| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 29/04/2025 - 10:49

Chính sách - Pháp luật

Chính sách mới của ngành nông nghiệp và môi trường có hiệu lực từ tháng 5

Thứ Ba 29/04/2025 - 10:48

Từ tháng 5/2025, nhiều quy định mới của ngành nông nghiệp và môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Điều chỉnh các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển

Điều chỉnh này được ghi nhận tại Nghị định số 65/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Theo Nghị định số 65/2025/NĐ-CP, trường hợp xem xét, điều chỉnh các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, gồm: Do yêu cầu về quốc phòng, an ninh; phòng, chống thiên tai; do tác động của thiên tai hoặc các trường hợp bất khả kháng mà khu vực hành lang bảo vệ bờ biển không còn đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu tại Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch tỉnh; thay đổi mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai; bổ sung các khu vực cần thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển khi đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu quy định Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng theo Nghị định này, các trường hợp từ chối giao khu vực biển bao gồm: Hoạt động sử dụng khu vực biển làm phương hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam; phạm vi khu vực biển đề nghị sử dụng nằm trong khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho mục đích quốc phòng; khu bảo vệ I của di tích lịch sử - văn hóa; hoạt động sử dụng khu vực biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên biển đang được tiến hành hợp pháp trong vùng biển Việt Nam;… Nghị định có hiệu lực từ ngày 2/5.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trám lấp giếng không sử dụng

Quy chuẩn này được quy định tại Thông tư số 22/2024/TT-BTNMT, có hiệu lực từ ngày 26/05.

Theo quy chuẩn mới, yêu cầu chung về kỹ thuật trám lấp giếng không sử dụng gồm: Trước khi thực hiện việc trám lấp giếng không sử dụng, cần nghiên cứu hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công giếng (nếu có) và điều kiện thực tế của giếng; lựa chọn máy móc, trang thiết bị, dụng cụ, vật tư, vật liệu, nhân lực, phương án thi công trám lấp giếng phù hợp để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của công tác trám lấp giếng; việc trám lấp giếng phải bảo đảm thực hiện kịp thời, ngăn chặn nước, chất bẩn từ trên mặt đất xâm nhập vào các tầng chứa nước và ngăn chặn sự lưu thông giữa các tầng, lớp chứa nước khác nhau qua giếng. Ngoài ra, việc trám lấp giếng không sử dụng phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất.

Cũng theo quy chuẩn mới, trong thời hạn không quá 10 ngày thi công trám lấp giếng, tổ chức có giếng trám lấp phải thực hiện thông báo bằng văn bản kèm theo phương án trám lấp giếng không sử dụng theo mẫu. Đối với chủ giếng là hộ gia đình, cá nhân thì phải thông báo bằng văn bản theo mẫu quy định đến UBND xã, phường, thị trấn.

Quy chuẩn thành lập bản đồ địa hình quốc gia

Được ban hành tại Thông tư số 24/2024/TT-BTNMT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000 từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia.

Theo đó, công tác chuẩn bị thành lập bản đồ địa hình trên gồm các bước: Chuẩn bị thiết bị máy vi tính, phần mềm có chức năng biên tập bản đồ địa hình quốc gia từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và các thiết bị khác có liên quan; chuẩn bị cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ bản đồ địa hình quốc gia cần thành lập; chuẩn bị thư viện ký hiệu số bản đồ địa hình quốc gia đối với tỷ lệ bản đồ cần thành lập.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các nhóm lớp dữ liệu của bản đồ địa hình quốc gia được đặt tên và sắp xếp thứ tự hiển thị lần lượt như sau: Nhóm lớp cơ sở toán học; Nhóm lớp dữ liệu biên giới quốc gia, địa giới hành chính; nhóm lớp dữ liệu giao thông; nhóm lớp dữ liệu thủy văn; nhóm lớp dữ liệu dân cư; nhóm lớp dữ liệu địa hình; nhóm lớp dữ liệu phủ thực vật. Thông tư có hiệu lực từ ngày 26/05.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bản đồ hành chính

Quy chuẩn này được ban hành tại Thông tư số 28/2024/TT-BTNMT, có hiệu lực từ ngày 28/5.

Theo đó, bản đồ hành chính Việt Nam là bản đồ hành chính thể hiện sự phân chia đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc lãnh thổ Việt Nam bao gồm đất liền, biển, đảo và quần đảo.

Nền địa lý của bản đồ hành chính Việt Nam phải thể hiện được các yếu tố sau: Yếu tố thủy văn; yếu tố địa hình; yếu tố dân cư; yếu tố kinh tế - xã hội; yếu tố giao thông; yếu tố địa danh; các yếu tố nền địa lý ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Đáng chú ý, yếu tố giao thông phải thể hiện đường sắt, đường bộ, đường biển và các đối tượng liên quan; mức độ chi tiết phải phù hợp với tỷ lệ bản đồ thành lập và đảm bảo tính đặc trưng, tính hệ thống của mạng lưới giao thông.

Đồng thời, phải thể hiện tất cả các tuyến đường sắt quốc gia đang được sử dụng; thể hiện các ga chính; các đường cao tốc, quốc lộ; các tuyến đường biển quốc tế và cảng biển quốc tế. Ưu tiên thể hiện hệ thống đường có kết nối tới cửa khẩu, khu vực có liên quan đến đường biên giới quốc gia, đường địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chinh-sach-moi-cua-nganh-nong-nghiep-va-moi-truong-co-hieu-luc-tu-thang-5-d750736.html