1. SEA Games từ lâu đã bị coi là "ao làng" của thể thao khu vực. Đó là giải đấu mà nước chủ nhà có đặc quyền trong việc lựa chọn môn thi đấu, hay đưa vào những môn thể thao mà chẳng ai biết nó có xuất xứ từ lâu.
SEA Games 27 mới nhất, các nước Đông Nam Á lần đầu tiên biết đến chinlone, môn thi đấu được coi là cầu mây phiên bản hai. Hay như trước đó, tại SEA Games 26, hai môn thi đấu lạ hoắc là đánh phỏm và dù lượn cũng bất ngờ xuất hiện.
Được quyền thêm, đương nhiên các nước chủ nhà cũng có quyền cắt bớt những môn thi đấu, kể cả đó là những môn Olympic. Hẳn không ít người yêu mến bóng đá nữ nước nhà đã từng khóc hết nước mắt khi biết tin Singapore thẳng thừng loại bóng đá nữ ra khỏi các môn tranh tài ở SEA Games 28.
Không chỉ bất cập trong việc phân môn thi đấu, cái sự "ao làng" của ngày hội thể thao khu vực còn được thể hiện ở những tấm huy chương từ trên trời rơi xuống, thường là cho các đoàn chủ nhà. Việt Nam từng mất oan tấm HCV trong môn đi bộ ở SEA Games 27 vì VĐV Myanmar gần như chạy về đích.
2. Cái gì lặp đi lặp lại mãi cũng thành quen, và khi tham dự SEA Games, hầu hết các đoàn đều "thòng" sẵn tâm lý: thi đấu tình đoàn kết là chính.
Xét về tầm vóc và đẳng cấp, ASIAD vượt trội hoàn toàn so với SEA Games. Tuy nhiên giải đấu số một châu lục có vẻ như đang bị tầm thường hóa vì những lỗi lầm "rất SEA Games".
Đầu tiên là những sự cố bất ngờ có lợi cho đoàn chủ nhà Hàn Quốc. Trong trận đấu nội dung đồng đội nam diễn ra ngày 25/9, Hàn Quốc đánh bại Trung Quốc 3-2 với những màn rượt đuổi ngoạn mục. Điều đáng nói là sau đó, HLV trưởng Li Yongbo cáo buộc Ban tổ chức cố tình kiểm soát gió trong nhà thi đấu và tận dụng nó bằng cách cho gió thổi rất mạnh mỗi khi Trung Quốc phát cầu.
Sau đó là sự thống trị của những VĐV nhập tịch có nguồn gốc châu Phi. Các quốc gia Trung Đông như Qatar, Bahrain, UAE... đã triệt để tận dụng những nhân lực này để giành tới 7/20 HCV đã trao ở môn điền kinh. Nó rất giống câu chuyện Singapore sử dụng các tay vợt gốc Trung Quốc và chiến thắng tuyệt đối ở môn bóng bàn.
Mới nhất, những trọng tài ASIAD cũng "nhúng chàm". Ở môn boxing, võ sĩ Nyambayar Tugstsogt của Mông Cổ, người từng đoạt HCB Olympic London 2012, chơi áp đảo toàn diện trước võ sĩ chủ nhà Ham Sangmyeong, nhưng lại bị xử thua 0-3 đầy khó hiểu. Trước đó, Devi Sarita của Ấn Độ cũng ngậm đắng nuốt cay khi bị Park Jina của Hàn Quốc vượt qua mà chẳng hiểu vì sao.
3. Hàn Quốc trong cả bốn kỳ ASIAD gần nhất đều xếp vị trí thứ nhì toàn đoàn. Họ luôn nhỉnh hơn một chút so với Nhật Bản, nhưng lại kém khá xa "bức tường thành" mang tên Trung Quốc.
Không có nhiều lý do để xứ sở kim chi quyết giành HCV bằng mọi giá, giống như luật bất thành văn ở các kỳ SEA Games: nước chủ nhà luôn giữ ngôi số một. Nhưng những "hạt sạn" đã được nhặt trên đất Hàn Quốc chắc chắn sẽ khiến nước chủ nhà phải suy nghĩ.
ASIAD là một giải đấu tầm cỡ, nơi quy tụ rất nhiều VĐV đẳng cấp thế giới. Nó không đáng và không nên bị "tầm thường hóa" giống như cái "ao làng" SEA Games.
Bởi suy cho cùng, đoạt HCĐ tại ASIAD vẫn đáng quý hơn rất nhiều so với giành HCV ở SEA Games.