Thứ năm 01/05/2025 - 15:59
Lăng kính
Đừng lấy danh tài trợ, làm vấy bẩn xương máu cha ông
Thứ Năm 01/05/2025 - 15:34
VNPay dùng danh tài trợ, lấp liếm cho việc quảng cáo nhân dịp mà cả nước tri ân bao thế hệ ngã xuống. Ngay từ đầu, doanh nghiệp này không hề xin lỗi.
"Chúng tôi chân thành cảm ơn những phản hồi của khán giả và xin gửi lời xin lỗi đến cộng đồng nếu buổi tổng duyệt chưa mang lại trải nghiệm trọn vẹn như mong đợi", trích dòng trạng thái trên fanpage của VNPay, đăng lúc 22h12 ngày 29/4. Gần một tiếng trước đó, fanpage với 143.000 người theo dõi, không một lời xin lỗi, mà dường như còn thách thức: “Chúng tôi, xin ghi nhận và rút kinh nghiệm sâu sắc và chân thành cảm ơn những đóng góp ý kiến của khán giả.
Một lần nữa, VNPAY xin cảm ơn sự quan tâm, góp ý và đồng hành của cộng đồng - động lực để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện và lan tỏa nhiều giá trị tích cực hơn nữa".
Xương máu của các thế hệ cha ông, nỗi đau chia cắt, biệt ly hàng chục năm trời của hàng triệu gia đình, không phải là thứ để dành cho quảng cáo. Ngày Chiến thắng, Ngày Giải phóng, bản thân ngày đó là để tri ân hàng triệu người đã nằm xuống, để sẻ chia với hàng triệu gia đình chưa hết nỗi đau chiến tranh.
Những người được may mắn sinh ra sau năm 1975, không trực tiếp trải qua nỗi đau chiến tranh, nhưng cũng cần hiểu các thế hệ trước đã anh dũng, hiên ngang, kiên cường, bất khuất thế nào trước đế quốc Mỹ và đám ngụy quân, ngụy quyền.
Dượng, tức chồng của cô ruột tôi (theo cách gọi ở Quảng Ngãi), là Dũng sĩ diệt Mỹ. Nhưng bản thân ông, cho đến khi qua đời vào năm 2024, chưa từng nói ông mong muốn có được danh hiệu ấy. Ước mơ của vị dũng sĩ, chỉ là có đủ đất cày ruộng, ước có thêm mảnh vườn trồng trọt nuôi gia đình.
Khi được hỏi, lúc ra tay tiêu diệt lính Mỹ, ông thấy thế nào, dượng trầm ngâm hồi lâu rồi đáp: "Tao không muốn hạ sát chúng nó. Nhưng nó giết người thân mình, đốt nhà mình. Không tiêu diệt, thì sẽ có các gia đình khác ở Quảng Ngãi này phải chịu đau thương".
Bám đuổi lính Mỹ, ngụy cả tuần trời trong rừng, dượng và các đồng đội chỉ có quần đùi, áo mỏng, kèm con dao găm. Đám lính Mỹ với đầy đủ lương thực, súng ống, thậm chí trang bị cả thuốc đuổi muỗi, chống côn trùng, gài mìn xung quanh lều trại. Chúng nghĩ sẽ yên thân để tiếp tục gây tội ác. Không ngờ rằng những du kích Quảng Ngãi, mình trần chống chịu muỗi, vắt, ăn quả uống nước suối cầm hơi, chỉ trong một đêm tiêu diệt hết cả tiểu đội Mỹ.
Dượng tôi bảo: "Bọn nó mệt, đi cả tuần nên ngủ say. Tụi tao đứng từ xa biết hết bọn nó gài mìn ở đâu. 2h sáng tụi tao mò vào, lính canh còn ngủ. Một tay dùng dao găm cứa cổ, một tay bịt mồm. Bò tiếp vào lều, rờ thấy cái cổ to, nhiều lông là biết lính Mỹ. Tiêu diệt nó dễ thôi”.
Bà nội tôi, suốt 21 năm trời sống dưới ách bạo tàn của Mỹ, ngụy. 21 năm xa chồng, xa con trai đi tập kết ra Bắc. Một tay bà vẫn nuôi dạy 3 người con còn lại. Cô thứ, sau ba tôi, mất vì bệnh. Cô út mới 14 tuổi đã lên rừng theo cách mạng. Còn lại chú tôi năm ấy mới 4 tuổi. Đám ngụy quân dẫn lính Mỹ đi càn, vào tận nhà ông bà nội tôi để lùng bắt cán bộ. Không tìm được gì, chúng giẫm đạp đứa trẻ 4 tuổi đến chết chỉ vì “con nhà Việt Cộng".
Bà nội tôi đi chợ về, chỉ kịp nhặt xác con. Bất cứ trong tỉnh, huyện, xã có chuyện gì, bà lại bị lũ ngụy quân lại bắt giam, tra tấn: “Chồng con bà dẫn cộng sản về phá làng phá xóm”. Làng xóm nào bị cộng sản phá? Hay làng xóm tan hoang dưới gót giày Tự do, Dân chủ và đám lính ngụy lĩnh đồng lương tanh máu đồng bào?
Trong cảnh ấy, bà tôi nghiện rượu. Bà cũng là tay buôn rượu và thuốc nổi tiếng. Mua đầu chợ, bán cuối chợ, không có tiền làm sao nuôi con. Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay năm 2000, những vết thương do bị Mỹ, ngụy tra tấn vẫn hành hạ bà. Trước khi mất một ngày, bà vẫn mong có một chén rượu cho bớt đau.
Sau ngày Giải phóng, ông nội tôi về quê, vẫn tự tay cứu chữa cho con cháu những kẻ ác ôn, chỉ điểm năm xưa đã giam giữ, tra tấn vợ mình. Dượng tôi, trong một lần dự lễ trong làng, từng dí súng thẳng vào một tên ác ôn, chỉ điểm: "Tao bắn chết mày ở đây, không ai nói gì. Nhưng tao tha cho mày sống, để đền tội với bà con".
Trên đất nước Việt Nam này, còn hàng triệu gia đình như thế, và còn đau thương hơn thế. Ngày Giải phóng, còn là để động viên, sẻ chia, biết ơn cả triệu người đã vì non sông thống nhất, mà gạt đi nỗi đau riêng.
Không truyền thông, không quảng cáo nào được phép đứng trên xương máu, đứng trên nỗi đau của đồng bào. Nếu không có những người hy sinh, những người chịu đớn đau hành hạ đến tận khi qua đời, liệu có ngày hôm nay để VNPay thách thức dư luận? Quảng bá giá trị Việt Nam, vì sao không phải là những hình ảnh, những lời tri ân thế hệ đi trước?
Trong những ngày đất nước nghiêng mình trước lịch sử, cúi đầu tưởng nhớ các anh hùng dân tộc đã ngã xuống trên hành trình thống nhất vĩ đại của dân tộc, bầu trời TP Hồ Chí Minh lại bị biến thành cái bảng hiệu nhấp nháy cho VNPay rêu rao thương hiệu.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/dung-lay-danh-tai-tro-lam-vay-ban-xuong-mau-cha-ong-d751037.html