Thứ sáu 09/05/2025 - 07:01
Pháp luật - Bạn đọc
Xử lý rác thải sinh hoạt – bế tắc ở Vĩnh Phúc: [Bài 2] Nhà máy bỏ hoang, công nghệ lạc hậu
Thứ Sáu 09/05/2025 - 07:01
Đề án xử lý rác thải sinh hoạt tỉnh Vĩnh Phúc đi được già nửa chặng đường, nhưng việc xử lý rác thải chưa mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường như kỳ vọng.
- Đóng cửa 49 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt
- Thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở Điện Biên
- Vướng mắc trong xác định đơn giá xử lý rác sinh hoạt ở Ninh Bình
- Đắk Nông: Nhiều chuyển biến tích cực trong thu gom, xử lý rác sinh hoạt
Hoang tàn từ nhà máy xử lý rác thải
Với tổng kinh phí lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, Đề án thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 tầm nhìn 2030 được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm "nỗi ám ảnh" rác thải. Tuy nhiên, thực tế lại đang đi ngược với kỳ vọng.
Mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải ở khu vực đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đạt trên 95% nhưng phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp (chiếm khoảng 75%) và đốt bằng các lò đốt rác quy mô nhỏ cấp xã, cơ sở xử lý do tư nhân đầu tư. Nhiều năm gần đây, mặc dù có sự đầu tư lớn, xong công nghệ xử lý rác thải vẫn còn lạc hậu và không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường.

Bà Trần Thị Hoa và người dân trong khu vẫn gọi đó là “nhà máy không rác”, bởi suốt bao năm qua vẫn đổ ra đồng còn nhà máy thì khóa cửa với lý do vi phạm các quy định về môi trường. Ảnh: Hùng Khang.
Giữa cánh đồng mênh mông tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ Việt nằm im lìm như một khối bê tông khổng lồ đã bị thời gian lãng quên. Cổng sắt han gỉ, tường loang lổ, dây leo chằng chịt quấn lấy từng ô cửa và vắng bóng người. Máy móc bên trong phủ bụi mờ, chưa kịp hoạt động đủ một mùa mưa nắng đã nằm chết lặng giữa cánh đồng.
Bà Hoa và người dân trong khu vẫn gọi đó là “nhà máy không rác”, bởi suốt bao năm qua, rác vẫn đổ ra đồng, tràn xuống mương, còn nhà máy thì khóa cửa với lý do vi phạm các quy định về môi trường.

Đường vào nhà máy rác thải thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương nhưng lại biến nơi đây thành bãi tập kết rác gây mất mỹ quan. Ảnh: Hùng Khang.
Dự án từng được giới thiệu rầm rộ, treo biển to, vẽ viễn cảnh xanh, sạch, đẹp, giờ trở thành biểu tượng lãng phí sống động, như một lời nhắc nhở về cái giá của những quyết định nửa vời. “Trong khi rác ngày một nhiều, ô nhiễm ngày một nặng, thì công trình hàng chục tỷ đồng vẫn kiêu hãnh ngủ yên”, bà Hoa chua xót.
Thật khó tin, nhưng lại có thật, rác thải lại bủa vây chính nơi được lập ra để xử lý nó. Nhà máy xử lý rác nằm sừng sững giữa cánh đồng, với khẩu hiệu xanh tươi treo cao nơi cổng, “Vì môi trường sạch, vì tương lai xanh”. Nhưng chỉ cần bước thêm vài bước, người ta sẽ thấy một “tương lai” khác, rác chất thành đống ngay trước cổng, tràn ra ven đường, mương nước, rồi lấn sâu vào cả ruộng đồng lân cận.

Dự án nhà máy rác từng được vẽ viễn cảnh sáng, xanh, sạch, đẹp, đã đóng cửa từ năm 2023 do vi phạm quy định về môi trường và chưa có giấy phép hoạt động. Ảnh: Hùng Khang.
“Trời nắng thì hôi thối, trời mưa thì nước rác chảy lênh láng ra đồng ruộng. Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần nhưng không thấy chuyển biến. Rác thì vẫn đổ, còn chúng tôi thì vẫn phải chịu đựng”, bà Lan ngao ngán chia sẻ.
Lý giải về điều này ông Kiều Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ môi trường thị trấn Hợp Hòa, cho rằng: “Do không có điểm tập kết rác, nên rác đành để tạm ở đường vào nhà máy, chúng tôi rất muốn có một điểm tập kết rác nhưng không ai cho đất. Việc tập kết rác về đây là không đúng, thế nhưng vì lý do Hợp tác xã đang rất khó khăn”.

Ông Kiều Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ môi trường thị trấn Hợp Hòa viện nhiều lý do để "biến" đường vào nhà máy rác thành nơi tập kết rác thải. Ảnh: Hùng Khang.
Câu trả lời của vị Giám đốc Hợp tác xã khiến người dân địa phương không biết nên khóc hay cười. Có lẽ, điều duy nhất hoạt động hiệu quả trong toàn bộ hệ thống xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa chính là... “lý do”.
Và thế là, nơi đáng lẽ phải là trung tâm giải quyết ô nhiễm, lại trở thành điểm phát sinh ô nhiễm mới, một minh chứng sống động cho cái gọi là “làm cho có” và “xây trước, tính sau”.
Hàng chục tỷ đồng bị "chôn vùi" trong một công trình bỏ hoang không chỉ là sự lãng phí vật chất mà còn là một sự hao mòn niềm tin. Nhà máy rác thải không vận hành, nhưng rác thì vẫn sinh sôi đều đặn và bủa vây quanh nhà máy. Bài toán môi trường thay vì được giải quyết lại trở nên phức tạp, rối rắm hơn, với những vòng xoay trách nhiệm chưa có hồi kết.
Oằn mình vận hành công nghệ… cũ
Giữa cái nắng oi ả của những ngày đầu hè, lò đốt rác tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên trông như một “cỗ máy thời tiền sử” lạc vào thế kỷ XXI, gỉ sét, ọp ẹp và thở ra thứ khói đen đặc. Mỗi lần khởi động là cả một chiến dịch quy mô, đòi hỏi đến ba người đẩy, một người đập, hai người vái.
Nhân viên đốt rác ở đây, những người được gọi vui là “tổ lái lò đốt” ngày nào cũng oằn mình, vừa xúc rác, vừa cầu mong cho máy không “ho sặc” giữa chừng. Có hôm mưa, lò cháy được một nửa thì tắt phụt, phải bật lại bằng cách lấy củi nhóm. Đến lúc cháy ổn định thì rác cũng đã kịp bay nửa đống theo gió.

Nhà máy rác công nghệ lạc hậu, mỗi khi đốt rác bốc mùi khét, khiến người dân cảm thấy khó chịu mỗi khi qua khu vực này. Ảnh: Hùng Khang.
Công nghệ lạc hậu đến mức, mỗi khi lò đốt rác hoạt động người dân trong bán kính 500 mét phải tự động đóng cửa, bịt mũi, như một nghi thức quen thuộc. Khói từ lò cuộn lên như sương mù, dày đặc lao thẳng về khu dân cư và mang theo mùi hôi của nilon, nhựa cháy, khiến cho con người mỗi khi hít vào đều cảm thấy nôn nao.
Khi được hỏi vì sao không thay lò mới, một công nhân đốt rác tại đây trả lời gọn ghẽ: "Lò đốt được đầu tư từ trước những năm 2014 thì công nghệ cũng chỉ đến vậy nhưng vẫn hơn là không có lò để đốt, biết cách “khấn đúng” thì vẫn dùng tốt mà chú".

Núi rác thải tồn đọng tại lo đốt rác công nghệ lạc hậu tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Hùng Khang.
Thế là lò cũ vẫn được vận hành, người thì oằn lưng gánh, môi trường thì lãnh đủ, còn rác vẫn cháy, theo một cách không ai dám chắc là “an toàn”. Mức độ an toàn của những màn sương mù được đều đặn nhả khói lên trời có lẽ chỉ có cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc mới tường tận.
“Nó sập hết gạch ở trong rồi! trời mưa mà đốt thì sống chết được luôn ấy”, một người phụ nữ cặm cụi đưa rác vào lò nói vọng ra.
Nhìn vào bên trong, tường lò bong tróc, từng viên gạch đỏ ngầu như chính nó cũng đang dần thấm mệt trước cỗ máy thời gian. Mỗi lần nhóm lửa, gạch lại sụt một hàng, trông như đang tự tháo chạy khỏi công trình.
Trần lò rạn nứt, khói không chỉ đi ra ống khói mà còn tìm đường thoát qua kẽ gạch và tường vỡ. Thế là lò cũ vẫn đứng đó mặc cho gạch sập, khói mù và rác thì vẫn được tập kết theo một cách vừa đáng thương, vừa đáng sợ.
“Ít ai biết trước đó lò đốt này được khánh thành với băng rôn đỏ chói và những lời tung hô như thể sắp chấm dứt kỷ nguyên rác thải. Thế nhưng chỉ sau vài năm, nó biến thành một di tích lịch sử môi trường, nơi rác không bị đốt mà là nơi hình thành núi rác”, ông Phạm Văn Thắng người dân thị trấn Hương Canh cho hay.

Cảnh xập xệ, nhếch nhác trong dự án lo đốt rác cũ, công nghệ lạc hậu. Ảnh: Hùng Khang.
Lò đốt rác cũ, lạc hậu không chỉ là biểu tượng của công nghệ lỗi thời, mà còn là minh chứng cho sự trì trệ trong tư duy quản lý môi trường ở nhiều địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc. Những cỗ máy xuống cấp, vận hành chắp vá không chỉ không xử lý triệt để rác thải, mà còn gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Thay vì là giải pháp, lò đốt rác cũ đang trở thành một phần của vấn đề cháy không hết, khói không sạch, gạch thì sập, rác ùn ứ... Sự tồn tại của những lò đốt kiểu này là lời cảnh tỉnh cho việc đầu tư nửa vời, thiếu tầm nhìn và không gắn với nhu cầu thực tiễn.
Nếu không thay đổi tư duy từ "đốt cho có" sang "xử lý có trách nhiệm" với rác, vì môi trường xanh thì rác sẽ vẫn cháy âm ỉ, trong khi niềm tin của người dân dần bay đi theo đống tro tàn.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/xu-ly-rac-thai-sinh-hoat-be-tac-o-vinh-phuc-bai-2-nha-may-bo-hoang-cong-nghe-lac-hau-d751480.html