| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 15/04/2025 - 10:09

Tài nguyên nước

Đề xuất dành từ 3-5% tổng diện tích trồng lúa ĐBSCL để đào hồ trữ nước

Thứ Ba 15/04/2025 - 10:02

Nếu dành từ 3-5% tổng diện tích trồng lúa để đào hồ, có thể tích trữ được 1,1 - 1,82 tỷ m3 nước, giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn.

Đó là đề xuất được chuyên gia nông nghiệp - TS Nguyễn Đăng Nghĩa nêu ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Kiên Giang mới đây.

Chuyên gia nông nghiệp - TS. Nguyễn Đăng Nghĩa trình bày tham luận tại hội thảo và đề xuất giải pháp dành quỹ đất đào hồ phân tán tích trữ nước ngọt giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: Trung Chánh.

Chuyên gia nông nghiệp - TS. Nguyễn Đăng Nghĩa trình bày tham luận tại hội thảo và đề xuất giải pháp dành quỹ đất đào hồ phân tán tích trữ nước ngọt giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: Trung Chánh.

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, ĐBSCL chiếm 12% diện tích tự nhiên, gần 20% dân số, đóng góp 17% GDP cả nước, 47% diện tích trồng lúa, 56% sản lượng lương thực, 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản phẩm thủy sản xuất khẩu của nước ta.

Đây chính là vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước. Thế nhưng, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là biến đổi khi hậu, gây hạn hán, xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp thật căn cơ để ứng phó với những khó khăn mà ĐBSCL đã và sẽ tiếp tục phải hứng chịu.

Một hồ chứa nước được tỉnh Kiên Giang đào từ đất nông nghiệp, giúp tích trữ nước ngọt ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn hiệu quả tại các huyện ven biển vùng U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.

Một hồ chứa nước được tỉnh Kiên Giang đào từ đất nông nghiệp, giúp tích trữ nước ngọt ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn hiệu quả tại các huyện ven biển vùng U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.

Chỉ tính riêng đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016 đã gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng chục ngàn hộ dân. Trong 4 tháng đầu năm 2016, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã làm mất trắng khá nhiều diện tích lúa vụ đông xuân và khó có thể tiếp tục canh tác trong vụ hè thu tiếp theo ngay sau đó, do thiếu nước ngọt.

Ngoài ra, nguy cơ ngập lụt có thể phát triển diện rộng vào thời điểm từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11 dương lịch hàng năm. Như vậy, bài toán đặt ra là phải đào hồ tích trữ và điều tiết nguồn nước ngọt của dòng Mekong từ thượng nguồn đổ về, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Toàn vùng ĐBSCL hiện có 1,82 triệu ha đất phục vụ trồng lúa, trong đó có 1,7 triệu ha chuyên canh lúa, 185.000 ha luân canh lúa - rau màu và  240.000 ha luân canh lúa - thủy sản. Chỉ cần dành ra từ 3-5% tổng diện tích trồng lúa để đào hồ chứa nước ngọt dọc theo 2 bên bờ sông Tiền và sông Hậu thì chúng ta sẽ có từ 54.600 - 91.000 ha mặt nước. Nếu đào hồ chứa có chiều sâu 2m thì mỗi năm sau khi lũ đổ về chúng ta đã tích trữ được từ 1,1 - 1,82 tỷ m3 nước ngọt để phục vụ cho tưới tiêu cây trồng cạn hoặc canh tác lúa nếu gặp hạn hán.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, việc dành một phần quỹ đất để đào hồ tích trữ nước không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng lúa, có thể được bù đắp nhờ tăng hiệu quả nông học, đồng thời tạo ra mặt nước để nuôi thủy sản, tạo thêm nguồn thu nhập. Ảnh: Trung Chánh.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, việc dành một phần quỹ đất để đào hồ tích trữ nước không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng lúa, có thể được bù đắp nhờ tăng hiệu quả nông học, đồng thời tạo ra mặt nước để nuôi thủy sản, tạo thêm nguồn thu nhập. Ảnh: Trung Chánh.

Ngoài ra, với tổng diện tích mặt nước và tổng khối lượng nước được tích trữ sẽ góp phần làm giảm áp lực và chiều sâu ngập lũ tại các vùng trũng ở ĐBSCL như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên… Đồng thời, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có thêm một lượng diện tích mặt nước không nhỏ để phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Với tổng diện tích mặt nước như vậy cũng sẽ góp phần cải thiện môi trường và tiểu khí hậu tại ĐBSCL.

Với kinh nghiệm gần 40 năm hoạt động nghiên cứu khoa học và xâm nhập thực tế sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam, TS Nguyễn Đăng Nghĩa hy vọng giải pháp ông đề xuất được Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng quan tâm, góp phần duy trì và tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả tại ĐBSCL.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, việc dành ra 3-5% tổng diện tích trồng lúa phục vụ cho giải pháp đào hồ phân tán tích trữ nước ngọt không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng lúa. Thậm chí, vẫn có thể giữ vững sản lượng lúa của vùng nhờ vào việc cải thiện và nâng cao hiệu quả nông học và tăng hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/de-xuat-danh-tu-3-5-tong-dien-tich-trong-lua-dbscl-de-dao-ho-tru-nuoc-d748244.html