Bình Định: Còn vướng trong quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Chưa có quy trình cụ thể trong kêu gọi xã hội hóa công tác xử lý chất thải rắn; còn mâu thuẫn trong quy định về cơ quan xây dựng giá và thời điểm ban hành đơn giá dịch vụ xử lý chất thải rắn; quy định chưa thống nhất về cơ quan có thẩm quyền ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn… là những vướng mắc, bất cập do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đưa ra, cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Hơn 74% lượng chất thải rắn được thu gom
Theo các số liệu thống kê, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2023 khoảng 1.051,45 tấn/ngày, gồm chất thải rắn đô thị khoảng 581,33tấn/ngày và chất thải rắn sinh hoạt khoảng 470,12 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thu gom đạt 74,7%, trong đó, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt 85,8%, tỷ lệ chất thải rắn nông thôn được thu gom đạt 61%.
Toàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp, 9 đơn vị sự nghiệp công ích, 17 hợp tác xã và 25 cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Về trang thiết bị, toàn tỉnh hiện có 45 xe ép rác chuyên dụng; 54 xe tải các loại và 494 xe đẩy tay. Tần suất thu gom tại đô thị, dao động trung bình khoảng 3 - 5 lần/tuần (trừ nội thành thành phố Quy Nhơn đạt 7 lần/tuần). Đối với khu vực nông thôn, tần suất thu gom vẫn còn thấp, chỉ từ 2- 3 lần/tuần.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt được các cơ quan, đoàn thể ở địa phương quan tâm thực hiện. Trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai một số mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại thị xã Hoài Nhơn (khu phố Trung Lương, phường Bồng Sơn) và huyện Tây Sơn (khối phố Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong) với hình thức thu gom và xử lý chất thải rắn thực phẩm theo cụm; Ngoài ra, một số xã, phường trên địa bàn thành phố Quy Nhơn tham gia chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ nguồn hỗ trợ của Chương trình UNDP tại Việt Nam.
Đồng thời tại các địa phương, các hội đoàn thể đã triển khai nhiều mô hình phân loại rác tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao với hình thức chủ yếu xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực phẩm tại nhà. Riêng tại xã Phước Hưng và Phước Quang, huyện Tuy Phước triển khai mô hình thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực phẩm theo cụm dân cư.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định, hiện công tác xử lý, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện chủ yếu vẫn là phương pháp chôn lấp trực tiếp. Tỉnh hiện có 6 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh tại 6 địa phương là TP. Quy Nhơn, huyện Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Vân Canh và thị xã Hoài Nhơn, còn 2 huyện chưa có bãi chôn lấp hợp vệ sinh (huyện Vĩnh Thạnh và Hoài Ân), huyện Tuy Phước không quy hoạch bãi chôn lấp và thị xã An Nhơn rác thải được vận chuyển về bãi rác Long Mỹ, thành phố Quy Nhơn để xử lý. Ngoài ra, tại các địa phương có 28 bãi chôn lấp chất thải rắn cấp xã và nhiều ô chôn lấp cấp thôn, các công trình này xây dựng và vận hành không đảm bảo theo quy định.
Trên địa bàn tỉnh Bình Định có 2 lò đốt tiêu hủy chất thải rắn sinh hoạt tại xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn với công suất 330kg/giờ và tại huyện An Lão với công suất 1.000 kg/giờ. Hiện 2 công trình đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. UBND tỉnh Bình Định đang chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương xây dựng thủ tục để kêu gọi nhà đầu tư cho các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo 3 vùng thu gom, bao gồm: khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thị xã Hoài Nhơn, khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Tây Sơn và đầu tư công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại bãi rác Long Mỹ (thành phố Quy Nhơn) và khu xử lý Cát Nhơn (huyện Phù Cát).
Chưa có quy trình thực hiện kêu gọi xã hội hóa
Quá trình thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng găp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tỷ lệ thu gom và tần suất thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại một số địa phương chưa đạt theo yêu cầu, mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến 2025, tầm nhìn đến 2050 và Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ quốc gia đến 2030, tầm nhìn đến 2050, mục tiêu đến năm 2025.
Bên cạnh đó, khi thực hiện phân loại/tái chế chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thu gom, lưu giữ, xử lý riêng rác thải sau khi phân loại chưa đồng bộ, còn hạn chế; các địa phương khó khăn lựa chọn địa điểm tập kết. Hạ tầng trang thiết bị, dụng cụ và phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chưa đồng bộ, năng lực của các đơn vị thu gom, vận chuyển tại cấp xã hạn chế và manh mún nên các địa phương khó khăn trong việc mở rộng địa bàn và tăng tần suất thu gom. Tại khu vực nông thôn hiện nay, việc thu gom rác mới tập trung tại các tuyến chính, trung tâm xã.
Mặt khác, công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia đóng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế. Việc kêu gọi xã hội hóa công tác xử lý chất thải rắn đã được quan tâm nhưng công tác chuẩn bị còn lúng túng do chưa có quy trình thực hiện cụ thể. Quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như trong lựa chọn nhà đầu tư, hiện chưa có cơ sở xác định loại hình Dự án thuộc loại phương thức đối tác công tư (hay còn gọi là PPP), phương thức xã hội hóa hay dự án có sử dụng đất và chưa có quy trình lựa chọn nhà đầu tư, mẫu hợp đồng và thời điểm ký kết hợp đồng với nhà đầu tư (thời điểm ký trước hay sau khi xây dựng xong nhà máy).
.jpg)
Về giá dịch vụ xử lý, ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định cho biết, theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, phải có giá gói thầu thì mới tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ nhằm minh bạch đơn giá để nhà đầu tư quan tâm có thể tính toán hiệu quả kinh tế của dự án và đăng ký tham gia. Như vậy, có thể hiểu cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập đề xuất giá gói thầu. Đồng thời, đơn vị cung cấp dịch vụ phải tự bù đắp chi phí theo giá trúng thầu khi tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 27 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Thông tư số 02/2022/TTBTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường: “Chủ đầu tư, cơ sở cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm lập, trình thẩm định, phê duyệt phương án giá dịch vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này theo quy định của pháp luật về giá” và theo quy định tại Điều 31 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng với nhà đầu tư cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì cần có cơ sở dữ liệu đầu vào là: tổng chi phí hợp lý hợp lệ, doanh thu từ việc bán sản phẩm thu hồi, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý..., các chi phí này chỉ phát sinh số liệu thực tế và xác định được khi Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt hoàn công, quyết toán đầu tư và đi vào vận hành chính thức.
“Như vậy, quy định về cơ quan xây dựng giá và thời điểm ban hành đơn giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TTBTNMT có sự mâu thuẫn”, ông Nguyễn Việt Cường cho biết.
Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng gặp khó khăn, vướng mắc, cụ thể: trước đây, một số UBND cấp huyện đã ban hành giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn để ký hợp đồng, đặt hàng với đơn vị cung ứng dịch vụ theo quy định về phân cấp ngân sách (chi trả từ ngân sách nhà nước cấp huyện). Đến nay, theo khoản 6, Điều 79 của Luật Bảo vệ môi trường quy định: “UBND cấp tỉnh quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”. Như vậy, sẽ gây khó khăn khi thực hiện.
Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025, 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo theo quy định; sử dụng phương pháp chôn lấp trực tiếp cho tối đa 30% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 50% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom. Đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.