Thứ ba 06/05/2025 - 10:56
Đất đai
Điều tra đất đai bài bản, bảo vệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên
Thứ Ba 06/05/2025 - 10:53
Với thông tin đầy đủ về chất lượng đất, địa phương sẽ quy hoạch, bố trí hiệu quả tài nguyên đất để sử dụng và bảo vệ.
- Phát triển nông nghiệp bền vững từ chính sách đất đai
- Sắp xếp xã, đảm bảo thông suốt thủ tục hành chính về đất đai
- Gỡ vướng các dự án đất đai theo cơ chế đặc thù
Thiếu thông tin về chất lượng đất, tiềm năng đất đai
Theo Luật Đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng và địa phương theo định kỳ 5 năm một lần và theo chuyên đề.
Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức thực hiện tổng điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai toàn quốc, hoàn thành điều tra, đánh giá thoái đất của cả nước và 6 vùng kinh tế - xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác điều tra, đánh giá đất đai ở địa phương.
Kết quả điều tra, đánh giá đất đai đã phản ánh tổng quan thực trạng, nguyên nhân thoái hóa đất để từ đó đề xuất các giải pháp bảo vệ, ngăn ngừa thoái hóa đất, phục vụ cho công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất góp phần vào việc sử dụng đất hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, công tác điều tra, đánh giá đất đai theo giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 mới tập trung thực hiện điều tra, đánh giá thoái hóa đất, điều tra, chất lượng đất, tiềm năng đất đai của cả nước, các vùng kinh tế, xã hội do Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện. Công tác điều tra, đánh giá đất đai ở các địa phương định kỳ theo Luật Đất đai chưa được UBND cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực đúng mức dẫn đến tình trạng thiếu thông tin về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất nên việc bố trí đất sử dụng cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp chưa hợp lý, hiệu quả sử dụng thấp; chưa xác định được các khu vực đất đang bị thoái hóa, bị ô nhiễm và không có biện pháp bảo vệ, cải tạo, cảnh báo, ngăn chặn.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương sử dụng kết quả điều tra, đánh giá thoái hóa đất, chất lượng đất và tiềm năng đất đai làm căn cứ để lập, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất các cấp. Ảnh minh họa.
Làm căn cứ để lập, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất các cấp
Để đẩy mạnh hoạt động điều tra, đánh giá đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có Công văn gửi UBND các các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chính.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng kế hoạch, đề xuất kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện điều tra, đánh giá đất đai giai đoạn 2026-2030 theo quy định.
Việc điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai nhằm xác định các khu vực đất có chất lượng tốt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đánh giá đúng tiềm năng đất đai phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội làm căn cứ chuyển đổi mục đích sử dụng đất; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến chất lượng tài nguyên đất đai; xác định các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ và cải tạo đất, các giải pháp về quản lý, sử dụng đất bền vững và đề xuất định hướng sử dụng đất.
Đồng thời, điều tra, đánh giá thoái hóa đất nhằm xác định diện tích đất bị thoái hóa, theo các loại hình thoái hóa; xác định cụ thể nguyên nhân cũng như xu thế và các quá trình thoái hóa đất làm cơ sở đề xuất giải pháp cải tạo, phục hồi và khai thác sử dụng đất bền vững.
Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất nhằm xác định những khu vực đất bị ô nhiễm và cảnh báo những khu vực đất bị ô nhiễm hoặc có nguy cơ ô nhiễm (cận ô nhiễm) mới phát sinh; đề xuất các biện pháp ngăn ngừa, khoanh vùng, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm; Điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề (nếu có).
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương sử dụng kết quả điều tra, đánh giá thoái hóa đất, chất lượng đất và tiềm năng đất đai làm căn cứ để lập, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất các cấp.
Đồng thời các tỉnh cần quan tâm bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện các nội dung nhiệm vụ điều tra, đánh giá đất đai ở địa phương.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cần thực hiện rà soát, báo cáo về tiến độ, kết quả thực hiện các dự án, nhiệm vụ điều tra, đánh giá đất đai giai đoạn từ khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực đến nay. Báo cáo gửi về Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao giao Cục Quản lý đất đai đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về điều tra, đánh giá đất đai theo Luật Đất đai năm 2024 cho các địa phương.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/dieu-tra-dat-dai-bai-ban-bao-ve-su-dung-hieu-qua-tai-nguyen-d751611.html