Thứ bảy 17/05/2025 - 14:46
Chính trị
Doanh nghiệp gian dối có thể bị xử lý hình sự
Thứ Bảy 17/05/2025 - 14:42
Dự luật mới chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm chất lượng hàng hóa, siết trách nhiệm doanh nghiệp, cho phép khởi kiện tập thể và xử lý hình sự nếu vi phạm.
- Kinh tế tư nhân được hưởng nhiều cơ chế đặc biệt
- Cần thể chế hóa đầy đủ 'cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch'
- Hai bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc chuyển hướng sang hậu kiểm trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ đi kèm với chế tài nghiêm khắc, bao gồm thu hồi giấy phép, tước quyền tự công bố và xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình ý kiến đại biểu tại Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.
Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 17/5, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo luật lần này thực hiện bước chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng cho khoảng 90-95% sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được tự công bố hợp quy, tự xác định tiêu chuẩn áp dụng tùy theo mức độ rủi ro. Các sản phẩm có nguy cơ thấp sẽ chịu hậu kiểm với tần suất thấp hơn, đặc biệt nếu doanh nghiệp có uy tín và ít vi phạm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, hậu kiểm không đồng nghĩa với việc buông lỏng quản lý, mà là đặt ra yêu cầu cao hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp. “Nếu phát hiện hành vi gian dối, doanh nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm: thu hồi giấy phép, công khai vi phạm trên nền tảng số, tước quyền tự công bố, và trong trường hợp nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Hùng nói.
Dự luật cũng bổ sung quy định về quyền khởi kiện tập thể đối với sản phẩm kém chất lượng lưu hành rộng rãi, nhằm tăng cường sức ép pháp lý và trách nhiệm bồi thường thiệt hại từ phía nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc người bán. Đồng thời, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ có trách nhiệm chuyển thông tin vi phạm cho cơ quan quản lý để kịp thời cảnh báo rủi ro.
“Việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là xu hướng quản lý hiện đại, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo bảo vệ người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế”, Bộ trưởng nói thêm.
Kiến nghị quản lý chặt sản phẩm ảnh hưởng sức khỏe, siết quảng cáo “giảm cân cấp tốc”
Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) nhấn mạnh rằng việc kiểm soát chất lượng sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân là vô cùng cấp thiết. Bà cho biết, thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm chức năng giả cho thấy mối đe dọa từ những sản phẩm kém chất lượng vẫn đang tồn tại hàng ngày.
Từ đó, bà đề xuất nhóm sản phẩm như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, sữa và vitamin cho trẻ dưới 36 tháng tuổi cần được quản lý nghiêm ngặt. Các sản phẩm này nên bắt buộc phải đăng ký và nộp hồ sơ công bố kèm nghiên cứu, được cơ quan chuyên môn thẩm định trước khi lưu hành.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu đề nghị cấm hoàn toàn các hình thức quảng cáo phóng đại công dụng, đặc biệt là những cụm từ gây hiểu nhầm như “chữa khỏi bệnh” hay “giảm cân cấp tốc”. “Cần xử phạt nặng, đình chỉ lưu hành, truy cứu trách nhiệm hình sự và yêu cầu bồi thường nếu sản phẩm gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng”, bà Thu nhấn mạnh.
Bà cũng cho rằng, việc cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm mà không cần chờ phê duyệt chuyên môn là kẽ hở khiến hàng giả, hàng nhái tràn lan mà nhiều năm sau mới bị phát hiện. “Hiện cơ quan quản lý chỉ kiểm tra hồ sơ doanh nghiệp nộp, trong khi doanh nghiệp có thể khai không trung thực. Đây là điều cần phải điều chỉnh trong dự thảo luật lần này”, bà đề nghị.
Đề xuất xây dựng cơ chế hậu kiểm chủ động và hiệu quả hơn
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, cho rằng dự thảo luật hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết về một cơ chế hậu kiểm thực sự chủ động và hiệu quả. Bà nhắc lại tinh thần của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị: "Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát". Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác hậu kiểm còn mang tính hình thức, thiếu hệ thống cảnh báo và công cụ phân tích rủi ro.
Theo bà, số lượng sản phẩm tự công bố ngày càng nhiều trong khi lực lượng hậu kiểm mỏng, thiết bị kỹ thuật lạc hậu, thiếu kết nối dữ liệu và công cụ phân tích khiến việc kiểm tra chất lượng không đạt hiệu quả như mong đợi.
Hiện dự thảo quy định việc kiểm tra chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu vi phạm hoặc phản ánh từ các cơ quan, tổ chức hoặc người tiêu dùng. Cách tiếp cận này, theo bà Hà, là quá thụ động, không phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro.
Bà đề xuất xây dựng một cơ chế hậu kiểm dựa trên phân tích rủi ro, ưu tiên giám sát nhóm sản phẩm nguy cơ cao hoặc các doanh nghiệp từng vi phạm. Đồng thời, cần tạo hành lang pháp lý để các tổ chức xã hội, đặc biệt là hội bảo vệ người tiêu dùng, có thể tham gia giám sát, kiến nghị thu hồi sản phẩm và công khai vi phạm.
“Cần chuyển cơ chế hậu kiểm từ thụ động sang chủ động, có kế hoạch rõ ràng, dựa trên dữ liệu và phản ánh từ nhiều nguồn, thay vì chỉ xử lý khi đã có vi phạm xảy ra”, bà nhấn mạnh.
Dự kiến, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự án luật vào ngày 16/6 tới.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/doanh-nghiep-gian-doi-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-d753661.html