Thứ sáu 23/05/2025 - 15:49
Nông thôn mới
Điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở Quan Sơn
Thứ Sáu 23/05/2025 - 15:40
Xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Quan Sơn tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao đời sống người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
- Từ người nông dân đa nghề đến 'hạt nhân' nông thôn mới ở Mường Cơi
- Điểm sáng vùng biên: [Bài 3] Điểm nóng ma túy về đích nông thôn mới
Quan tâm tới người yếu thế trong xã hội
Là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, trong những năm qua huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã chú trọng xây dựng nông thôn mới để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong đó, tập trung xây dựng nông thôn mới ở xã Mường Mìn, với những mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, hỗ trợ con giống, cây giống cho người dân, cứng hóa bê tông từ nhà ra ngõ, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ còn khó khăn để xóa nhà tạm, nhà dột nát…
Đến nay, Mường Mìn đã cơ bản đạt chuẩn các tiêu chí theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới giai đoạn 2024- 2025.
Mường Mìn là một xã biên giới, giáp với nước bạn Lào, trước đây điều kiện kinh tế rất khó khăn, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn. Trong giai đoạn 2020-2025, chính quyền huyện Quan Sơn chọn xã Mường Mìn để tập trung xây dựng nông thôn mới, với nhiều cách làm hay, sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó phải kể đến tính nhân văn trong cuộc vận động hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở đang được triển khai rộng rãi trên cả nước, trong đó có huyện Quan Sơn.
Những người yếu thế trong xã hội như ông Vi Văn Lui (SN 1970), bản Luốc Làu, xã Mường Mìn, cả cuộc đời cũng không dám mơ đến một ngôi nhà kiên cố, để bão thực sự dừng sau cánh cửa. Sinh ra đã bị khuyết tật đặc biệt nặng, bố mẹ mất từ lâu, một mình ông Lui lầm lũi trong căn nhà xiêu vẹo bên triền đồi. Cuộc sống chật vật khó khăn, dựa hoàn toàn vào hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng của Nhà nước.

Ngôi nhà cũ xiêu vẹo bên sườn núi của ông Vi Văn Lui. Ảnh: Thanh Tâm
Nói là căn nhà cho sang, chứ chỉ là vài tấm gỗ tạp dựng lên rộng chừng 10m2, phía trên lợp Fibro Xi Măng. Mùa hè nóng như lò nung, mùa đông gió lùa qua khe hở lạnh thấu xương. Ông cứ sống như ngọn đèn lay lắt trước gió, nơi núi rừng trùng điệp.
Khi được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng làm nhà, con cháu trong gia đình người có sức góp công, người góp của xây dựng cho ông Lui một căn kiên cố, có phòng khách, phòng ngủ, bếp và vệ sinh khép kín. Thế là mỗi khi đêm đến, mưa dông sấm chớp ông Lui đã có thể an tâm ngủ ngon. Người em trai của ông cũng đỡ vất vả mỗi đêm mưa gió, phải lục đục nhờ người bế ông lên xe chở về trong bản.
Chẳng nói được nhiều, vì quá xúc động, ông Lui rưng rưng “Bố mẹ tôi đã mất từ lâu, may mắn được Nhà nước hỗ trợ xây nhà chứ cả đời tôi đến mơ cũng không dám. Nay mưa hay nắng cũng đã có thể an tâm”.

Ông Lui bên căn nhà mới kiên cố, không còn phập phồng lo lắng khi mưa bão đến. Ảnh: Thanh Tâm
Nắm đôi bàn tay tàn tật của ông Lui, cảm nhận được sự bồi hồi xúc động khó nói nên lời. Còn đôi chân ông đã sưng phù vì bệnh tật chỉ thập thững vài bước đi khó nhọc quanh ngôi nhà nhỏ. Người đàn ông yếu thế, đã đi qua hơn nửa đời người, sang dốc bên kia của cuộc đời nay đã có chỗ ở ổn định, đã không bị bỏ lại phía sau trong cuộc vận động đầy ý nghĩa của Đảng và Nhà nước.
Lên xe chuẩn bị rời đi, ngoái nhìn lại vẫn thấy ông dõi theo chúng tôi, với ánh mắt xa xăm, nửa mừng nửa tủi. Có lẽ vì tủi phận cho thân thể khiếm khuyết và một phần đã an tâm có chỗ ở ổn định khi về già.
Ông Phạm Bá Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Mìn chia sẻ: “Trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương ngoài chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng các tiêu chí đạt chuẩn, UBND xã đặc biệt quan tâm tới cải thiện đời sống cho các hộ nghèo, nhất là những người yếu thế trong xã hội. Trường hợp của ông Vi Văn Lui là hộ được bổ sung phút chót, trong danh sách hỗ trợ xây dựng nhà ở năm 2025. Ai cũng phấn khởi, khi một người khuyết tật đặc biệt nặng như ông Lui có một ngôi nhà kiên cố để ở. Xây dựng nông thôn mới ở địa phương với quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trăn trở xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao
Bản Chiềng, xã Mường Mìn cũng vừa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào tháng 1/2025. Đường vào bản Chiềng được mở rộng từ 3mét lên 7mét, nay rộng rãi, khang trang. Có 11 hộ gia đình đã tình nguyện hiến đất, phá bỏ tường rào để mở rộng đường giao thông trong bản. Bản Chiềng cũng đã bê tông hóa 100%, có sân bóng, có khu vui chơi cho trẻ em. Năm 2024 bản Chiềng có tới 23 hộ thoát nghèo, hiện chỉ còn 1 hộ nghèo.

Bản Chiềng, xã Mường Mìn đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Thanh Tâm
Việc hỗ trợ cây giống, con giống cũng tạo tiền đề, động lực để bà con phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công tại địa phương.
Đơn cử như hộ gia đình anh Phạm Bá Hoàng, 45 tuổi, bản Chiềng được hỗ trợ 6 con dúi giống. Từ đó anh nhân rộng mô hình nuôi dúi thương phẩm. Năm 2024 anh Hoàng bán được 180kg dúi thịt, lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Dúi là con vật không khó nuôi, thức ăn chủ yếu là tre, luồng có sẵn tại địa phương. Hàng ngày anh Hoàng tranh thủ lên đồi chặt về, rồi chẻ thành các khúc nhỏ cho dúi ăn. Gia đình anh Hoàng cũng đã thoát nghèo, vừa động thổ xây dựng nhà kiên cố.

Anh Hoàng thành công với mô hình nuôi dúi thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Tâm
Quá trình xây dựng nông thôn mới ở các xã và huyện vùng cao không chỉ làm thay đổi cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí như điện, đường, trường, trạm mà quan trọng hơn hết là thay đổi đời sống vật chất của người dân. Tạo động lực, tiền đề để người dân vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Trăn trở trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại huyện miền núi Quan Sơn của Bí thư Huyện ủy Lương Thị Hạnh chính là cần nguồn lực lớn để để đầu tư cơ sở hạ tầng vì diện tích rộng, dân cư phân bố rải rác. Quỹ đất ở hạn chế, vì vậy để di dời các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao rất khó khăn. Tiêu chí nước sạch cũng là một bài toán ở các xã miền núi, đa phần các hộ đều mua máy lọc nước phục vụ ăn uống tại nhà, chưa thể dùng trong tất cả sinh hoạt hàng ngày, vì vậy tính bền vững chưa cao.
“Đặc biệt là về tiêu chí giảm nghèo đa chiều, nhiều hộ thu nhập đạt để thoát nghèo nhưng lại chưa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản thiết yếu như tiếp cận với giáo dục, y tế, công nghệ thông tin. Nhiều hộ các thành viên trong gia đình đã nhiều tuổi chưa tiếp cận được các dịch vụ công cũng như công nghệ thông tin theo bộ tiêu chí chuẩn nông thôn mới”, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn chia sẻ.

Nhiều hộ gia đình ở Quan Sơn được hỗ trợ xây dựng nhà ở, thoát nghèo có cuộc sống ổn định. Ảnh: Thanh Tâm
Trong xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Huyện ủy Quan Sơn đã phân công các đảng viên đang làm việc ở cấp huyện về sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản. Theo mô hình "3+1" của Huyện ủy Quan Sơn, mỗi tháng các đồng chí cấp uỷ viên và cán bộ phụ trách thôn bản sẽ dành 3 tuần làm việc tại cơ quan, 1 tuần về bản tham gia tuyên truyền, định hướng các hoạt động sản xuất cho bà con. Cán bộ, đảng viên đồng hành với người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới nhưng không được làm thay như: cải tạo vườn tạp, vườn sạch, nhà đẹp, hướng dẫn người dân trồng trọt chăn nuôi phát triển kinh tế.
Xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao Quan Sơn không chỉ chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tiêu chí môi trường, quy hoạch, hệ thống chính trị mà đặc biệt quan tâm tới hỗ trợ đời sống bà con, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân để xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững. Và trong quá trình xây dựng nông thôn mới không để ai bị bỏ lại phía sau.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/diem-sang-xay-dung-nong-thon-moi-o-quan-son-d754402.html