Thứ sáu 23/05/2025 - 08:22
Khoa học - Công nghệ
Giống tốt - nền tảng xây dựng thương hiệu gạo Việt
Thứ Sáu 23/05/2025 - 08:20
Ứng dụng khoa học công nghệ lai tạo giống lúa chất lượng cao mở ra hướng đi mới cho thương hiệu gạo Việt, góp phần thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa.
- Khi nhà nghiên cứu được quyền 'thử sai'
- Kỳ vọng đột phá khoa học công nghệ: [Bài 3] Tránh 'quy định mới, vướng mắc cũ'
- Viện lúa ĐBSCL giới thiệu 22 giống lúa cho vụ đông xuân 2024 - 2025
- Giống lúa OM29 tiềm năng cho phân khúc lúa gạo chế biến
Mục tiêu giống lúa vừa chất lượng, vừa phát thải thấp
Trong bối cảnh ngành lúa gạo Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng chất lượng, bền vững và phát thải thấp, công tác lai tạo giống lúa đóng vai trò then chốt, vừa là nền tảng nâng tầm thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế, vừa là yếu tố cốt lõi thực hiện thành công Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Chia sẻ về vai trò của giống lúa trong bức tranh lớn của Đề án, TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhấn mạnh: Giống lúa là yếu tố cốt lõi để hình thành nên mô hình sản xuất giảm phát thải, đảm bảo chất lượng, an toàn cho xuất khẩu. Muốn ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững, trước hết phải có giống tốt, giống phù hợp nhiều phân khúc thị trường.

Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo ông Thạch, hiện nay hệ thống giống của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chất lượng gạo như dẻo, thơm, dinh dưỡng cao. Nhưng yêu cầu trong tương lai còn khắt khe hơn, không chỉ về chất lượng mà còn về khả năng phát thải thấp và thích ứng biến đổi khí hậu. Do đó, việc lai tạo giống cần hướng đến đa mục tiêu về chất lượng gạo cao, phù hợp chế biến, giàu dinh dưỡng, đồng thời thích nghi với canh tác tiết kiệm nước và giảm phát thải khí nhà kính.
Có những giống lúa đạt chất lượng tốt như ngày hôm nay, từ những ngày đầu sau giải phóng, ngành giống lúa nước ta gần như khởi đầu từ con số 0. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn non trẻ, điều kiện nghiên cứu còn hạn chế. Nhưng với sự hỗ trợ của nhà nước và hợp tác quốc tế, đặc biệt là từ Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), Việt Nam đã nhập khẩu những giống lúa ngắn ngày, năng suất cao như IR36, IR64… và bước đầu hình thành nền móng cho chương trình lai tạo giống trong nước.
Năm 1977, Viện Lúa ĐBSCL được thành lập, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành giống lúa Việt Nam. Những năm 1990, công tác lai tạo giống bắt đầu được triển khai bài bản. Đến khoảng năm 2010, Việt Nam đã có thể tự chủ hoàn toàn trong việc lai tạo và phát triển giống lúa.
Không dừng lại ở các phương pháp truyền thống, hiện nay Viện Lúa ĐBSCL và các đơn vị nghiên cứu đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học, công nghệ sinh học phân tử và kể cả công nghệ biến đổi gen trong nghiên cứu giống. Dù chưa đưa giống biến đổi gen ra sản xuất đại trà, Việt Nam đã nắm được công nghệ này, đủ năng lực làm chủ và thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Viện Lúa ĐBSCL đang tập trung tạo ra các giống lúa vừa thơm ngon, phù hợp cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, vừa có khả năng giảm phát thải trong canh tác. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Một xu thế nổi bật hiện nay là đa dạng hóa sản phẩm gạo phục vụ các phân khúc thị trường. Theo ông Thạch, nhu cầu của thị trường thế giới đang đi theo hướng gạo thơm cao cấp, gạo nếp chế biến, gạo Nhật Bản, gạo dinh dưỡng… Chính vì vậy, các viện nghiên cứu đang lai tạo các dòng lúa phù hợp với từng phân khúc này, đồng thời tận dụng công nghệ để rút ngắn thời gian chọn giống, tăng độ chính xác và năng suất chọn tạo.
Viện Lúa ĐBSCL cũng đang tập trung vào việc tạo ra các giống lúa vừa thơm ngon, phù hợp cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, vừa có khả năng giảm phát thải trong canh tác. Bên cạnh đó, đánh giá khả năng phát thải của từng giống lúa để sàng lọc và nhân rộng các giống phát thải thấp và đây là yếu tố sống còn trong mục tiêu tăng trưởng xanh.
Giống tốt đi đôi với sản xuất tiên tiến
Có giống tốt, nhưng nếu không có mô hình canh tác hợp lý thì tiềm năng của giống không thể phát huy. Trong khuôn khổ Đề án 1 triệu ha lúa tại ĐBSCL, bên cạnh chọn giống chất lượng cao, các giải pháp kỹ thuật như quản lý nước ngập - khô xen kẽ (AWD), giảm lượng giống gieo sạ, ứng dụng máy móc hiện đại (máy bay phun giống, máy gieo cụm…) cũng đang được triển khai song hành.

Công tác lai tạo giống lúa đóng vai trò then chốt, là nền tảng nâng tầm thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Hiện nay, Viện Lúa ĐBSCL đã thử nghiệm gieo sạ bằng thiết bị bay không người lái ở mức 60 – 70kg/ha trên quy mô hơn 10ha và đạt kết quả rất khả quan. Sắp tới Viện sẽ mở rộng ra 200ha và báo cáo kết quả cho Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam để áp dụng rộng rãi trong Đề án 1 triệu ha lúa.
Việc giảm lượng giống gieo sạ không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Trước đây, tỷ lệ gieo sạ tại nhiều nơi lên đến 100–150kg/ha nhưng hiện tại nhờ thiết bị hiện đại và nhận thức người dân được nâng cao, nhiều mô hình đã giảm còn 60–70kg/ha mà vẫn giữ vững năng suất.
Một điểm sáng khác là hệ thống sản xuất giống ngày càng được hoàn thiện. Mạng lưới sản xuất giống cấp xác nhận đã được hình thành với sự tham gia của HTX, doanh nghiệp và nông dân. Theo báo cáo, hiện có khoảng 80% nông dân sử dụng giống xác nhận thay vì để lại giống từ vụ trước như trước kia.
Hiện nay, nhà nước đang hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu và sản xuất giống siêu nguyên chủng để chuyển giao cho các doanh nghiệp và HTX tiếp tục sản xuất giống nguyên chủng và xác nhận. Mục tiêu là xây dựng một chuỗi cung ứng giống hoàn chỉnh, đảm bảo chất lượng từ đầu vào cho đến hạt lúa thu hoạch.
Theo TS Trần Ngọc Thạch nhấn mạnh, với nền tảng khoa học công nghệ, đội ngũ nghiên cứu lành nghề và sự hỗ trợ từ nhà nước, ngành giống lúa Việt Nam đang từng bước chinh phục những mục tiêu lớn hơn như tự chủ công nghệ, cung cấp giống phù hợp từng vùng sinh thái, từng mô hình sản xuất và từng phân khúc thị trường.
Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu, đẩy mạnh hợp tác giữa nhà nước, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào giống lúa vì đây là yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.

Giống lúa là chìa khóa mở ra cánh cửa cho thương hiệu gạo Việt trên bản đồ thế giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Những mô hình liên kết giữa các viện, trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực giống lúa không chỉ giúp huy động được nguồn lực tài chính mà còn đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò đầu mối thương mại hóa giống, đồng thời phản hồi nhu cầu của thị trường. Từ đó giúp các viện, trường điều chỉnh định hướng nghiên cứu phù hợp hơn với thực tiễn.
Viện Lúa ĐBSCL kỳ vọng trong thời gian tới, với sự hỗ trợ từ cả khu vực công và tư, Việt Nam sẽ có thêm nhiều nghiên cứu cơ bản, làm nền tảng để đi sâu hơn, từ đó hoàn toàn làm chủ công nghệ giống hiện đại.
Giống lúa là chìa khóa mở ra cánh cửa cho thương hiệu gạo Việt trên bản đồ thế giới, một thương hiệu không chỉ cho hạt gạo thơm ngon, chất lượng mà còn gắn với sản xuất bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây cũng chính là linh hồn của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/giong-tot--nen-tang-xay-dung-thuong-hieu-gao-viet-d751905.html