| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 19/04/2025 - 09:48

Xã hội

Chuyện ghi ở phía sau lưng núi [Bài cuối]: Hồi sinh

Thứ Bảy 19/04/2025 - 09:29

Hàng trăm hộ dân tại huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa có đơn xin thoát nghèo. Năm 2024 cũng là lần đầu tiên, huyện Mường Lát không nhận gạo cứu đói.

Đảng viên đi trước

“Tôi tên là Sùng A Tông, ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Tôi viết đơn này xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 vì đã hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo. Gia đình tôi tự nguyện thoát nghèo”. Mấy dòng ngắn ngủi trong lá đơn xin thoát nghèo của ông Sùng A Tông, bí thư Chi bộ bản Tà Cóm, cũng đủ để nói lên nhiều điều.

Vợ ông Tông ban đầu còn phân vân trước ý định của chồng, bởi nếu xin thoát nghèo thì gia đình sẽ không còn được nhận hỗ trợ hàng tháng của Nhà nước. Mọi chuyện sinh hoạt đều phải tự thân lo liệu.

Ông Sùng A Tông, Trưởng bản Tà Cóm, Trung Lý, Mường Lát. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Sùng A Tông, Trưởng bản Tà Cóm, Trung Lý, Mường Lát. Ảnh: Quốc Toản.

Vậy nhưng, Bí thư Chi bộ bản Tà Cóm có lý do khi đưa ra quyết định của mình. Ông nhẩm tính: “Vài sào lúa nương mỗi năm cũng thu được 30 bao lúa. Nếu cộng thêm 30 triệu đồng từ tiền bán sắn cũng đủ cho gia đình trang trải chi phí sinh hoạt. Mình có sức, có đất, có trâu lo gì không làm ra tiền? Đời mình không thể cứ nghèo mãi được”.

Là Bí thư Chi bộ bản nghèo nhất xã, ngoài nhiệm vụ được giao, ông Tông còn phải gánh khá nhiều đầu việc không tên như hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, vận động người dân sửa chữa đường, giải quyết các vụ mất trâu, bò trong bản...

Bởi vậy, lý do chính khiến gia đình ông xin thoát nghèo không chỉ là câu chuyện kinh tế, mà là chuyện danh dự khi mang trên vai trọng trách Bí thư Chi bộ bản Tà Cóm. “Mình là Bí thư Chi bộ mà cứ mang cái nghèo trên vai thì có nói hay mấy cũng chẳng ai nghe. Cứ nhận hỗ trợ của Nhà nước mãi cũng thấy áy náy”, ông Tông thật lòng.

Gia đình ông Thái là hộ đầu tiên tại bản Tà Cóm mua được xe tải để chở hàng. Ảnh: Quốc Toản.

Gia đình ông Thái là hộ đầu tiên tại bản Tà Cóm mua được xe tải để chở hàng. Ảnh: Quốc Toản.

Ở Bản Tà Cóm, muốn tìm được người thứ hai có điều kiện kinh tế như ông Thào A Thái cũng khó. Nguyên Trưởng bản Tà Cóm hiện sở hữu đàn trâu, bò lớn nhất bản với hơn 50 con, có thời điểm tổng đàn lên tới gần 80 con. Mỗi năm, gia đình ông Thái thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ tiền bán trâu. Ngoài chăn nuôi, ông còn nhận hơn chục hec-ta đất rừng để trồng vầu, xoan.

Bài liên quan

Có dư vốn từ việc nuôi trâu, năm 2021, ông Thái đầu tư cho con trai chiếc xe tải để chở thuê sắn, nứa giúp dân bản đi bán. “Tiền do mình làm ra, chi tiêu cũng thích hơn, thoải mái hơn”, ông Thái nói.

Gia đình ông không chỉ là hộ dân đầu tiên trong bản xung phong thoát nghèo, mà còn là tấm gương về tinh thần "tương thân, tương ái", hỗ trợ đồng bào thoát nghèo tại bản Tà Cóm. Hàng năm, sau khi nhân đàn thành công, ông Thái trực tiếp đem trâu, bò đến từng hộ nghèo để hỗ trợ người dân, tạo động lực cho họ chủ động lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Nhà ông Thái thuộc diện khang trang, kiên cố nhất bản Tà Cóm. Phía trong căn nhà, ông chọn vị trí trang trọng nhất để treo giấy khen và các danh hiệu được trao tặng. Ông là một trong những điển hình tiên tiến, được biểu dương khen thưởng tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020.

Thoát nghèo là ‘mệnh lệnh của trái tim’

Xã Trung Lý có 15 bản trong đó có 11 bản người dân tộc Mông sinh sống, tỷ lệ người mù chữ cao, hộ nghèo chiếm quá nửa dân số toàn xã, bởi vậy công việc của Chủ tịch UBND xã - Ngân Văn Lon cũng không thuận lợi giống như vùng đồng bằng.

Ông Lon không có thói quen ngồi một chỗ để làm việc mà dành phần lớn thời gian xuống bản để nắm bắt tình hình và trực tiếp giải quyết các công việc phát sinh. Có khi ông Lon trực tiếp vào bản để vận động học sinh đến trường; có lúc lại đứng vai trò hòa giải để giải quyết tranh chấp đất đai, hoặc vào bản khi cầm tay chỉ việc cho người dân từ những mô hình phát triển kinh tế đơn giản nhất.

Điều khiến ông Lon và lãnh đạo xã Trung Lý trăn trở suốt thời gian qua chính là bài toán xử lý tệ nạn ma túy tại Tà Cóm, nay đã cơ bản được kiểm soát. Nhưng cái khó trước mắt ở chỗ, Tà Cóm là địa bàn cách xa trung tâm xã (cách UBND xã Trung Lý 48 km), dân số 100% là đồng bào dân tộc Mông. Dù bản có diện tích tự nhiên lớn (gần 1.000 ha) nhưng cả bản chỉ có 0,18 ha đất trồng lúa. Đời sống đồng bào dân tộc Mông chủ yếu phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ và phần lớn dựa vào trợ cấp của nhà nước. Đây cũng là bản có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt hơn 6 triệu đồng/người/năm.

Ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý vào bản Hộc để nắm tình hình đời sống bà con. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý vào bản Hộc để nắm tình hình đời sống bà con. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tuy vậy, điều khiến lãnh đạo xã Trung Lý có quyền tự hào chính là ý thức, ý chí, khát vọng thoát nghèo của người dân nơi đây, đã và đang trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng. “Nhiều hộ dân trong bản Tà Cóm dần có tư tưởng “mặc cảm” với cái nghèo và họ cảm thấy xấu hổ khi nhiều thế hệ trong gia đình đều thuộc diện nghèo, nên người dân quyết tâm thoát nghèo. Hiện nay, trong tổng số hơn 100 hộ dân tại bản Tà Cóm, đã có 11 hộ có đơn xin thoát nghèo”, ông Lon chia sẻ.

Tôi hỏi ông Lon: Làm cách nào để dân người dân bản Tà Cóm nói riêng, xã Trung Lý nói chung thoát nghèo bền vững? Ông Lon trả lời: “Hiện nay, bà con dân bản đã ý thức hơn về việc tận dụng các khu đất bằng phẳng từ nương rẫy cũ, có nguồn nước để khai hoang ruộng trồng lúa hai vụ. Bên cạnh đó, nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước trong công tác chăm sóc và bảo vệ rừng, nên bà con yên tâm hơn, tập trung tích góp vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình; UBND xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - Môi trường, Trung tâm DVNN huyện tập huấn, định hướng nghề nghiệp cho lao động bản; vận động các hộ khá hỗ trợ con giống cho hộ nghèo để họ có động lực thoát nghèo".

Mô hình nuôi liên kết nuôi gà đen thương phẩm của Giàng A Vành (bản Khằm, xã Trung Lý) đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Quốc Toản.

Mô hình nuôi liên kết nuôi gà đen thương phẩm của Giàng A Vành (bản Khằm, xã Trung Lý) đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Quốc Toản.

Ngoài ra, trên địa bàn xã, nhiều hộ dân còn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình bán chăn thả kết hợp, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để giảm chi phí. Một số hộ bắt đầu tiếp cận các mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi gà thương phẩm, trồng dược liệu, phát triển cây ăn quả, cây sắn, cây đặc sản phù hợp với khí hậu vùng cao. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, giúp nhau làm kinh tế trong bản ngày càng lan tỏa, tạo nên sức mạnh cộng đồng vững chắc trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Trung Lý đang giảm dần. Năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 51,94%; cận nghèo 16,97%; năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 39,71%; cận nghèo 26,26%. Bên cạnh đó thu nhập bình quân đầu người của người dân tăng lên theo từng năm.

Hệ tầng giao thông, điện chiếu sáng tại bản Tà Cóm, Trung lý đang được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Quốc Toản.

Hệ tầng giao thông, điện chiếu sáng tại bản Tà Cóm, Trung lý đang được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát cho biết, xác định giảm nghèo là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt, do đó địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nâng cao chất lượng giáo dục và y tế, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con.

Hiện nay, không chỉ tại xã Trung Lý, từ cuối năm 2023 đến nay huyện Mường Lát đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo. Năm 2024 cũng là lần đầu tiên huyện Mường Lát không xin tỉnh cấp gạo cứu đói mùa giáp hạt để trợ cấp cho nhân dân trên địa bàn.

Trên địa bàn huyện Mường Lát ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân như: Trồng sắn theo chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm; tổ hợp tác nuôi bò sinh sản; nuôi vịt siêu trứng, ếch thương phẩm; trồng cây trẩu, dưa hấu… Những mô hình này đã góp phần tạo công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chuyen-ghi-o-phia-sau-lung-nui-bai-cuoi-hoi-sinh-d747459.html