
Hơn 3 năm qua, người dân ấp Phong Lưu, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang được “giải cơn khát” khi nước máy kéo đến tận nhà. Mở vòi là có nước sạch để sử dụng. Thế nhưng, các hộ dân nơi đây vẫn giữ bên hông nhà hàng lu chứa nước. Nhà nào ít cũng 5-7 cái, nhà nhiều hơn chục lái lu.
Những hàng lu này là phương tiện chứa nước để người dân đối phó với những tháng ngày khô hạn. Đồng thời, đây còn là chứng tích về những khó khăn, thiếu thốn nguồn nước mà người dân phải đối mặt hàng chục năm trong quá khứ.


Vân Khánh Đông là xã ven biển, một năm thường có tới 7-8 tháng nước sông nhiễm mặn, chỉ có những tháng cao điểm mùa mưa là nước ngọt, người dân có thể trống lúa. Vì vậy, thiếu nước sinh hoạt luôn là nỗi lo lớn của người dân mỗi khi vào mùa khô hạn. Giải pháp khoan giếng ngầm cũng đã được người dân thực hiện nhưng không hiệu quả, vì nước nhiễm mặn và bị phèn rất khó sử dụng.
Ông Bảy Hứng (Nguyễn Văn Hứng), nguyên Trưởng ấp Phong Lưu cho biết, trước năm 1975, nơi đây là vùng đất hoang hóa, dân cư rất thưa thớt. Khi nhà nước có chủ trương chia tách một phần ấp Mương Đào và Minh Cơ để thành lập ấp Phong Lưu thì người dân mới đông dần lên. Hiện toàn ấp Phong Lưu có 427 hộ, sinh sống trên diện tích tự nhiên 617ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 517ha.
Theo ông Bảy Hứng, ngày trước, nước sạch là thứ xa xỉ, thậm chí là xa lạ với người dân nơi đây. Ăn uống thì hứng nước mưa tích trữ trong lu. Còn nước sinh hoạt thì đào ao, thậm chí là nước mương ruộng, khi nắng cạn nước xì phèn nhuốm màu vàng khè. Nhà nào có điều kiện thì đào cái hố sâu gọi là ụ nước, cầm cự sử dụng dần trong những tháng mùa khô.


Đầu những năm 2000, khi nhà nước đầu tư các công trình thủy lợi để phát triển sản xuất, con rạch chạy ngang ấp được nạo vét, mở rộng, tàu thuyền có thể đi lại được để lưu thông hàng hóa. Người dân khu vực ven biển cũng chuyển đổi từ sản xuất lúa mùa, khai thác cá đồng tự nhiên sang luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ nuôi tôm nước lợ. Những tháng mùa khô, nước sông, rạch đều bị nhiễm mặn, người dân buộc phải đổi nước từ các ghe chở dưới sông với chi phí rất đắt đỏ.



Ngồi nhớ lại cái thời lắm cơ cực, lo tiền đổi nước sử dụng giống như chạy gạo ăn từng bữa, ông Bảy Hứng bảo: “Vài ngày mới có ghe đổi nước chạy qua một lần. Hồi đó không có phương tiện liên lạc, người dân phải ngồi canh ghe để gọi, chứ nó đi qua là không quay lại. Thứ nước đổi từ ghe chỉ là nước sông bơm ở những nơi không bị nhiễm mặn hoặc tốt hơn là nước giếng cây ở những nơi xa biển, hoàn toàn không qua xử lý. Vậy mà giá lên đến vài chục ngàn một lu, đắt chẳng khác gì nước lọc để uống”.
Mỗi lu nước (tương đương khoảng 1m3) có giá 60.000 đồng. Theo ông Hứng, gia đình hai vợ chồng và hai đứa con sử dụng tiết kiệm lắm thì tối thiểu cũng phải hết 1 lu nước/tuần. Một tháng 4 lu nước thì chi phí đã hết 240.000 ngàn đồng. Nếu gia đình đông con, thêm cháu nữa thì riêng tiền đổi nước sinh hoạt đã hết vài trăm ngàn đồng/tháng, một nguồn chi không nhỏ đối với nhiều gia đình nông thôn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư hồ chứa lớn phục vụ cấp nước liên xã khu vực huyện An Minh. Hồ được xây dựng trên diện tích hàng chục ha thuộc kênh Mười Thân, xã Vân Khánh Đông, với sức chứa nước thô 600.000 m3.
Cùng với đó, là đầu tư nhà máy xử lý, cấp nước sạch tập trung có công suất 125m3/giờ. Hệ thống đường ống truyền tải nước có tổng chiều dài hơn 167km và đấu nối đồng hồ nước cho hàng ngàn hộ dân khu vực ven biển. Công trình có tổng vốn đầu tư là 123 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ mục tiêu và ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện từ năm 2016-2021.


Bà Trang Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang cho biết, năm 2021 cụm công trình gồm hồ chứa nước thô và nhà máy cấp nước liên xã trên địa bàn huyện An Minh hoàn thành và được đưa vào vận hành khai thác. Công trình này đã “giải cơn khát nước sạch” cho hơn 4.000 hộ dân thuộc 4 xã ven biển là Đông Hưng A, Vân Khánh, Vân Khánh Đông và Vân Khánh Tây, mang lại niềm vui lớn cho người dân.
Theo đó, người dân không chỉ được sử dụng nguồn nước sạch, đảm bảo sức khỏe, mà còn giảm gánh nặng về chi phí đổi nước mỗi khi vào mùa khô hạn hàng năm. Bà Nguyễn Thị Phượng, một người dân đã sinh sống mấy chục năm ở ấp Phong Lưu, xã Vân Khánh Đông vui mừng cho biết, so với trước đây thì cuộc sống người dân bây giờ sướng quá. Tối thì điện thắp sáng trưng, trời nóng thì mở quạt, còn nước sạch thì vặn vòi là có sử dụng quanh năm. Gia đình tôi có 6 người, thế nhưng mỗi tháng tiền sử dụng nước máy chỉ hết vài chục ngàn, tháng cao nhất cũng không quá 100.000 đồng, chưa bằng 1/3 so với chi phí đổi nước trước đây.
Để nâng cao nhận thức về vai trò của nước sạch đối với đời sống và sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước, ngoài việc tuyên tuyền, vận động, giá nước sạch nông thôn còn được áp dụng tăng dần theo bậc thang. Giá nước sinh hoạt theo quy định từ 6.400 - 7.800 đồng/m3 và được tính tăng dần cho mỗi bậc là 10m3. Từ m3 thứ 31 trở lên, giá 9.000 đồng/m3. Với mức giá này, người dân sử dụng nước sạch được cấp từ nhà máy vẫn tốn ít chi phí hơn nhiều so với nước đổi từ ghe.


Bà Trang Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang cho biết, tổng số trạm cấp nước nông thôn do đơn vị quản lý gồm 54 trạm và 4 hồ chứa nước. Tổng số hộ dân tham gia sử dụng nước sạch là gần 75.000 hộ, phục vụ cấp nước sinh hoạt cho khoảng 316.000 người dân nông thôn trên địa bàn 13/15 huyện, thành phố của tỉnh. Tổng công suất cấp nước bình quân đạt 36.000 m3/ngày đêm. Đến nay, tỷ lệ dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99% và nước sạch là 63%.
Mùa khô năm 2023-2024, trong những tháng cao điểm, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở các khu vực ven biển, hải đảo tại Kiên Giang diễn ra khá gay gắt. Nhưng nhờ chủ động các giải pháp công trình và phi công trình, trong đó phát huy hiệu quả của các hồ chứa lớn, đã đảm bảo nguồn cấp nước cho người dân vượt qua mùa khô hạn.
Theo đó, đối với các công trình sử dụng nước mặt, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang đã phối hợp với các địa phương, Chi cục Thủy lợi tỉnh trong công tác vận hành cống ngăn mặn, chủ động trong công tác lấy nước và tích trữ nước vào hệ thống kênh, rạch để ổn định nguồn cung.

Đối với các hồ chứa nước vừa và lớn, đơn vị quản lý vận hành đã chủ động điều tiết các hồ chứa nước phân bổ theo đúng chu kỳ, tránh phân bổ tập trung gây nguy cơ thiếu nước cho thời gian sau của chu kỳ. Theo dõi chặt chẽ mực nước các hồ, có kế hoạch khảo sát trữ lượng nước trong các tháng mùa khô. Từ đó, xây dựng kế hoạch phân phối lượng nước cấp hàng tháng hợp lý để tránh tình trạng nước trong hồ xuống mực nước chết, khô đáy ảnh hưởng đến chất lượng công trình hồ chứa.
Tuyên truyền cho nhân dân về các giải pháp cấp nước an toàn, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn để đảm bảo cấp nước sinh hoạt. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa bằng nhiều hình thức. Tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, để giảm nguy cơ thiếu nước ngọt.

Trong bối cảnh nguồn nước ngọt khan hiếm, xâm nhập mặn gia tăng, mực nước ngầm ngày càng sụt giảm cả về trữ lượng và chất lượng, thì giải pháp đầu tư các hồ chứa nước lớn liên huyện được xem là hiệu quả và bền vững.
Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch đầu tư xây dựng hồ chứa và hệ thống cấp nước thô liên huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận, với tổng mức đầu tư hơn 881 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng hồ dự trữ nước thô có diện tích bề mặt hồ rộng 30ha, dung tích 900.000m3. Xây dựng 2 trạm bơm tăng áp có công suất 500m3 và 1.000 m3/giờ để truyền tải nước.
Quy mô dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước thô liên huyện, tuyến ống chuyển tải nước công suất 30.000 m3/ngày đêm, gồm công trình thu nước, bể chứa, trạm bơm nước thô, san nền, hàng rào bảo vệ, nhà quản lý vận hành, nhà đặt máy phát điện, đường dây điện trung thế 22KV.
Hệ thống tuyến ống chuyển tải nước tổng chiều dài khoảng 97km, gồm tuyến ống chính chuyển nước chiều dài 22km, công suất tải tối đa 45.000 m3/ngày đêm và tuyến ống phụ đấu nối bổ sung vào 9 trạm cấp nước hiện hữu chiều dài khoảng 75km. Qua đó, sẽ đảm bảo đủ nguồn cung cấp nước cho hàng chục ngàn hộ dân thuộc các huyện vùng U Minh Thượng.



Để có quỹ đất xây dựng hồ chứa lớn, UBND tỉnh Kiên Giang đã có tờ trình xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng gần 49ha đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước thô liên huyện tại tỉnh Kiên Giang. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký văn bản (Công văn số 555/TTg-NN, ngày 29/7/2024) chấp thuận cho UBND tỉnh Kiên Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 48,84ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước thô liên huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, giai đoạn 1.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm đảm bảo chỉ tiêu đất trồng lúa được phân bổ, sử dụng tài nguyên đất tiết kiệm và hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bóc tách sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh Kiên Giang, các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang đều đã đầu tư xây dựng hồ chứa nước lớn với kỳ vọng giữ được nguồn nước ngọt quý giá nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng khô hạn diễn biến phức tạp, khốc liệt và chu kỳ xảy ra ngày càng được rút ngắn. Trong đó, hồ chứa nước ngọt lớn nhất Cà Mau được xây dựng tại xã Khánh An, huyện U Minh, với kinh phí hơn 248 tỷ đồng. Đây là công trình thuộc dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (dự án MD - ICRSL) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Khi đi vào vận hành, hồ chứa nước lớn này có khả năng cung cấp nước sạch cho hơn 113.000 hộ dân quanh khu vực. Ngoài ra, hồ còn có chức năng trữ nước dự phòng chữa cháy khi xảy ra cháy rừng.
Tại Hậu Giang, hồ chứa nước ngọt được tỉnh đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, với tổng diện tích đất 50ha, riêng diện tích mặt hồ là 21ha, chiều cao đập hồ là 7,5m, chiều dài đập hồ 1.917m, dung tích chứa nước lớn nhất của hồ gần 1 triệu m3. Đây là công trình đảm bảo nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân huyện Vị Thủy và một số vùng lân cận như thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ và huyện Châu Thành A. Ước tính sẽ có hơn 260.000 hộ dân của Hậu Giang được hưởng lợi từ dự án này.

Mặc dù Hậu Giang không phải là tỉnh giáp biển, nhưng lại chịu tác động do xâm nhập mặn cả triều biển Đông và biển Tây. Thực tế thời quan qua, tình hình hạn, mặn diễn biến rất phức tạp tại tỉnh Hậu Giang. Để ứng phó với thực trạng này, từ năm 2020, tỉnh Hậu Giang đã có chủ trương xây dựng hồ chứa nước ngọt với mục tiêu thực hiện kế hoạch hành động, ứng phó với biến đổi khí hậu về nước biển dâng và xâm nhập mặn. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo nguồn dự trữ để cung cấp nước ngọt chất lượng, ổn định thường xuyên cho các nhà máy xử lý nước sạch trên địa bàn tỉnh.
Là những hộ dân nằm trong khu vực được hưởng lợi nên khi hồ chứa nước ngọt của tỉnh Hậu Giang chuẩn bị đưa vào vận hành, người dân rất phấn khởi vì không còn phải lo lắng về tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào các tháng mùa khô hạn.
Bà Nguyễn Thị Kim Tư ở xã Vĩnh Tường phấn khởi cho biết: “Trước đây, người dân phải bỏ tiền mua lu, bồn tích trữ nước sử dụng dần khi nắng hạn. Nhưng phải tiết kiệm từng giọt nước vì sợ hết. Giờ được nhà nước đầu tư hồ chứa nước ngọt rồi, ai thấy cũng mừng, nếu có xảy ra hạn hán hay xâm nhập mặn thì cũng đỡ lo vì đã có nguồn cấp nước ngọt xài”.
Hiện nay, hồ chứa nước ngọt trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành và tích nước phục vụ khai thác. Sở NN-PTNT Hậu Giang giao cho Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh là đơn vị trực tiếp quản lý, xây dựng phương án vận hành, khai thác sau đầu tư.

Ông Mai Thế Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, việc đầu tư hồ nước lớn sẽ góp phần chủ động điều tiết nguồn nước ngọt, nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi và giảm thiểu rủi ro, ổn định đời sống người dân trong khu vực. Do đó, cần phải có phương án quản lý và vận hành khai thác tối ưu phát huy cao nhất hiệu quả công trình này.
Theo đánh giá của ngành chức năng, công trình hồ chứa lớn sẽ tạo ra khu vực trữ nước tĩnh, xử lý cơ bản lượng phù sa, độ đục, giảm thiểu phần lớn chi phí cho xây dựng nhà máy xử lý nước trong công tác lọc nước. Bên cạnh đó, công trình còn tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh vùng sông nước, góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường thiên nhiên trong khu vực.
Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành thủy lợi, nhu cầu sử dụng nước của vùng ĐBSCL lên đến hơn 40 tỷ m3/năm, cả cho phát triển sản xuất và sinh hoạt. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực diễn ra nhanh đã kéo theo nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu và cả hoạt động của con người, đã làm cho lượng nước đổ về ĐBSCL theo chiều hướng giảm.
Không chỉ sụt giảm nguồn cung cấp nước ngọt, mà chất lượng nước cũng bị suy giảm, xâm nhập mặn tăng cao và lấn sâu vào nội đồng, dẫn đến nguy cơ không thể sử dụng nguồn nước mặt trên diện rộng trong những tháng mùa khô. Theo ước tính của các nhà khoa học, ĐBSCL đang thiếu hụt nước ngọt vào mùa khô khoảng 4,2 tỷ m3 hàng năm. Dự báo sự thiếu hụt này sẽ tăng lên đến 4,8 tỷ m3 vào năm 2030 và 5 tỷ m3 vào năm 2050. Vì vậy, phương án xây hồ chứa nước lớn để chủ động điều tiết, kiểm soát lượng nước, giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh khu vực. Đây được xem là giải pháp hiệu quả và rất cần thiết cho cả hiện tại và tương lai, góp phần vào việc xây dựng, phát triển ĐBSCL bền vững.
