| Hotline: 0983.970.780

Làng thợ xây

Thứ Hai 12/11/2007 , 08:00 (GMT+7)

Đó là làng Quảng Yên, thuộc xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Yên Sơn có ba làng là Sơn Trung, Ba Nhà và Quảng Yên. Hai làng kia, một làng có “nghề” đổ bê tông thuê và một làng chuyên làm móng nhà.

Hỏi một anh thợ Quảng Yên rằng đào móng tức là đào đất, chỉ cần có sức khoẻ đủ để ấn cái xẻng xuống, hất xẻng đất lên là được chứ cần gì nghề? 

Anh ta quả quyết, không có nghề không thể làm móng được. Làm móng chứ không phải đào móng. Đào đất chỉ là một phần việc rất nhỏ trong kỹ thuật làm móng nhà. Nhiều công trình, việc xử lý móng vô cùng phức tạp, không tính toán cẩn thận là đổ nhà hàng xóm ngay. Việc đào móng một công trình trong Nam làm sụp viện KHXH đang gây xôn xao dư luận là một bằng chứng.

Yên Sơn ít đất, bình quân mỗi khẩu chưa nổi sào ruộng. Đường cao tốc Láng- Hoà Lạc trước đây đã lấy mất một phần, hiện đang mở rộng tiếp tục lấy thêm phần nữa, đất lại xấu, ruộng không nuôi nổi người, nên dân xã sống bằng nghề là chủ yếu.

Theo anh Khiêm, một thợ xây có tay nghề rất cao, Quảng Yên có khoảng 800 hộ, thì đến 90% số đàn ông biết nghề xây. Một bộ bay, con dao, cái bàn xoa, cái thước… thợ Quảng Yên có mặt ở khắp các tỉnh từ Nam chí Bắc, từ xuôi lên ngược, từng có mặt ở hầu hết các công trình lớn ở địa phương và thủ đô. Tay nghề của thợ xây Quảng Yên đều khá cao. Có cao tay nghề mới lọt được vào những công trình tầm cỡ như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tháp Hà Nội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tượng đài vua Lý Thái Tổ…

Mùa xây dựng, làng Quảng Yên vắng ngơ vắng ngắt, hầu như chỉ có ông bà già và trẻ con ở nhà. Đàn ông đi xây hết, đàn bà cũng theo chồng đi làm phu hồ. Có những công trình ở xa, lại kéo dài, thường hàng mấy tháng mới về nhà được một lần.

Thợ Quảng Yên hay đi theo nhóm, phần lớn các nhóm đó đều là người nhà hay họ hàng thân thích, mỗi nhóm nhận trọn một công trình, như nhóm thợ của ông Sơn đang làm nhà cho một gia đình ở Tân Mai ( Hà Nội). Ông có hai cô con gái, gả cho hai anh thợ xây, cậu con trai út cũng theo nghề bố. Anh con rể nhận được công trình, đưa luôn cả nhà ra. Bố vợ, hai con rể, con trai làm thợ, hai cô gái làm phu hồ. Với những công đoạn cần nhiều người như đào móng, đổ bê tông mái…thì “bốc” thêm mấy người làng nữa. Anh chàng rể này của ông Sơn là Phạm Văn Huệ, từng “ăn mòn bát” ở Hà Nội, và khá có duyên với nghề. Có những lúc anh nhận được liền ba, bốn công trình, phải tổ chức ba bốn nhóm thợ, riêng anh thì chạy như con thoi khắp nơi.

Đang thi công dở công trình ở Tân Mai, Huệ lại nhận được điện của một người tận Sơn La mời anh nhận xây cho một biệt thự, anh đang hối thúc mọi người làm thật khẩn trương cho xong ngôi nhà Tân Mai để cuối tháng còn ngược. Tôi hỏi Huệ:

- Thế thì ông làm cai rồi còn gì ?

- Không, cai họ khác hẳn. Nhận được công trình, họ thống nhất tiền công với chủ. Xong mới đi thuê thợ với giá công khác. Phần chênh lệch ấy họ hưởng, và họ thường không làm trực tiếp, chỉ giám sát. Còn chúng em, ai nhận được công trình với giá tiền công bao nhiêu cũng đưa anh em hay người làng đến làm với giá bấy nhiêu, ăn đều tiêu sòng. Lọt sàng, thì cũng xuống nia cả. Người nhận được công trình cũng làm như mọi người khác, chỉ phải chịu trách nhiệm hơn mà thôi.

Người đời vẫn nói thổ và mộc là hai loại công việc nặng nhọc nhất ( nhất thổ nhì mộc), nhưng theo tôi, câu đó chỉ đúng một thời. Bây giờ, nghề xây mới là nghề nặng nhọc nhất, mà lại nguy hiểm nhất. Đào ao, vượt thổ, nhào đất, đóng gạch…những công việc liên quan đến thổ, bây giờ chẳng mấy ai làm tay nữa. Một nhát gầu máy xúc bằng một người đào, vác cả ngày. Một cái máy đùn gạch một ngày có thể cho ra cả chục vạn viên gạch mộc, bằng hàng chục người hì hục “vật, đập, cắt, xoẹt” cả tháng, việc khuân gạch mộc ra phơi, đưa gạch mộc vào lò hay đưa gạch đã chín ra khỏi lò bây giờ đã có dây chuyền.

Nghề mộc, trước đây nặng nhọc nhất là khâu xẻ gỗ (kéo cưa thì ít, lừa xẻ thì nhiều) và đẽo gỗ. Bây giờ, một cây gỗ đưa vào máy, chỉ loáng cái là thành tấm thành miếng ngay, cái rìu ít khi phải dùng đến vì máy cưa cho phép lượn được cả những đường rất phức tạp… Vả lại thợ mộc còn được làm trong nhà, mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu, nhưng chưa ai nghĩ ra được cái máy xây, máy trát vữa. Người thợ xây vẫn phải phơi mặt giữa nắng với con dao xây và cái bay, cần mẫn đặt từng viên gạch, và phần lớn là ở trên cao chót vót.

Công trình càng cao, độ nguy hiểm càng lớn. Khiêm kể cho tôi nghe về cảm giác của anh mỗi khi phải tham gia xây dựng những ngôi nhà hàng chục tầng. Đứng trên tầng cao nhất nhìn xuống, bao quát được một vùng rất rộng, nhìn xa thấy người, xe cứ lổm ngổm như cua. Mỗi lần liếc mắt xuỗng chân công trình, người cứ rợn hết lên, thít lên , nổi da gà lên. Không ít người thần kinh không vững, đã chóng mặt đâm nhào xuống, thoát chết là nhờ cái dây an toàn… Nỗi khổ thứ hai là bụi. Đổ một bao xi măng ra để đánh vữa là hít phải bụi xi măng, xúc một khối cát vào cối vữa là hít phải bụi cát. Xúc một khối đá dăm vào cối đổ bê tông là hít phải bụi đá, dùng máy cắt một viên gạch ốp, gạch lát, bụi gạch xộc thẳng vào mồm, vào mắt…

Bữa ăn của một gia đình thợ xây ở công trình

Công trình xây mới còn đỡ. Với những công trình cần sửa chữa, nâng cấp, bụi càng khủng khiếp hơn. Một mảng tường xây lâu ngày, lớp vữa trát đã hỏng, cần đập cho trơ xương tường ra trát lại, một phần công trình phải đập đi để mở rộng…chẳng hạn. Đập xong, người tắm trong bụi, tóc tai cứng hết lên vì bụi, tay chân nhớp nhúa vì bụi, nuốt miếng cơm giữa hai buổi làm , miệng cứ ráp sụa vì bụi. Tuy có khẩu trang nhưng cũng chỉ chống đỡ được phần nào. Bụi và nắng làm cho thợ xây anh nào cũng đen nhẻm, và da thì cứ thô thô…

-Tục ngữ nói làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng. Câu ấy mới đúng làm sao. nhà em chồng làm thợ, vợ phu hồ. Thế mà chẳng hiểu sao cứ ráo mồ hôi là hết tiền.

Xem thêm
Rủ nhau đi mò trai bắt ốc, một học sinh lớp 7 đuối nước tử vong

QUẢNG NINH Trên địa bàn phường Vàng Danh (TP Uông Bí, Quảng Ninh) vừa xảy ra vụ đuối nước khiến một học sinh lớp 7 tử vong khi cùng nhóm bạn đi mò trai, bắt ốc.