| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 22/05/2025 - 10:22

Tri thức nông dân

Mạnh tay với nạn 'ăn cắp' mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói

Thứ Năm 22/05/2025 - 06:56

Ngoài các biện pháp kỹ thuật, nạn 'ăn cắp' mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cần có những chế tài mạnh mẽ để ngăn chặn, xử lý triệt để.

Lời tòa soạn: Trước các quy định ngày càng ngặt nghèo của thị trường, sầu riêng phải được quản lý chặt chẽ từ sản xuất đến thương mại, nâng cao chất lượng, uy tín sầu riêng Việt Nam.

Với tinh thần đó, Báo Nông nghiệp và Môi trường khởi đăng loạt bài: Đưa sầu riêng trở lại "đường đua", cổ vũ toàn ngành, địa phương, doanh nghiệp, bà con nông dân sản xuất và kinh doanh sầu riêng có trách nhiệm, qua đó mở rộng và giữ vững thị trường, đảm bảo thương hiệu và uy tín quốc gia.

Giải pháp hữu hiệu với nạn “ăn cắp” mã số

Thời gian qua, đã xuất hiện những trường hợp giả mạo mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, gây thiệt hại không nhỏ cho chủ thể của những mã số này, đồng thời làm ảnh hưởng tới uy tín của trái cây Việt Nam, nhất là những loại trái cây có giá trị kinh tế cao mà điển hình là sầu riêng.

Vina T&T Group là một trong những nhà xuất khẩu trái cây hàng đầu đã từng là nạn nhân của nạn “ăn cắp” mã số cơ sở đóng gói, khi bị một đơn vị khác làm giả hợp đồng ủy quyền xuất khẩu để sử dụng trái phép mã số cơ sở đóng gói của công ty nhằm xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group, cho biết, sau khi có sự lên tiếng của báo chí và sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhất là Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tình trạng mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của công ty bị doanh nghiệp khác sử dụng trái phép đã không còn.

Bài liên quan

Đặc biệt, theo ông Phú, để ngăn chặn tình trạng giả mạo giấy tờ nhằm sử dụng trái phép mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã đưa ra một giải pháp khá hữu hiệu. Đó là khi doanh nghiệp sở hữu mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói ký hợp đồng ủy quyền xuất khẩu cho một doanh nghiệp khác, thì ngoài hợp đồng bằng giấy, có chữ ký, con dấu của hai bên, doanh nghiệp ủy quyền phải làm thêm động tác thông báo, cập nhật về hợp đồng ủy quyền trên phần mềm của Cục.

Khi xe hàng của đơn vị nhận ủy quyền ra tới cửa khẩu, ngoài việc kiểm tra hợp đồng ủy quyền bằng giấy, cơ quan kiểm dịch thực vật sẽ kiểm tra trên hệ thống, nếu thấy đã có thông tin ủy quyền trên đó, thì mới tiến hành kiểm dịch để làm thủ tục thông quan. Còn nếu doanh nghiệp xuất khẩu chỉ xuất trình hợp đồng ủy quyền bằng giấy, không có thông tin về hợp đồng ủy quyền đó trên hệ thống của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cơ quan kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu sẽ từ chối kiểm dịch lô hàng, đồng nghĩa với việc lô hàng sẽ không được thông quan, xuất khẩu.

Ông Phú đánh giá, với giải pháp này, từ nay, các doanh nghiệp có ý đồ dùng các hợp đồng ủy quyền giả mạo để sử dụng trái phép mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của doanh nghiệp khác, sẽ rất khó thực hiện được như trước đây.

Chế tài mạnh với hành vi “ăn cắp”

Tuy nhiên, khi nhu cầu nhập khẩu sầu riêng từ thị trường Trung Quốc vẫn đang có xu hướng tăng lên, không loại trừ khả năng tiếp tục xuất hiện những doanh nghiệp tìm cách sử dụng trái phép mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trong tương lai, mà có thể gọi một cách nôm na là “ăn cắp” mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng.

Cần có chế tài mạnh với hành vi 'ăn cắp' mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng cũng như các loại trái cây khác. Ảnh: Sơn Trang.

Cần có chế tài mạnh với hành vi "ăn cắp" mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng cũng như các loại trái cây khác. Ảnh: Sơn Trang.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thời gian qua, đã xuất hiện một số vụ “ăn cắp” mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Một trong những nguyên nhân quan trọng để hành vi “ăn cắp” mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói vẫn xuất hiện là chưa có chế tài nghiêm khắc với hành vi này.

Vì vậy, ông Nguyên cho rằng, để ngăn chặn triệt để nạn “ăn cắp” mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, cần có những chế tài thực sự nghiêm khắc, mang tính răn đe cao. Bởi hành vi này không khác gì một hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, thậm chí là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác, chứ không đơn thuần là một hành vi gian lận thương mại.

Ông Nguyên dẫn chứng, ở Thái Lan, đã có những quy định xử phạt rất nghiêm khắc với hành vi “ăn cắp” mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng. Cụ thể, cá nhân hay tổ chức có hành vi “ăn cắp” mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói của người khác, sẽ bị coi là hành vi chiếm đoạt tài sản.

Vì vậy, khi bị phát hiện hành vi “ăn cắp” mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị cơ quan thẩm quyền Thái Lan phạt tiền với mức phạt rất cao. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp nhờ “ăn cắp” mã số cơ sở đóng gói mà xuất khẩu được 20 container sầu riêng, thì cơ quan thẩm quyền sẽ tính toán lợi nhuận mà doanh nghiệp có được từ 20 container đó rồi ra quyết định xử phạt với số tiền tương đương hoặc ít nhất là bằng 2/3. Ngoài ra, doanh nghiệp “ăn cắp” còn bị xem xét truy cứu hình sự, bị phạt tù tùy theo mức độ nghiêm trọng mà hành vi đó gây ra.

Ông Nguyên chia sẻ, với ngành hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam, mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói rất quan trọng, là giấy thông hành để rau quả Việt Nam đi vào một thị trường nào đó. Hiện nay, gần như các thị trường đều yêu cầu mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả không thể không có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Do đó, nếu doanh nghiệp này giả mạo mã số cơ sở đóng gói của doanh nghiệp khác để xuất khẩu sầu riêng hay một loại trái cây nào đó, mà chỉ coi đó là hành vi gian lận thương mại thì không thể hiện được mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Sầu riêng chuẩn bị thu hoạch ở Bình Phước. Ảnh: Sơn Trang.

Sầu riêng chuẩn bị thu hoạch ở Bình Phước. Ảnh: Sơn Trang.

Ông Nguyên nhấn mạnh, “ăn cắp” mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói thực chất là hành vi ăn cắp tài sản công dân. Một người ăn cắp một món đồ nhỏ đã có thể bị truy cứu hình sự, bị phạt tù, thì tại sao một doanh nghiệp “ăn cắp” mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói của doanh nghiệp khác và gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp đó, thì lại chưa có chế tài để xử lý hình sự?

Ông Nguyễn Phong Phú cũng cho biết, hành vi “ăn cắp” mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, hiện chưa được quy định trong Bộ Luật hình sự, mà mới chỉ có trong Luật dân sự. Mà để xử lý theo Bộ duật dân sự, doanh nghiệp bị “ăn cắp” mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói phải nộp đơn khởi kiện. Do e ngại chuyện khởi kiện phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức, những doanh nghiệp từng bị “ăn cắp” mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng hầu như chưa có động thái khởi kiện doanh nghiệp vi phạm. Vì vậy, doanh nghiệp có hành vi “ăn cắp” mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, đến nay vẫn chưa phải chịu một hình thức xử lý nào.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tri-thuc-nong-dan/manh-tay-voi-nan-an-cap-ma-so-vung-trong-ma-so-co-so-dong-goi-d754326.html