| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 29/04/2025 - 16:43

Xã hội

Hồi ức Biệt động Sài Gòn mở màn trận đánh vào Dinh Độc Lập

Thứ Ba 29/04/2025 - 16:39

Nổ súng hạ nhóm lính gác cổng, mở màn trận đánh vào Dinh Độc Lập. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, niềm tự hào ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức ông Bảy Hôn.

Lót ổ

Trận đánh vào Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất) trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Tết Mậu Thân năm 1968 dù trôi vào miền quá khứ, nhưng mỗi khi trò chuyện với chúng tôi về trận đánh lịch sử ấy là… mười lần như một, ông Phan Văn Hôn (sinh năm 1945, tự Bảy Hôn, ở ấp Sa Nhỏ, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP. HCM) đều thốt lên rằng: “16 người đánh vào Dinh Độc Lập, 8 đồng đội hi sinh. Họ chưa bao giờ “nếm” được “mùi vị”… hòa bình! Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những nam thanh nữ tú một thời oanh liệt làm rung chấn chế độ Mỹ - Ngụy đã bước vào cái tuổi bên kia sườn dốc. Dẫu biết không cưỡng lại được quy luật tự nhiên, nhưng từng người, từng người ốm đau bệnh tật… rời xa cõi tạm, trông mà chua xót lắm nhà báo à”.

Ông Bảy Hôn (trang phục quân đội) trong lần đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghé thăm hầm vũ khí dùng để đánh vào Đinh Độc Lập. Ảnh: Trần Vũ Bình. 

Ông Bảy Hôn (trang phục quân đội) trong lần đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghé thăm hầm vũ khí dùng để đánh vào Đinh Độc Lập. Ảnh: Trần Vũ Bình. 

Chiến tranh lùi xa, ông Bảy Hôn trở về nơi “chôn nhau cắt rốn”, vùng “đất thép anh hùng” Củ Chi sinh sống. Dù đã bước vào cái tuổi “đại thọ”, nhưng trông ông vẫn khỏe khoắn, giọng nói sang sảng. Kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Bảy Hôn vẫn nhớ như in trận đánh vào Dinh Độc Lập năm xưa. Bởi ký ức đó đã trở thành một phần máu thịt của ông.

Ông Bảy Hôn kể, 13 tuổi tham gia đào địa đạo Củ Chi (được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, hiện TP. HCM đang trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới). Năm 1959, ông chính thức tham gia cách mạng, thành lập nhiều tổ du kích kết hợp với cán bộ chiến đấu ngăn chặn các cuộc hành quân của địch, chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm đang thi hành đạo Luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam.

Năm 1962, ông Bảy Hôn tham gia Trung đoàn Quyết Thắng, một đoàn quân thiện chiến nhất nhì thời bấy giờ, đánh và tiêu diệt giặc khắp các tỉnh ở miền Đông. Tháng 6/1967, ông được điều động về Đội 5 của Biệt động Sài Gòn.

Ông Bảy Hôn kể về trận đánh vào Dinh Độc Lập với phóng viên. Ảnh: Trần Vũ Bình.

Ông Bảy Hôn kể về trận đánh vào Dinh Độc Lập với phóng viên. Ảnh: Trần Vũ Bình.

Trong cuộc họp bí mật, Thiếu tướng Trần Hải Phụng – Tư lệnh đầu tiên của Quân khu Sài Gòn – Gia Định thời bấy giờ truyền đạt: “Đảng nuôi quân ngàn thuở, chỉ sử dụng một giờ. Đây là trận chiến mà sống còn chỉ là điều may mắn. Nếu còn sống thì bị tù đày, nhưng các đồng chí hãy giữ khí tiết trung dũng, kiên cường và không khai báo”.

“16 chiến sĩ kí giấy xác định đánh trận là hi sinh. Đơn vị còn cấp cho mỗi chiến sĩ 30 ngàn đồng (thời đó). Nếu hi sinh thì xem là tiền “tử”, còn bị giặc bắt thì sử dụng để... chạy chọt giữ mạng sống. Đêm 28 Tết Mậu Thân, các chiến sỹ Đội 5 tập trung tại một địa điểm ở ấp Chánh, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh được cấp trên cho phép mở tấm khăn che mặt để biết mặt nhau.

Đêm ấy, mọi người “ăn Tết vua Quang Trung” (trước khi từ Bình Định tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh, hoàng đế Quang Trung cho quân lính ăn Tết sớm) bằng thịt gà, uống máu ăn thề sống chết có nhau, không lung lay tư tưởng, không phản bội nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào”, ông Bảy Hôn nhớ lại.

Trận chiến huyền thoại

Trở lại trận đánh vào Dinh Độc Lập, ông Bảy Hôn lời rằng, 16 Biệt động Sài Gòn bí mật di chuyển vào nội thành Sài Gòn rồi tập trung về hầm vũ khí bí mật ở nhà ông Năm Lai nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TP. HCM.

Vũ khí được các Biệt động Sài Gòn ngụy trang, tìm cách đưa về trung tâm Sài Gòn để đánh vào Dinh Độc Lập. Ảnh: Trần Vũ Bình. 

Vũ khí được các Biệt động Sài Gòn ngụy trang, tìm cách đưa về trung tâm Sài Gòn để đánh vào Dinh Độc Lập. Ảnh: Trần Vũ Bình. 

Tại đây, ông Nguyễn Văn Tăng (Tư Tăng, hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân) ra lệnh khui hầm vũ khí bí mật và thông báo mục tiêu tấn công sắp tới là Dinh Độc Lập. Nghe xong ai cũng hồ hởi bởi vì được đánh vào “đầu não địch”.

Khoảng 2h sáng mùng 2 Tết, Đội 5 Biệt động Sài Gòn lên 3 xe ô tô và xe gắn máy tiến về cổng bên hông Dinh Độc Lập nằm đường Nguyễn Du, quận 1. Đứng trên xe tiên phong, ông Bảy Hôn bắn hạ nhóm lính gác cổng. Các đồng đội ném trái nổ vào cổng, các xe ô tô thay nhau húc vào...nhưng không thể đánh sập cánh cổng. Lúc này từ nóc Dinh Độc Lập đạn của địch lia xuống như mưa khiến đội trưởng Đội 5 là đồng chí Ba Thanh, tức Tô Hoài Thanh hi sinh.

Khách du lịch xem vũ khí năm xưa ông Bảy Hôn cùng đồng đội dùng tấn công vào Dinh Độc Lập. Ảnh: Trần Vũ Bình. 

Khách du lịch xem vũ khí năm xưa ông Bảy Hôn cùng đồng đội dùng tấn công vào Dinh Độc Lập. Ảnh: Trần Vũ Bình. 

Thay đổi chiến thuật, một số chiến sỹ trèo vào cổng Dinh Độc Lập tấn công và chiếm lĩnh được trận địa, 4 chiến sỹ đã hi sinh. Còn tại vị trí cổng Dinh Độc Lập, cuộc đấu súng hai bên diễn ra quyết liệt nhiều giờ. Mặt trời gần ló rạng, các chiến sỹ Đội 5 nhận định lực lượng quân chủ lực không vào tiếp ứng kịp. Do đó, ông Bảy Hôn cùng 7 Biệt động Sài Gòn còn lại rút vào một căn nhà gần đó cố thủ. Đạn dược cạn kiệt, trong khi vòng vây của địch càng siết chặt. 8 giờ sáng ngày mùng 3 Tết Mậu Thân, 1 chiến sỹ hi sinh, 7 người còn lại bị bắt. Sau khi bị giam cầm 2 tháng ở Khám Chí Hòa, quận 10, TP. HCM, ông Bảy Hôn bị kết án tù chung thân, đưa ra Côn Đảo giam cầm. 

“Biết rằng trận chiến một đi không trở lại nhưng chúng tôi đều có lý tưởng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ở Côn Đảo được 5 năm thì giặc chuyển tôi về trại giam Hố Nai, tỉnh Đồng Nai tiếp tục giam giữ. Tại đây, tôi tổ chức cho 21 chiến sĩ khác vượt ngục”, ông Bảy Hôn nhớ lại...

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những trai trẻ một thời oanh liệt đã bước vào cái tuổi gần đất xa trời. Vinh dự mọi năm đều góp mặt ngày giỗ các chiến sỹ Biệt động thành khiến chúng tôi không khỏi xúc động, bởi… các món ăn đều là món mà lúc còn sống các “anh hùng” Đội 5 rất thích như: cơm trắng, canh khổ qua, thịt kho trứng, ngô luộc, bánh mì và rau sống. Bữa cơm tuy đơn giản nhưng ấm áp tình đồng đội từng một thời chung tuyến hào, là dịp để họ ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Với ông Bảy Hôn, trận đánh vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân là trận đánh để đời. Ông cùng đồng đội còn sống lấy ngày mùng 1 Tết hằng năm làm ngày giỗ chung cho những người trong Đội 5 đã hi sinh và khuất bóng trong thời bình.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/hoi-uc-biet-dong-sai-gon-mo-man-tran-danh-vao-dinh-doc-lap-d750776.html