| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 23/05/2025 - 08:22

Trồng trọt

Giữ chất VietGAP sau chứng nhận

Thứ Sáu 23/05/2025 - 08:21

VietGAP không chỉ là tấm giấy chứng nhận. Bình Dương đang biến tiêu chuẩn kỹ thuật này thành công cụ nâng giá trị nông sản và củng cố niềm tin thị trường.

Đã từng có thời, chứng nhận VietGAP được nhiều người xem như “tấm vé thông hành” để đưa nông sản vào siêu thị, nhà hàng, chạm tới người tiêu dùng thành thị. Nhưng khi ánh hào quang ban đầu dần nhạt, câu hỏi đặt ra là: Liệu sau chứng nhận, nông dân có còn giữ được thực chất VietGAP như những ngày đầu?

Đoàn cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Dương kiểm tra 8 mô hình VietGAP tại huyện Phú Giáo. Ảnh: Tuấn Anh.

Đoàn cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Dương kiểm tra 8 mô hình VietGAP tại huyện Phú Giáo. Ảnh: Tuấn Anh.

Tại Bình Dương - nơi có gần 500 mô hình đã đạt chứng nhận VietGAP, câu chuyện không dừng lại ở một tấm giấy treo trên tường. Ở đó, vẫn còn nhiều nông dân lặng lẽ gìn giữ quy trình canh tác an toàn, dù phía trước còn bộn bề nỗi lo về đầu ra, chi phí và áp lực tái chứng nhận mỗi năm.

Những ngày giữa tháng 5 nắng như đổ lửa, đoàn cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương cùng chính quyền địa phương đến xã An Bình và Tam Lập (huyện Phú Giáo) để giám sát 8 mô hình đã được cấp chứng nhận VietGAP. Không giống một cuộc kiểm tra khô cứng, chuyến đi ấy giống như một buổi trò chuyện giữa những người đồng hành cùng nông dân. Câu chuyện mở ra từ từng cuốn nhật ký ghi chép chăm bón, bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn lưu giữ cẩn thận, đến cả những trăn trở khi sản phẩm sạch vẫn phải bán như rau thường.

Ông Nguyễn Thanh Minh, một hộ sản xuất tại xã Tam Lập thở dài: “Làm VietGAP thì yên tâm về sự an toàn, đảm bảo sức khỏe. Nhưng mỗi năm gia hạn chứng nhận lại mất tiền, trong khi sản phẩm bán vẫn như bao người khác. Mình muốn làm tiếp, nhưng nhiều khi cũng nản…”.

Không riêng ông Minh, nhiều nông dân khác cũng đang loay hoay giữa lý tưởng và thực tế. Họ biết rõ giá trị của nông sản an toàn, của việc ghi chép, kiểm soát dịch hại, tiết giảm hóa chất. Nhưng giữ được tất cả những điều ấy trong khi chưa có ai thực sự trả giá cao hơn cho sản phẩm thì chẳng dễ chút nào.

Thấu hiểu điều đó, bà Lưu Đình Lệ Thúy, Chi cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Chúng tôi không giám sát để xử phạt. Chúng tôi muốn đồng hành để người dân giữ vững chất lượng sau chứng nhận. VietGAP không phải để làm một lần rồi bỏ, mà phải sống trong từng luống rau, từng lứa gà, con heo”.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Dương làm việc với Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Bình Dương. Ảnh: Chi cục TT-BVTV Bình Dương.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Dương làm việc với Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Bình Dương. Ảnh: Chi cục TT-BVTV Bình Dương.

Với tinh thần ấy, ngoài kiểm tra hiện trạng, đoàn công tác còn tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất bằng phần mềm, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua chương trình OCOP và các hoạt động xúc tiến thương mại. Nhiều hộ bày tỏ mong muốn được hỗ trợ thêm về marketing, truy xuất nguồn gốc điện tử và liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Huyện Phú Giáo hiện dẫn đầu tỉnh Bình Dương với 135 mô hình VietGAP. Đó không chỉ là con số, mà là minh chứng cho cách làm bài bản, bền vững, từ tập huấn đến tuyên truyền nâng cao nhận thức. Ông Trần Văn Của, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Giáo chia sẻ: “Chúng tôi đang thúc đẩy các hợp tác xã, tổ liên kết ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài với doanh nghiệp. Khi có đầu ra ổn định, bà con sẽ yên tâm giữ chuẩn VietGAP”.

Nhưng để VietGAP không bị “chết yểu” như nhiều mô hình trước đây từng gặp phải, cần một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện. Nhà nước có thể hỗ trợ một phần chi phí tái chứng nhận, nhưng thị trường mới là yếu tố quyết định. Nếu sản phẩm sạch không được phân biệt rõ ràng, giá bán vẫn như rau thường, thịt thường thì người làm đúng chuẩn sẽ thiệt thòi.

Bà Đinh Thị Hằng, một hộ trồng rau ở xã An Bình chia sẻ: “Nhiều lúc nhìn người không làm chuẩn, phun thuốc tùm lum nhưng bán giá cao hơn vì mẫu mã đẹp, thấy mà đau. Nhưng mình vẫn cố giữ, vì làm cho con cháu ăn trước”.

Bà Lưu Đình Lệ Thúy, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Dương (giữa) giám sát hộ kinh doanh Đinh Thị Hằng ở ấp Nước Vàng, xã An Bình. Ảnh: Chi cục TT-BVTV Bình Dương.

Bà Lưu Đình Lệ Thúy, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Dương (giữa) giám sát hộ kinh doanh Đinh Thị Hằng ở ấp Nước Vàng, xã An Bình. Ảnh: Chi cục TT-BVTV Bình Dương.

Chính suy nghĩ ấy, tưởng chừng nhỏ bé lại là động lực to lớn để hành trình VietGAP không bị ngắt quãng. Đó không còn là chuyện của kỹ thuật, mà là câu chuyện của lòng tin và trách nhiệm. Giữa thời buổi thực phẩm đầy rẫy nguy cơ, những nông dân vẫn kiên trì giữ chuẩn chính là những “người gác cổng” cho bữa ăn an toàn của cộng đồng.

Với sự đồng hành từ cơ quan chuyên môn, chính quyền và cả người tiêu dùng, Bình Dương đang cho thấy một cách làm thực chất, lấy con người làm trung tâm, lấy chất lượng làm mục tiêu. Từ những luống rau ở Phú Giáo, Dầu Tiếng đến bữa ăn của bao gia đình, hành trình giữ chất VietGAP vẫn đang tiếp diễn, bằng niềm tin, sự tử tế và lòng yêu nghề của nông dân Việt.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/giu-chat-vietgap-sau-chung-nhan-d754231.html