Thứ sáu 23/05/2025 - 06:36
Thú y
Doanh nghiệp 'khát' nhân sự thú y
Thứ Sáu 23/05/2025 - 06:27
Do nguồn cung nhân lực thú y hạn chế, đồng thời yêu cầu tuyển dụng cao và thị trường lao động cạnh tranh khiến doanh nghiệp khó giữ chân người giỏi.
- Bài toán nhân lực ngành thú y: [Bài 2] Thú y bao giờ bằng nhân y?
- Bài toán nhân lực ngành thú y: [Bài 3] Đào tạo đi sâu vào 'chất'
- Cá tra sạch bệnh nhờ thú y ‘bắt mạch’ từ con giống
- Bài toán nhân lực ngành thú y: [Bài 1] Cung chưa đủ cầu

Sinh viên đang thực hành tại bệnh xá thú y của trường Đại học Cửu Long. Ảnh: Hồ Thảo.
Yếu tố chiến lược trong doanh nghiệp
Tại Công ty TNHH Thuốc thú y Á Châu (Achaupharm), một trong những doanh nghiệp đầu ngành với gần 30 năm hoạt động và đội ngũ nhân sự thú y luôn được xác định là “sức mạnh nội lực”, góp phần quan trọng vào mọi thành tựu của công ty.
Hiện, công ty có gần 300 cán bộ, nhân viên, trong đó khoảng 40% là nhân sự thuộc lĩnh vực thú y, được phân bổ tại các bộ phận từ nghiên cứu - kiểm nghiệm, sản xuất – kỹ thuật, đến kinh doanh – thị trường và quản lý. Họ đảm nhiệm các mảng công việc then chốt như R&D, kiểm soát chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý chuyên môn, cho thấy vai trò “xương sống” của đội ngũ này trong toàn bộ chuỗi giá trị của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Mai Thảo, Phó Tổng Giám đốc Achaupharm cho biết, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung nhân lực hạn chế, yêu cầu chuyên môn và kỹ năng cao, trong khi thị trường lao động cạnh tranh gay gắt và khó giữ chân người tài.
Công ty đang tăng cường kết nối với các trường đại học, triển khai chương trình đào tạo nội bộ chuyên sâu, đồng thời cải thiện chính sách phúc lợi để thu hút và duy trì đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, đơn vị cũng mở rộng tuyển dụng cả những nhân sự từ ngành khác, đặc biệt ở các vị trí nghiên cứu, kỹ thuật cao và quản lý.

Doanh nghiệp xác định lực lượng thú y là yếu tố then chốt để phát triển. Ảnh: Hồ Thảo.
Theo Phó Tổng Giám đốc Achaupharm để ngành thú y phát triển vững mạnh và lâu dài, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, các trường đào tạo và các bên liên quan. Cụ thể, nâng cao nhận thức của người dân, cải thiện môi trường làm việc cho nhân lực ngành thú y và tăng cường đầu tư vào công tác đào tạo để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong và ngoài nước.
Rào cản đào tạo nhân lực
Theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Quyên, Trưởng Khoa Nông nghiệp và Thủy sản, Trường Đại học Cửu Long, hiện cả nước đang thiếu khoảng 3 triệu nhân lực trong ngành thú y, do ngành chăn nuôi ngày càng hiện đại hóa, chuyển sang mô hình khép kín đòi hỏi vai trò của bác sĩ thú y trong kiểm soát dịch bệnh và sức khỏe vật nuôi ngày càng cao.
Tuy nhiên, nhận thức xã hội về ngành thú y vẫn còn hạn chế. Phụ huynh cho rằng học thú y chỉ đơn thuần là chữa bệnh cho động vật hoặc làm các công việc giản đơn liên quan đến chăn nuôi, dẫn đến việc không ít học sinh dù yêu thích nghề vẫn gặp sự phản đối từ gia đình.
“Thực tế, các bạn sau khi tốt nghiệp ra trường có thể làm việc tại các vị trí như kỹ sư chăn nuôi, chuyên viên phòng thí nghiệm, chuyên viên kiểm soát dịch bệnh với mức lương khởi điểm từ 7 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ chăm sóc thú cưng như spa, cắt tỉa, tắm rửa thú cưng cũng đang bùng nổ, giúp sinh viên có thể kiếm thêm thu nhập ngay khi còn đi học.
Chưa kể, các thị trường lao động quốc tế như Nhật Bản, Đức cũng đang khan hiếm bác sĩ thú y, điều này mở ra cơ hội xuất ngoại cho các bạn mới ra trường”, Trưởng Khoa Nông nghiệp và Thủy sản, Trường Đại học Cửu Long cho biết.

Sinh viên năm thứ 3 đang thực hiện thí nghiệm trong chương trình học thú y. Ảnh: Hồ Thảo.
Bà Nguyễn Thị Mai Thảo, Phó Tổng Giám đốc Achaupharm nhận định, nhu cầu tuyển dụng nhân sự thú y sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 3–5 năm tới. Những vị trí thiếu hụt nghiêm trọng gồm: kỹ sư chăn nuôi – thú y tại trang trại, nhân viên kinh doanh & tư vấn kỹ thuật, chuyên gia nghiên cứu và kiểm nghiệm chất lượng.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/doanh-nghiep-khat-nhan-su-thu-y-d752824.html