| Hotline: 0983.970.780

Đổ hơn 100 tỉ đồng xây 'Bảo tàng làng nghề gốm Việt'

Thứ Sáu 12/06/2020 , 09:01 (GMT+7)

Tính cách chị lúc nào cũng như ngọn lửa 1.300 độ C trong cái lò bầu truyền thống đốt bằng củi của Bát Tràng, lôi cuốn người khác vào tận cùng đam mê gốm Việt…

Chị Hà Thị Vinh đang thuyết trình về Trung tâm với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Trần Thanh Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Hà Thị Vinh đang thuyết trình về Trung tâm với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Trần Thanh Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

16 đời gia truyền làm gốm

Trên mảnh đất 3.300m2, một quần thể kiến trúc hình tròn cách điệu của cái lò bầu truyền thống được dựng lên, một mặt hướng vào làng, một mặt ngoảnh ra dòng kênh Bắc Hưng Hải. Đó chính là Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt - một bảo tàng sống động của các làng nghề Việt mà tập trung chính vào gốm sứ.

Tôi tin chắc rằng nó sẽ không bị ế ẩm như số phận của bảo tàng Hà Nội bởi chủ nhân, chị Hà Thị Vinh - Giám đốc công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh là đời thứ 15 của dòng họ làm gốm lâu đời nhất đất Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) còn các con chị dù có du học ở Tây, ở Tàu cũng vẫn về gánh vác nghiệp tổ, thành đời thứ 16.

Hồi còn là một cán bộ của Xí nghiệp sứ Bát Tràng chị rất năng nổ, được việc, bỗng nhiên xin nghỉ nên lãnh đạo nhất định không cho khiến phải năn nỉ mãi: “Các anh cho em về để cứu đói cho gia đình bởi em có 3 con nhỏ trong khi chồng là thương binh bị chấn thương sọ não, kinh tế rất khó khăn! Ở đâu thì em cũng cống hiến cho nghề gốm mà thôi”. Nói mãi rồi lãnh đạo cũng phải xuôi.

Chị về thành lập ngay một tổ hợp gốm xứ mỹ nghệ vào năm 1989. Khó khăn bộn bề. Thủa ấy lo chuyện cơm no, áo ấm đã khó nhưng chị đã định hướng ngay là phải xuất khẩu.

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi Nhà nước “cởi trói” cho nhiều thành phần kinh tế bung ra, chị giải tán tổ hợp để thành lập Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh.

Giờ công ty ấy đã được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ còn bà chủ được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

Từ nóc của Trung tâm hướng về dòng kênh Bắc Hưng Hải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ nóc của Trung tâm hướng về dòng kênh Bắc Hưng Hải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị tâm sự: “Tiếng là tinh hoa bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút một lượng lao động rất đông nhưng nền kinh tế của các làng nghề lại thường yếu thế nhất. Tại sao các làng nghề với những nghệ nhân giỏi, rất chăm chỉ nhưng mà vẫn nghèo?

Thứ nhất là bởi chưa biết cách xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường; Thứ hai là bởi chưa sản xuất ra thứ mà thị trường cần, chạm vào được cảm xúc của người mua chứ không phải cái mà mình đang có sẵn.

Nếu các làng nghề không có sự đổi mới sáng tạo, không có nơi để hỗ trợ cho con cháu phát triển truyền thống là có lỗi với tiền nhân”.

Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt là bài toán cuộc đời mà chị đánh cược tất cả vào với bao ước mơ, khát khao từ hồi còn trẻ.

Kinh phí xây dựng của nó giờ đã vượt 130 tỉ đồng, gấp đôi, gấp ba so với dự tính ban đầu, chưa kể đến giá trị đất nhưng dù khó khăn mấy chị cũng không lùi bước.

Nếu ai cũng chờ đợi những chương trình trợ giúp to tát của Nhà nước nhưng không biết bao giờ sẽ được thực hiện thì những làng nghề nổi tiếng đã điêu tàn, những nghệ nhân tinh hoa đã không còn thế hệ để tiếp nối.

Khối kiến trúc cách điệu của lò bầu cổ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khối kiến trúc cách điệu của lò bầu cổ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ở đây có khu các làng nghề tiêu biểu của đất Việt, có trại sáng tác, có khu đổi mới sáng tạo, có bảo tàng gốm diễn tả lại toàn bộ quy trình làm nghề, có khu trưng bày các tác phẩm của các nghệ nhân.

Để phục vụ cho mục đích xuất khẩu tại chỗ, 50 gian hàng cũng sẵn sàng cho các làng nghề quảng bá sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của mình.

Hà Nội có 6 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao năm 2019 đang đề đạt với Trung ương để công nhận thì riêng chị có tới 4 sản phẩm. 

Đã từng sang Nhật để học về chương trình OVOP (mỗi làng một sản phẩm), sang Thái Lan học về OCOP, thấy thiên hạ làm hay quá nên chị cũng muốn giúp những nhà sản xuất ở vùng sâu, vùng xa của các làng nghề Việt bước ra được thị trường một cách nhanh nhất: “Tôi lập ra Trung tâm này không vì lợi nhuận mà để cống hiến cho xã hội bởi bản thân đã có nhà máy gốm đạt OCOP 5 sao với 95% sản phẩm được xuất khẩu sang hơn 20 nước, các con tôi đang theo nghề của mẹ và làm rất say mê.

Tôi không cần tiền hỗ trợ của Nhà nước mà chỉ cần chính sách sao cho Trung tâm có thể vận hành trơn tru”.

Gốm thấu quang, sản phẩm độc đáo của nghệ nhân Bát Tràng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gốm thấu quang, sản phẩm độc đáo của nghệ nhân Bát Tràng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nuôi dưỡng những đam mê  

Thầy Đặng Đình Lâm - Nguyên hiệu trưởng Trường Thủ công Mỹ nghệ của Hà Tây cũ kể với tôi rằng lúc đầu được bầu chị Vinh nhất định không nhận chức Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội nhưng mọi người “ép” nếu chị không nhận thì họ sẽ không tham gia: “Tôi khâm phục chị Vinh bởi vừa có tâm lại vừa có tầm mới dám nghĩ, dám làm Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt.

Nhiều làng nghề hiện nay đang bị mất đi bởi không nối tiếp được thế hệ, không biết đứng trên vai các thế hệ tiền nhân. Ông bà, bố mẹ làm nghề nhưng đến con cháu, do không tạo được đam mê cho chúng nên hầu hết đã bỏ nghề.

Bởi thế doanh nghiệp nào sống được chính là biết nuôi đam mê cho các thế hệ trẻ. Trung tâm này chính là nơi truyền lại sự đam mê về nghề gốm. Nếu như bên trong các làng nghề, sự phát triển chỉ đơn lẻ thôi thì giờ tụ họp ở đây có thể kể về câu chuyện lịch sử của mình, vừa giữ được bản sắc văn hóa, vừa thu hút khách du lịch đến mua hàng tại chỗ”.

Bàn tay tài hoa của người thợ trẻ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bàn tay tài hoa của người thợ trẻ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trăn trở với nghề, vừa rồi chị Vinh có tìm đến Đại học Mỹ thuật Công nghiệp để xem các sinh viên trong những khoa, ngành gốm, sơn mài, thêu…học hành thế nào thì thấy chúng chẳng nên cơm cháo gì cả: “Các em chỉ thích thi vào may, thi vào thời trang bởi những khoa ấy khi ra trường là có việc luôn còn chán vào các khoa mỹ nghệ vì không có cơ hội xin việc. Đó là một nguy cơ mất đi bản sắc văn hóa dân tộc.

Bởi thế tôi đã bàn với lãnh đạo của trường có bao nhiêu sinh viên khoa gốm cần thực hành cứ đến đây. Các em đó sau này có thể bán những đề tài nghiên cứu của mình, có thể trở thành các ông, bà chủ của những doanh nghiệp gốm sứ hoặc cũng có thể xin việc luôn tại đây.

Ngoài ra, Trung tâm cũng là nơi đào tạo tay nghề cho những lao động trong ngành gốm của cả nước một cách miễn phí.

Là sân chơi cho các nghệ nhân, các giảng viên đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra các ý tưởng sáng tạo, trợ giúp cho các thế hệ trẻ phát triển nghề gốm”.

Kiến trúc độc đáo hình lộn ngược. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kiến trúc độc đáo hình lộn ngược. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chỉ mảnh đất hoang bên bờ kênh Bắc Hưng Hải sát với mặt tiền của Trung tâm, chị bảo vừa xin xí nghiệp thủy lợi giao cho quản lý với thời hạn 5 năm để cải tạo thành những thứ có ích.

Tại đây, một chợ phiên cuối tuần với ăm ắp là các hàng gốm sứ. Tại đây, một bến tàu nhỏ chạy xuôi lên Hà Nội qua đường sông Hồng chở khách du lịch để kể về câu chuyện làng nghề Bát Tràng mấy trăm năm không bao giờ tắt lửa.

Chị Hà Thị Vinh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Hà Thị Vinh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam: “Tiền bạc, công danh sau này cũng trả về với trời đất hết nhưng cái để lại của chị Vinh sẽ là những thứ giúp ích cho đời. Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xin với Chính Phủ một đề án bảo tồn, phát triển các làng nghề Việt Nam nên chúng tôi đến các làng nghề như Bát Tràng xem thực tế để về xây dựng đề án. OCOP chính là làng nghề, sản phẩm của OCOP sẽ không cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp mà phải đi sâu vào lợi thế thủ công, sáng tạo độc nhất. Phải nâng Trung tâm này thành nơi không chỉ là làng nghề tinh hoa đồ gốm quốc gia mà thành làng nghề di sản gốm của cả thế giới”.

Xem thêm
Rủ nhau đi mò trai bắt ốc, một học sinh lớp 7 đuối nước tử vong

QUẢNG NINH Trên địa bàn phường Vàng Danh (TP Uông Bí, Quảng Ninh) vừa xảy ra vụ đuối nước khiến một học sinh lớp 7 tử vong khi cùng nhóm bạn đi mò trai, bắt ốc.