| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 06/05/2025 - 12:06

Thủy sản

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản: [Bài 3] Tiền đề phát triển bền vững

Thứ Ba 06/05/2025 - 12:02

Thông qua các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường, vùng nuôi trồng thủy sản tại các địa phương đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của người dân.

Bảo vệ môi trường là yếu tố sống còn của nghề nuôi biển

Hiện nay, nuôi trồng thủy sản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của nhiều địa phương. Trong đó, yếu tố môi trường được xem là mấu chốt để đảm bảo sự bền vững của ngành, đặc biệt là ý thức bảo vệ môi trường của người dân tại các vùng nuôi.

Ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản khu vực Nam Trung Bộ ngày càng được nâng cao. Ảnh: Phương Chi.

Ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản khu vực Nam Trung Bộ ngày càng được nâng cao. Ảnh: Phương Chi.

Thực hiện nhiệm vụ được Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) giao, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã mở nhiều lớp tập huấn nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân tại các vùng nuôi trọng điểm. Trong đó, lớp tập huấn tổ chức tại thôn Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã thu hút sự tham gia của hơn 30 hộ dân.

Nội dung lớp tập huấn tập trung vào các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng và các biện pháp cụ thể để bảo vệ môi trường vùng nuôi, hướng đến một quy trình nuôi đạt năng suất cao nhất nhưng vẫn đảm bảo sự hài hòa với tự nhiên.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, một người dân gắn bó lâu năm với nghề nuôi tôm hùm xanh tại thôn Xuân Tự 2 cho biết, từ khi nhận được giấy mời của chính quyền địa phương, ông đã rất mong chờ lớp tập huấn này. Bởi vì sau mỗi lần tham gia ông lại có thêm nhiều kiến thức mới, rất hữu ích cho công việc nuôi trồng của gia đình.

Gia đình ông Quang hiện đang nuôi 20 lồng tôm hùm xanh tại khu vực biển Rạn Trào, xã Vạn Hưng. Với ông, việc bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là yếu tố sống còn của nghề nuôi trồng thủy sản. Nhờ ý thức bảo vệ môi trường tốt, khu vực nuôi của gia đình ông luôn duy trì được chất lượng nước ổn định, hạn chế tối đa dịch bệnh và tỷ lệ hao hụt chỉ ở mức dưới 20%.

“Bảo vệ môi trường vùng nuôi là trách nhiệm của mỗi người. Hàng ngày, thức ăn dư thừa phải được thu gom và đưa vào bờ xử lý, rác thải sinh hoạt cũng vậy. Mình phải tự giác giữ vệ sinh khu vực nuôi của mình trước đã, nếu không bảo vệ môi trường thì nuôi được 1 - 2 năm có lãi, sau đó môi trường ô nhiễm, tôm cá chết hết thì lại trắng tay”, ông Quang chia sẻ.

Bảo vệ môi trường vùng nuôi giúp người dân giảm được hao hụt trong quá trình nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Phương Chi.

Bảo vệ môi trường vùng nuôi giúp người dân giảm được hao hụt trong quá trình nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Phương Chi.

Ông Quang cho biết thêm, không chỉ tự giác thực hiện, ông và các hộ nuôi trong khu vực còn tích cực tuyên truyền, nhắc nhở nhau về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và mọi người đều nhận thức được điều này nên thực hiện tốt.

Môi trường nuôi biển sạch nhờ người dân có trách nhiệm bảo vệ

Cùng tham gia lớp tập huấn với lần này, ông Nguyễn Bảo Thế, một hộ nuôi khác tại thôn Xuân Tự 2 cũng đánh giá cao sự thiết thực của lớp tập huấn. Ông hiện đang nuôi 20 lồng tôm hùm xanh, tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi luôn được giữ ở mức dưới 20% nhờ môi trường nuôi ổn định.

Theo ông Thế, môi trường vùng nuôi ở khu vực biển Rạn Trào được giữ gìn sạch nhờ ý thức người dân được nâng cao rõ rệt. Thức ăn dư thừa và rác thải sinh hoạt trên bè, vỏ bao bì đựng thức ăn đều được thu gom và xử lý hàng ngày.

“Sự chuyển biến tích cực này là nhờ ý thức trách nhiệm của từng hộ nuôi. Môi trường nuôi ở đây sạch là nhờ ai cũng có trách nhiệm, có ý thức bảo vệ. Tình trạng vứt rác bừa bãi đã giảm đi đáng kể, rác thải trôi nổi ngoài biển rất ít”, ông Thế cho hay.

Người dân mong muốn có thêm nhiều lớp tập huấn để học hỏi thêm kỹ thuật nuôi tiên tiến, giảm rủi ro trong quá trình sản xuất. Ảnh: Phương Chi.

Người dân mong muốn có thêm nhiều lớp tập huấn để học hỏi thêm kỹ thuật nuôi tiên tiến, giảm rủi ro trong quá trình sản xuất. Ảnh: Phương Chi.

Ông Thế cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành nông nghiệp sẽ tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn định kỳ để bà con có cơ hội học hỏi kỹ thuật nuôi tiên tiến nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất.

Ông Ngô Hoàng, Tổ trưởng Tổ sinh kế quản lý khu vực biển Rạn Trào, nơi có hơn 40 thành viên tham gia nuôi trồng thủy sản nhận thấy rõ sự thay đổi tích cực trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân từ sau năm 2017. Bà con khi nuôi đã nhận thức rõ hơn về vấn đề ô nhiễm môi trường, vào mỗi buổi sáng bà con đều chủ động vệ sinh, thu gom thức ăn dư thừa, vỏ bao bì đựng thức ăn cho tôm và rác thải sinh hoạt mang vào bờ xử lý.

“Hiện nay, mỗi thành viên của tổ nuôi khoảng 20 lồng, do giá tôm hùm bấp bênh nên các hộ nuôi đã có sự điều chỉnh hợp lý trong quy mô nuôi, giảm mật độ để tăng diện tích lưu thông nước, từ đó nâng cao năng suất và giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. Năm vừa rồi nuôi tôm hùm xanh, cá đạt kết quả tốt, dù vẫn có dịch bệnh nhưng tỷ lệ hao hụt thấp”, ông Hoàng nói.

“Sự quan tâm của các ngành chức năng và chính quyền địa phương thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của người dân. Đây là tiền đề quan trọng để ngành nuôi trồng thủy sản tại địa phương phát triển một cách bền vững, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân và góp phần bảo vệ môi trường biển quý giá của Khánh Hòa”, ông Hoàng cho hay.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nang-cao-y-thuc-bao-ve-moi-truong-vung-nuoi-trong-thuy-san-bai-3-tien-de-phat-trien-ben-vung-d751085.html