Không gian kết nối
FAO hiện đại hóa nghề nuôi ong tại Rwanda và Việt Nam qua sáng kiến OCOP
Thứ Hai 14/07/2025 - 13:55
Sáng kiến Mỗi quốc gia một sản phẩm ưu tiên (phiên bản OCOP quốc tế) đang hỗ trợ sinh kế cho nghề nuôi ong lấy mật Rwanda và Việt Nam.
- Dược liệu Pù Mát khát khao chinh phục tầng cao
- Tập huấn giúp nông dân tự tin kể câu chuyện sản phẩm OCOP
- Quy trình đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 2 cấp
- Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống
Patrick Uwingabire là chủ nhiệm của một hợp tác xã gồm 15 thợ nuôi ong tại Huye, có tên Koperative Abavumvu b’ Umwuga ba Huye (KOPAHU). Hợp tác xã được hưởng lợi từ dự án hiện đại hóa ngành ong do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tài trợ.

Anh Patrick Uwingabire, chủ nhiệm hợp tác xã nuôi ong OCOP tại Rwanda được tập huấn và chuyển giao công nghệ sản xuất mật ong hiện đại từ FAO. Ảnh: FAO.
Patrick Uwingabire bắt đầu nuôi ong từ khi mới 11 tuổi. Khi gia đình không đủ khả năng trang trải, nghề nuôi ong đã mở ra một hướng đi cho anh Patrick. "Tôi không đủ điều kiện để đi học. Vì vậy, ong và mật ong đã là kế sinh nha của tôi", anh chia sẻ.
Một trong những mục tiêu của dự án là thay thế các tổ ong truyền thống bằng 35 tổ ong khuôn chữ nhật hiện đại. Những tổ ong này giúp kiểm tra, thu hoạch mật dễ dàng hơn, từ đó nâng cao sản lượng và tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba thu nhập của người nuôi ong.
Patrick và các thành viên hợp tác xã cũng được đào tạo về kỹ năng quản lý, theo dõi tổ ong, kiểm soát sâu bệnh, và nâng cao chất lượng cũng như khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị sản xuất.

Tổ ong khuôn chữ nhật hỗ trợ thợ nuôi ong kiểm tra và thu hoạch mật dễ dàng, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Ảnh: FAO.
"Trước khi được các cán bộ FAO tập huấn, chúng tôi thực tình không biết cách chăm sóc ong," Patrick nói. "Trước đây tôi thu hoạch được khoảng 800-900 kg mật mỗi năm, nhưng giờ năng suất đã lên tới hơn 2 tấn."
Hợp tác xã của anh Patrick còn được trang bị các máy lọc mật ong, phần lớn trong số 120.000 người nuôi ong ở Rwanda chưa từng được sử dụng. FAO đang tích cực thu hẹp khoảng cách cho 9.000 người nuôi ong thông qua việc tập huấn ứng dụng phương pháp và thiết bị hiện đại.
"Chúng tôi thật sự bất ngờ trước hiệu quả của công nghệ mới," Patrick chia sẻ.
Cách xa Rwanda nửa vòng trái đất, tại một vùng núi ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sơn - một người nuôi ong lâu năm - đang theo đuổi con đường tương tự. Dù chưa từng gặp nhau, ông Sơn và Patrick có chung tinh thần đổi mới sáng tạo theo hướng phát triển sản phẩm OCOP.
Đã gắn bó 40 năm với nghề nuôi ong, ông Sơn chia sẻ: "Nuôi ong mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình tôi. Nó vừa có giá trị kinh tế, vừa đem lại sản phẩm hữu ích cho cộng đồng."
Điểm chung giữa Patrick và ông Sơn là cả hai đất nước - Rwanda và Việt Nam - đều đang tích cực tham gia sáng kiến OCOP do FAO khởi xướng, với mật ong được lựa chọn là sản phẩm ưu tiên quốc gia.
Sáng kiến OCOP nhằm nâng cao toàn bộ chuỗi giá trị của sản phẩm có tiềm năng nổi bật. Theo đó, FAO hỗ trợ cải tiến quy trình sản xuất và chế biến mật ong, nhằm tối ưu hóa lợi ích cho người nông dân và các bên tham gia trong chuỗi cung ứng.

Ông Nguyễn Văn Sơn chăm sóc các tổ ong ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Ảnh: FAO.
FAO thúc đẩy các thực hành bền vững với môi trường, giúp giảm phụ thuộc vào hóa chất độc hại và phát triển hệ sinh thái hài hòa. Đồng thời, các chương trình OCOP giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của loài ong, cũng như quá trình thụ phấn, tránh tiêu diệt chúng như loài gây hại.
Sáng kiến OCOP giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu mật ong ra thế giới. Khí hậu của Việt Nam cùng sự phong phú của các loài hoa và trái cây nhiệt đới tạo điều kiện lý tưởng cho loài ong mật châu Á tạo mật có vị ngọt thanh đặc trưng.
Với việc Việt Nam tích cực triển khai sáng kiến OCOP, ông Sơn chia sẻ: "Tôi rất phấn khởi khi mật ong Việt Nam được chọn làm sản phẩm ưu tiên quốc gia để xuất khẩu. Chúng tôi mong muốn phát triển nghề nuôi ong hơn nữa để đưa mật ong Việt ra thế giới".
Ngày 15-16/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp FAO tổ chức Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP. Diễn đàn được tổ chức trong thời điểm hai bên cùng diễn ra các hoạt động hướng đến kỷ niệm 80 năm thành lập tổ chức.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tri-thuc-nong-dan/fao-hien-dai-hoa-nghe-nuoi-ong-tai-rwanda-va-viet-nam-qua-sang-kien-ocop-d762629.html