Thứ năm 15/05/2025 - 11:33
Thị trường
Chuyên gia phân tích kịch bản kết quả đàm phán thuế đối ứng của Hoa Kỳ
Thứ Năm 15/05/2025 - 11:28
Nếu đáp ứng được yêu cầu về giảm mạnh thuế quan, phi thuế quan; chứng minh xuất xứ hàng hóa... khả năng Hoa Kỳ chấp nhận mức thuế đối ứng 10-15% cho Việt Nam.
- Mỹ - Trung tạm ngưng áp thuế trong 90 ngày, mở đường đàm phán thương mại
- Doanh nghiệp chạy đua xuất hàng sang Mỹ
- Doanh nghiệp cần chủ động phản đối chính sách thuế đối ứng bất hợp lý
- Khởi động đàm phán thương mại song phương với Hoa Kỳ
Tại Hội nghị doanh nghiệp hội viên thường niên năm 2025 do VCCI tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành – Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đưa ra hai kịch bản về kết quả đàm phán song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên quan đến chính sách thuế đối ứng.
Theo ông Thành, sau khi Hoa Kỳ có quyết định hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày, riêng với các doanh nghiệp ĐBSCL, với mặt hàng xuất khẩu chủ lực là nông, thủy sản vẫn bị áp mức thuế 10%.
Đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản từ Việt Nam sang Hoa Kỳ không những không giảm mà còn gia tăng. Do các doanh nghiệp Hoa Kỳ “hối thúc” thực hiện các đơn hàng trong giai đoạn chờ mức thuế mới.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright phân tích tác động chính sách thuế quan Hoa Kỳ đến doanh nghiệp ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.
Với kịch bản thứ nhất, ông Thành nhận định, Việt Nam có khả năng đàm phán thành công để thuế đối ứng không vượt quá 46%, thậm chí có thể đưa về mức 20%, đồng thời nhiều mặt hàng có thể được miễn thuế. Điều này đồng nghĩa, nhóm hàng nông, thủy sản vốn là mặt hàng chủ lực của ĐBSCL cũng sẽ chịu chung mức thuế là 20%.
Tuy nhiên, mức thuế này vẫn tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp ĐBSCL. Bởi xu hướng chung của Hoa Kỳ là giảm thuế cho hầu hết đối tác thương mại. Các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam như: Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan… có thể được giảm thuế suất, không chỉ 20% mà còn thấp hơn. Điều này, khiến doanh nghiệp vùng ĐBSCL mất lợi thế cạnh tranh đáng kể.
Ở kịch bản thứ hai, nếu nước ta đàm phán đưa mức thuế đối ứng về 10-15% sẽ mang lại kết quả tích cực cho xuất khẩu nông, thủy sản khu vực ĐBSCL. Về trung hạn, Việt Nam vẫn có thể duy trì được vị thế là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ông Thành nhận định, hiện nay đã có những tín hiệu cho thấy, nếu Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của Hoa Kỳ trong việc giảm mạnh hàng rào thuế quan và phi thuế quan; kiểm soát tốt vấn đề gian lận xuất xứ hàng hóa; điều hành tỷ giá linh hoạt; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ... Khả năng Hoa Kỳ chấp nhận mức thuế đối ứng 10-15% là hoàn toàn khả thi.
Bên cạnh đó, việc giảm hàng rào thuế quan cũng giúp doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp chế biến có nhập khẩu nguyên vật liệu từ Hoa Kỳ (như lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc), giảm được chi phí đầu vào.

Nông sản là một trong những mặt hàng chủ lực của ĐBSCL xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: Kim Anh.
Thống kê của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), từ ngày 1/1-2/4/2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 32,2 tỷ USD. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,2 tỷ USD; hàng thủy sản khoảng 0,4 tỷ USD.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại bình luận thêm, nếu sau đàm phán, Việt Nam đạt được mức thuế đối ứng khoảng 10%, đây là thành công, nhưng vẫn ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Đơn cử, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản. Nếu đầu ra bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng, sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước và giá bán tại các thị trường khác cũng sẽ bị ép giảm.
Để giảm thiểu tác động từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, ông Phú cho rằng, Việt Nam cần có cách tiếp cận hướng đến mục tiêu: giảm thiểu tác động tiêu cực của thuế đối ứng đến doanh nghiệp xuất khẩu; ổn định thị trường và chuỗi cung ứng nội địa; duy trì niềm tin của nhà đầu tư và đối tác quốc tế; chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chứng minh xuất xứ hàng hóa là vấn đề được Hoa Kỳ đề cao trong quá trình đàm phán thuế đối ứng. Ảnh: Kim Anh.
Ngoài các giải pháp đàm phán từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động chứng minh xuất xứ hàng hóa. Đây là vấn đề được Hoa Kỳ đề cao khi so sánh với các quốc gia khác trong quá trình đàm phán.
Đồng thời, doanh nghiệp từng bước cần đầu tư công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa đầu vào, để tránh những rủi ro về xuất xứ. Tuân thủ cao hơn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, minh bạch tài chính.
Đặc biệt, ông Phú nhấn mạnh, vấn đề đa dạng hóa, tái cơ cấu thị trường xuất khẩu cần được đẩy mạnh. Khuyến khích doanh nghiệp chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng như: Châu Âu, châu Phi, Ấn Độ, Trung Đông… bằng cách tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chuyen-gia-phan-tich-kich-ban-ket-qua-dam-phan-thue-doi-ung-cua-hoa-ky-d753279.html