Sáng 1/7, các xã, phường, đặc khu của tỉnh Quảng Ninh đồng loạt tổ chức hội nghị ban thường vụ cấp ủy, hội nghị ban chấp hành đảng bộ cấp xã để ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng thời, tổ chức kỳ họp thứ nhất của HĐND cấp xã để triển khai thực hiện một số nội dung công việc theo thẩm quyền; trong đó có thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2025.

Bà Lê Ngọc Hân tại lễ công bố các quyết định về công tác tổ chức và cán bộ Đặc khu Cô Tô. Ảnh: Truyền thông Cô Tô.
Ngay sau khi tổ chức các hội nghị, kỳ họp, 54 xã, phường, đặc khu đã bắt tay ngay vào công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo không có độ trễ trong điều hành, không có khoảng trống trong quản lý, không để bất cứ nhiệm vụ nào bị ngắt quãng, không để bất kỳ người dân, doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng.
"Phên giậu" vững chắc nơi Đông Bắc
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, bà Lê Ngọc Hân - Bí thư Đặc khu Cô Tô, chia sẻ: Việc thành lập Đặc khu Cô Tô là dấu mốc quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới, phù hợp với định hướng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của Đảng và Nhà nước.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Đặc khu đã tổ chức lễ công bố các quyết định về công tác tổ chức và cán bộ - đây vừa là bước đi đầu tiên để chính quyền Đặc khu chính thức đi vào hoạt động theo mô hình mới nhưng cũng là sự gửi gắm niềm tin lớn vào bộ máy lần này.
Theo bà Hân, đây không chỉ là sự thay đổi về tổ chức hành chính, mà còn đặt ra những yêu cầu mới về tư duy lãnh đạo, phương thức điều hành, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ và chất lượng thực thi công vụ.
"Mô hình không còn cấp huyện đặt toàn bộ trọng trách quản lý hành chính, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh... lên cấp xã và cấp tỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc bộ máy cấp Đặc khu phải đủ mạnh, đủ nhanh, đủ hiện đại để làm 'cầu nối' vận hành thông suốt giữa cấp tỉnh và cơ sở", bà Lê Ngọc Hân nhìn nhận.

Ngày 1/7/2025, HĐND Đặc khu Cô Tô tổ chức Kỳ họp thứ nhất, nhiệm kỳ 2021- 2026. Đây là kỳ họp đầu tiên khi Đặc khu Cô Tô chính thức được thành lập, kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp theo mô hình mới. Ảnh: Truyền thông Cô Tô.
Nữ Bí thư Đặc khu Cô Tô cho biết thêm, trong bối cảnh yêu cầu công việc ngày càng lớn, lực lượng công vụ không tăng, ngân sách tiết kiệm và kỳ vọng của nhân dân ngày càng cao - thì giải pháp quan trọng, thiết thực và cấp bách chính là chuyển đổi số trong hoạt động của chính quyền.
Vì vậy, bà Hân đề nghị ngay từ ngày làm việc đầu tiên, các phòng, ban chuyên môn của Đặc khu cần khẩn trương rà soát, tổ chức lại quy trình xử lý công việc theo hướng số hóa: từ quản lý văn bản, hồ sơ công việc, lịch làm việc, đến dịch vụ công, tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính... để từng bước xây dựng một chính quyền số hiện đại, minh bạch, tiết kiệm thời gian, giảm áp lực cho cán bộ và giảm phiền hà cho người dân.
Bà Hân cho rằng chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh chính quyền phải tinh gọn, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt nhất.
"Tôi yêu cầu cán bộ ngay sau khi nhận nhiệm vụ phải bắt tay ngay vào công việc với tinh thần khẩn trương, chủ động, hiệu quả, không để xảy ra khoảng trống lãnh đạo hay ách tắc trong quản lý nhà nước. Đồng thời, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, đổi mới và gắn bó giữa các phòng ban, giữa chính quyền Đặc khu với nhân dân. Tôi cũng kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn Đặc khu phát huy tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, sáng tạo, chủ động và tận tụy, cùng nhau xây dựng chính quyền phục vụ, hành động, chuyên nghiệp, vì nhân dân", bà Hân nhấn mạnh.
Cũng theo Bí thư Đặc khu Cô Tô, chúng ta đang ở thời khắc khởi đầu và mọi sự khởi đầu đều rất quan trọng. Nếu hôm nay làm tốt, vững chắc từng bước thì ngày mai Cô Tô sẽ phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với niềm tin của Tỉnh ủy, với kỳ vọng của nhân dân và với vai trò là "phên giậu" vững chắc nơi Đông Bắc Tổ quốc.
Hãy đặt mình vào vị trí người dân
Phường Cẩm Phả được sáp nhập từ các phường: Cẩm Trung, Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Tây và Cẩm Đông (thuộc TP Cẩm Phả cũ). Cùng với cả nước, sáng 1/7/2025 - ngay từ ngày làm việc đầu tiên vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, phường Cẩm Phả đã tổ chức hội nghị ban thường vụ cấp ủy, hội nghị ban chấp hành đảng bộ cấp ủy và kỳ họp thứ nhất của HĐND phường để triển khai thực hiện một số nội dung công việc theo thẩm quyền.
Ông Phạm Lê Hưng trước đây là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả. Sau khi bỏ chính quyền cấp huyện, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy phường Cẩm Phả - phường dân số đông thứ 3 của tỉnh Quảng Ninh.

Bí thư Đảng ủy phường Cẩm Phả Phạm Lê Hưng (áo trắng bên phải) đi kiểm tra tại Trung tâm Hành chính công ngay sau khi mô hình chính quyền 2 cấp chính thức đi vào hoạt động. Ảnh: Cẩm Phả TV.
Chiều 1/7, trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Hưng cho biết ông vừa qua Trung tâm hành chính công của phường để kiểm tra tình hình tiếp nhận thủ tục, giải quyết công việc của nhân dân, đồng thời quán triệt với anh chị em cán bộ một số nội dung.
"Hành chính công là bộ mặt của địa phương vì hàng ngày tiếp xúc, giải quyết công việc cho nhân dân. Do đó tôi quán triệt ngay từ buổi đầu tiên về thái độ làm việc phải nhiệt tình, trách nhiệm, không được kiểu lòng vòng, nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính", ông Hưng nhấn mạnh và cho biết các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý căn cước,...ở các địa phương đã thuận lợi. Tuy nhiên, đối với thủ tục về đất đai, qua thông tin trên dư luận thì còn phức tạp.
"Đâu đó vẫn còn tình trạng người dân không có quan hệ, quen biết, khi đi làm thủ tục đất đai rất mệt mỏi", ông Hưng thẳng thắn nói và đề nghị cán bộ phường hãy đặt mình vào vị trí người dân để thấu hiểu.

Phường Cẩm Phả là trung tâm đô thị, dân số đứng thứ 3 của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Cường Vũ.
Từ Chủ tịch cấp huyện địa bàn rộng, giờ làm Bí thư phường quy mô gọn hơn. Mặc dù địa bàn thu hẹp nhưng ông Hưng cho rằng "không hề nhàn" vì thời gian tới khối lượng công việc được phân cấp, phân quyền về cho cơ sở sẽ rất lớn, trong khi đó cán bộ được "lắp ghép" từ nhiều địa phương, phòng ban vào nên có thể phát sinh một số bỡ ngỡ về cách làm cũng như quy định mới.
"Nếu cán bộ chậm cập nhật các quy định mới thì hướng dẫn, giải quyết công việc sẽ khó khăn”, ông Phạm Lê Hưng đánh giá.
Về định hướng phát triển của phường Cẩm Phả, vị Bí thư phường thẳng thắn nhìn nhận ngoài kinh tế biển thì phường không còn nhiều quỹ đất để phát triển như các phường khác, Quang Hanh hay Cửa Ông, Mông Dương…
"Phường Cẩm Phả là trung tâm đô thị, dân số đứng thứ 3 của tỉnh (hơn 61 nghìn dân) nên trước mắt phường sẽ tập trung phát triển thương mại dịch vụ, chỉnh trang đô thị và phát huy những giá trị văn hóa của vùng mỏ vì đây là khu cũ, văn hóa vùng mỏ gắn bó mật thiết với người dân", ông Hưng chia sẻ và tin rằng với bộ máy tinh gọn, nhiệt huyết như hiện nay thì việc phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, tạo thêm niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân để cùng đồng lòng xây dựng phường Cẩm Phả văn minh, giàu đẹp.