| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 08/05/2025 - 06:43

Pháp luật - Bạn đọc

Xử lý rác thải sinh hoạt - bế tắc ở Vĩnh Phúc: [Bài 1] Bãi rác lộ thiên ‘bào mòn’ sinh kế, sức khỏe người dân

Thứ Năm 08/05/2025 - 06:22

Rác thải chất đống giữa cánh đồng gây ô nhiễm, người dân đành buông cuốc, bỏ ao, quay mặt với mảnh đất từng nuôi sống gia đình mình qua bao thế hệ.

LTS: Vứt rác thì dễ, nhưng xử lý rác ra sao, ai chịu trách nhiệm và giải quyết tận gốc thế nào lại là một bài toán lớn cho môi trường và sức khỏe người dân. Có một thực tế là rác thải vẫn ngập ngụa khắp ruộng đồng, kênh mương và dòng sông, thì rõ ràng, đây là vấn đề lớn đòi hỏi nhận thức, hành động và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị.

Trong chuyên đề này, chúng tôi mời quý độc giả cùng nhìn nhận thực trạng xử lý rác thải sinh hoạt tại tỉnh Vĩnh Phúc để tìm ra nguyên nhân và giải pháp để rác thải sinh hoạt không trở thành cuộc khủng hoảng môi trường kéo dài.

Bãi rác ‘đỏ lửa’ cả ngày lẫn đêm

Men theo con đường bê tông đã nhuốm màu thời gian và in hằn những vết nứt chân chim chằng chịt, ông Đào Văn Ngũ đưa chúng tôi đến khu vực tập kết rác của thôn Yên Quán, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, dần hiện trước mắt là một điểm tập kết rác thải sinh hoạt nằm chình ình bên vệ đường, bãi rác như một vết nhơ cố hữu giữa không gian đang dần đô thị hóa.

Rác đủ loại, từ bao ni-lông, vỏ hộp, thức ăn thừa cho đến những vật dụng hư hỏng chất đống ngổn ngang, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bu đầy, bay vo ve thành từng đàn, gây cảm giác nhức nhối và khó chịu cho bất cứ ai đi qua và cả những người dân sống xung quanh.

Bãi rác thải sinh hoạt tại thôn Yên Quán, xã Bình Định bốc khói cả ngày lẫn đêm. Ảnh: Hùng Khang.

Bãi rác thải sinh hoạt tại thôn Yên Quán, xã Bình Định bốc khói cả ngày lẫn đêm. Ảnh: Hùng Khang.

Việc bãi rác nhả khói ngày đêm bấy lâu nay không còn xa lạ gì với người dân, dù đã không ít lần họ phản ánh sự việc trên đến lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, thế nhưng nó đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống thường nhật nên không ai có ý định thay đổi.

Quện chặt vào không khí là làn khói trắng đục âm ỉ bốc lên rồi tản ra, chậm rãi lan rộng theo chiều gió. Cả cánh đồng như chìm trong một màn sương độc, ngột ngạt và âm ỉ, khói len lỏi giữa những luống rau, ao cá...  được biết, nhiều vụ lúa, vụ lạc của người dân cũng chỉ vì nước rác, khói rác làm cho mất mùa.

“Mùi khét nồng của nhựa cháy, túi ni-lông và rác hữu cơ chưa phân hủy xộc thẳng vào mũi, những gia đình ở gần khu bãi xử lý rác luôn cửa đóng then cài, ai cũng đều bất lực”, ông Ngũ thở dài.

Rác thải sinh hoạt được tập kết và xử lý bằng việc đốt. Ảnh: Hùng Khang.

Rác thải sinh hoạt được tập kết và xử lý bằng việc đốt. Ảnh: Hùng Khang.

Dạo một vòng bãi tập kết rác ông Ngũ ghé vào tai tôi: “Ở đây tuy là làng, là quê, sáng thức giấc không phải là hương lúa, hương ngô phả vào nếp nhà mà là mùi của khói rác ngây ngây quyện trong làn sương sớm, những bữa cơm quê đạm bạc cũng vơi ngon đi phần nào vì thứ mùi không mời mà đến”.

Đêm tại xã Bình Định không nhiều ánh đèn cao áp, người ta chỉ thấy ánh lửa leo lét hắt lên từ bãi rác như co lại trước bóng tối thứ vị đặc quánh của rác, của sự lãng quên. Người dân sống bên bãi rác như sống bên một vết thương môi trường không bao giờ lành, chỉ biết nhẫn nại mà chờ đợi một "phép màu", một sự hồi sinh từ đống tro tàn và để chính họ được hít thở không khí trong lành như bao làng quê khác.

Đôi mắt cay xè vì bị khói rác bủa vây, ông Ngũ nói: ' Xây lên một cái là bỏ hoang luôn, chưa hoạt động ngày nào, rác thì đốt cả ngày lẫn đêm không xử lý, nhà máy rác được xây dựng hết bao nhiêu tiền dân chúng tôi không ai được biết'.

Đôi mắt cay xè vì bị khói rác bủa vây, ông Ngũ nói: “ Xây lên một cái là bỏ hoang luôn, chưa hoạt động ngày nào, rác thì đốt cả ngày lẫn đêm không xử lý, nhà máy rác được xây dựng hết bao nhiêu tiền dân chúng tôi không ai được biết”.

"Bào mòn" sinh kế người dân

Âm thanh lốp xe sột soạt khi chạy trên con đường được trải bê tông như một lời thở than, oán trách vì bị bào mòn bởi những chuyến xe rác. Đó là quãng đường dài chừng 3km mà ông Ngũ dẫn chúng tôi đến một điểm tập kết khác tại thôn Cung Thượng, xã Bình Định.

Từng thửa ruộng thâm canh hai vụ lúa, một vụ màu và nhiều ao cá vốn là kế sinh nhai bao đời của người dân nay đã trở thành nơi trú ngụ của rác thải sinh hoạt. Bao bì ni-lông, vỏ chai, rác hữu cơ mục nát… ùn ứ theo dòng nước thải đen ngòm chảy về, bủa vây khắp nơi. Mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc, cá chết nổi trắng mặt ao, còn lúa thì vàng úa, không trổ bông.

Rộng đồng thất thu người dân đành để ruộng cho cỏ dại mọc. Ảnh: Hùng Khang.

Rộng đồng thất thu người dân đành để ruộng cho cỏ dại mọc. Ảnh: Hùng Khang.

Những người nông dân như ông Ngũ đành bất lực nhìn công sức đổ xuống từng luống đất, từng vũng nước mà chẳng thể cứu vãn. “Có người xót ruộng không đành bỏ, nhưng canh tác mãi cũng chỉ thu về sự thua lỗ. Cuối cùng, họ đành buông cuốc, bỏ ao, quay mặt với mảnh đất từng nuôi sống gia đình mình qua bao thế hệ”, ông Ngũ giọng chua chát.

Trải dài trên đồng đất mênh mông là những núi rác thải đã vượt quá một tầm mắt. Hơn 2 mẫu ruộng, cùng hàng nghìn mét vuông diện tích ao nuôi trồng thủy sản của người dân đành bỏ hoang, cỏ dại đã chiếm lĩnh, nơi rác rưởi và sự lãng quên đang cùng nhau bám rễ.

Yêu ruộng như yêu chính thân thể mình bà Liên cũng phải thốt lên: “Nông dân mà, không yêu ruộng sao được, sao mà dám bỏ, phải cố thôi vì nó là sinh kế vừa là tài sản lớn. Cố giữ ruộng nhưng giờ tôi cũng cảm thấy kiệt sức, bởi mỗi lần ra đến ruộng lại bị 'tra tấn' bằng đủ thứ mùi của bãi rác”.

Bà Nguyễn Thị Liên bùi ngùi chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Hùng Khang.

Bà Nguyễn Thị Liên bùi ngùi chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Hùng Khang.

Theo các hộ dân, trước kia khi rác chưa về tập kết, khu vực cánh đồng thôn Cung Thượng luôn trù phú, lúa tươi tốt, trổ bông vàng rực mỗi độ mùa về. Giờ đây, đồng hoang xác xơ, cỏ dại mọc chen giữa những mảnh ni-lông bay lả tả, chai lọ nhựa nằm ngổn ngang như những vết cắt lở loét trên da thịt đất mẹ.

Rác thải bủa vây khắp lối, dòng mương tưới nước cũng đặc quánh màu đục ngầu, lềnh bềnh những mảng rác thối rữa. Không còn tiếng cuốc lách cách, không còn câu hò, lời ca tiếng hát vui đùa trên cánh đồng của các cô, các mẹ và không bóng người lom khom gặt lúa trong nắng chiều vàng vọt... Chỉ còn gió thổi qua đồng lạnh lẽo, mang theo mùi hôi khó diễn tả, xộc thẳng, chèn ép vào ký ức đẹp của một thế hệ.

Về xã Bình Định, huyện Yên Lạc, bất cứ ai nhắc đến rác thải sinh hoạt, người dân ai nấy đều lắc đầu ngao ngán. Bởi từ khi bốn điểm chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng là từng ấy thời gian họ mất đi kế sinh nhai và đảo lộn cuộc sống.

Công trình nhà máy xử lý rác thải được bỏ hoang tại xã Bình Định, huyện Yên Lạc. Ảnh: Hùng Khang.

Công trình nhà máy xử lý rác thải được bỏ hoang tại xã Bình Định, huyện Yên Lạc. Ảnh: Hùng Khang.

Nỗi cùng cực này phản ánh sự bất lực kéo dài trước một vấn đề môi trường cực kỳ khó, nó khó đến nỗi mà không phải ai cũng dám đứng ra để xử lý và dễ đến mức chưa một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào phải chịu trách nhiệm với những quyết định mà mình đưa ra!

Ông Nguyễn Xuân Luận, Chủ tịch UBND xã Bình Định, cho biết: “Đề án xử lý rác thải sinh hoạt 3235 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, xã Bình Định không nhận được bất kỳ khoản kinh phí đầu tư xây dựng các điểm chôn lấp rác, các địa điểm này đã có từ trước, hiện khó khăn lớn nhất của xã là thiếu kinh phí trong việc xử lý rác thải”.

Ông Nguyễn Xuân Luận, Chủ tịch UBND xã Bình Định chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Hùng Khang.

Ông Nguyễn Xuân Luận, Chủ tịch UBND xã Bình Định chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Hùng Khang.

Đó có thể là nguyên nhân chính khiến rác thải sinh hoạt ngày một chất cao, lòng dân thì bức xúc, còn chính quyền thì vẫn kiên định với lý do quen thuộc “thiếu kinh phí!”.

Đất vẫn còn đó, nhưng niềm tin và giấc mơ mưu sinh đã bị chôn vùi dưới lớp rác ngày một dày lên và hôi hám. 

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/xu-ly-rac-thai-sinh-hoat--be-tac-o-vinh-phuc-bai-1-bai-rac-lo-thien-bao-mon-sinh-ke-suc-khoe-nguoi-dan-d751388.html