Thứ năm 22/05/2025 - 14:12
Thời sự Nông nghiệp - Môi trường
Ngành gia cầm Việt Nam cần đột phá thực chất, chiến lược tổng thể
Thứ Năm 22/05/2025 - 14:12
Ngành gia cầm Việt Nam cần đột phá mô hình, liên kết chuỗi và khơi thông thị trường để vượt qua khủng hoảng, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
- Thông tin 'trứng giả' ảnh hưởng người chăn nuôi thật
- Chuyện thú y cơ sở: [Bài 1] Điểm tựa cho người chăn nuôi
- Tin đồn phá hoại ngành chăn nuôi
- Người chăn nuôi nhỏ lẻ thiếu ý thức trong phòng chống dịch bệnh

Sáng 22/5 tại Hà Nội, Hội nghị "Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững" do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Cục Chăn nuôi và Thú y và Hiệp hội Gia cầm Việt Nam tổ chức, đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, đặc biệt từ lãnh đạo Bộ. Ảnh: Phương Linh.
Sáng 22/5 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Cục Chăn nuôi và Thú y và Hiệp hội Gia cầm Việt Nam tổ chức Hội nghị "Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững".
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nêu rõ: "Trong bối cảnh quốc tế phức tạp, chính sách thuế từ Mỹ và các yếu tố bất định khác, Việt Nam vẫn duy trì được đà xuất khẩu với mục tiêu tăng trưởng 4%, hướng đến mốc 70 tỷ USD. Tuy vậy, lĩnh vực chăn nuôi gia cầm còn tồn tại nhiều bất cập, cần làm rõ như lý do hiệu quả chăn nuôi còn thấp trong nhiều năm qua và giải pháp, tổ chức thực hiện để cải thiện tình trạng này".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Chăn nuôi và Thú y sớm hoàn thiện văn bản gửi Bộ Công an để xử lý vấn đề trứng giả gây hoang mang dư luận thời gian qua. Ảnh: Phương Linh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá báo cáo của Cục Chăn nuôi, được chuẩn bị công phu, song chưa đưa ra đề xuất mới, còn dàn trải. Thứ trưởng nhấn mạnh: "Cần vận dụng triệt để khoa học công nghệ, Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 và Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 vào chọn giống, phòng bệnh, xây dựng bộ máy quản lý xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Tránh tình trạng nghiên cứu xong để đó".
PGS.TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, trình bày bức tranh tổng thể của ngành trong gần 40 năm đổi mới, với 5 giai đoạn phát triển từ năm 1973. Ông nhấn mạnh: "Ngành chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam đang từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sản lượng thịt gia cầm 2,4 triệu tấn và hơn 2 tỷ quả trứng năm 2024. Không những đáp ứng nhu cầu trong nước, ngành còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore, Đài Loan...".
Tuy nhiên, theo ông Sơn, ngành đang bước vào giai đoạn khủng hoảng: thừa sản lượng, giá giảm sâu, thị trường bão hòa, niềm tin nhà đầu tư suy giảm. Ông chỉ rõ: "Khủng hoảng không chỉ ở giá, thị trường mà cả về mô hình phát triển và niềm tin vào tương lai ngành hàng". Do đó, ông kiến nghị ba đột phá lớn: chuyển từ sản xuất sang kinh tế gia cầm, tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi và khơi thông thị trường tiêu thụ trong nước. "Chúng tôi sẽ thành lập câu lạc bộ các nhà sản xuất trứng, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước để định hình lại sân chơi ngành trứng Việt Nam", ông nói.
Báo cáo cho biết thêm, tăng trưởng ngành hiện chỉ đạt khoảng 32%, giảm mạnh so với trước. Giá thành cao, sản phẩm khó tiêu thụ. Tuy vậy, đại diện Hiệp hội cũng chỉ ra năm điểm sáng: duy trì tăng trưởng ổn định, đảm bảo an ninh thực phẩm, đóng góp 26% cho nông nghiệp, hỗ trợ sinh kế hàng triệu hộ dân và bắt đầu ghi dấu ấn trên bản đồ xuất khẩu.
Tiếp nối, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y nhận định: "Chăn nuôi gia cầm có vốn đầu tư không cao, quay vòng nhanh, dễ nuôi, là sinh kế thiết yếu cho hàng triệu nông hộ". Tuy nhiên, theo ông, ngành đang đối mặt với những khó khăn kép từ thị trường tiêu thụ chưa cao, dịch bệnh và nhập khẩu giống tăng mạnh.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cũng thông tin về tin đồn trứng giả lan truyền trên mạng đã tác động tiêu cực đến thị trường và tâm lý người tiêu dùng. Ảnh: Phương Linh.
Về cơ hội, ngành chăn nuôi gia cầm được đánh giá có tiềm năng hội nhập cao nhờ thể chế minh bạch, đồng bộ và thị trường tiêu thụ rộng mở. Tuy nhiên, khó khăn vẫn hiện hữu, từ thói quen tiêu dùng manh mún, hệ thống phân phối nhỏ lẻ khó kiểm soát dịch bệnh, cho tới liên kết chuỗi còn yếu và dự báo cung cầu chưa sát thực tế. Bối cảnh quốc tế bất ổn, biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến phức tạp càng làm gia tăng rủi ro.
Về giải pháp trước mắt, Cục đề xuất tăng cường tiêm phòng, giám sát dịch bệnh và áp dụng an toàn sinh học triệt để. Đồng thời, cần mở rộng thị trường, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm lợi thế, siết chặt kiểm soát nhập lậu, và thúc đẩy liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương. Việc kết nối, chia sẻ thông tin minh bạch được nhấn mạnh nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa.
Về lâu dài, cần quy hoạch lại sản xuất, tập trung đầu tư vùng trọng điểm, xây dựng chuỗi giá trị từ chăn nuôi – chế biến – tiêu thụ có kiểm soát dịch bệnh theo chuẩn quốc tế. Chính sách tín dụng ưu đãi cho nông hộ và doanh nghiệp cũng cần được xem xét để nâng cao khả năng tiếp cận vốn.
Các đại biểu thống nhất muốn phát triển bền vững, ngành gia cầm Việt Nam cần một chiến lược quốc gia tổng thể, từ đầu tư giống, công nghệ, đến xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và xúc tiến thương mại toàn cầu. Như lời Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: "Cần đột phá thực chất, tránh văn bản ra rồi để đấy. An toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là niềm tin của người dân và hình ảnh quốc gia".
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nganh-gia-cam-viet-nam-can-dot-pha-thuc-chat-chien-luoc-tong-the-d754426.html