, mặn khác nhau; tập trung quản lý nước trong vườn cây ăn quả theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây; tăng cường dự trữ nước trong các kênh mương, ao và sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm như nhỏ giọt, phun mưa.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nganh-trong-trot-va-bao-ve-thuc-vat-tu-tin-se-vuot-chi-tieu-tang-truong-d748001.html