Không gian kết nối
Việt Nam là cầu nối chia sẻ kinh nghiệm nông nghiệp châu Á - châu Phi
Thứ Hai 14/07/2025 - 16:47
Theo Trưởng Đại diện các khu vực của FAO, Diễn đàn cấp cao OCOP là dịp để các quốc gia châu Á, châu Phi trao đổi kinh nghiệm, nâng giá trị sản vật địa phương.
- FAO và Việt Nam hợp tác vì tăng trưởng xanh và an ninh lương thực
- Nâng tầm hợp tác Nam-Nam từ ‘trao đổi’ lên ‘cùng hành động’
- FAO hiện đại hóa nghề nuôi ong tại Rwanda và Việt Nam qua sáng kiến OCOP
Ngày 15/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP. Các cuộc đối thoại cấp cao sẽ xoay quanh mô hình “Mỗi Quốc gia Một sản phẩm ưu tiên” (phiên bản OCOP quốc tế), hướng đến mục tiêu tăng năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời truy xuất nguồn gốc rõ ràng và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường.
"Mỗi Quốc gia Một sản phẩm ưu tiên" (OCOP) là một sáng kiến toàn cầu do FAO khởi xướng vào năm 2021, nhằm hỗ trợ các quốc gia phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có tiềm năng cao về kinh tế, văn hóa và sinh thái.
FAO đang hợp tác với 23 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy sáng kiến OCOP thông qua ứng dụng khoa học, đổi mới sáng tạo và hợp tác đa phương. Theo Trợ lý Tổng giám đốc kiêm Trưởng đại diện FAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Alue Dohong đánh giá, đây sẽ là Diễn đàn đầu tiên tại Việt Nam quy tụ nhiều nhà hoạch định chính sách nông nghiệp hàng đầu từ châu Phi và châu Á.
“Việt Nam là hình mẫu tiêu biểu với chương trình OCOP. Cách tiếp cận sáng tạo mày không chỉ giúp chuyển mình kinh tế nông thôn, giảm khoảng cách giàu nghèo mà còn thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh.
Chính chương trình này đã truyền cảm hứng để FAO xây dựng sáng kiến toàn cầu OCOP, hỗ trợ các nước tập trung phát triển những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, giàu dinh dưỡng, thích ứng với biến đổi khí hậu và mang đậm bản sắc văn hóa”, ông Alue Dohong cho biết.

Theo Trợ lý của Tổng giám đốc kiêm Trưởng đại diện FAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Alue Dohong, đây là diễn đàn đầu tiên tại Việt Nam quy tụ nhiều nhà hoạch định chính sách nông nghiệp hàng đầu từ châu Phi và châu Á. Ảnh: FAO.
Hơn 30 quốc gia khu vực châu Phi hạ Sahara đã tham gia chương trình OCOP của FAO. Đến nay, gần 20 nông sản đặc trưng đã được lựa chọn, tiêu biểu như sản phẩm kê Ethiopia, chuối Malawi, bơ Tanzania và hạt điều Guinea-Bissau.
Theo Trợ lý của Tổng giám đốc kiêm Trưởng đại diện FAO khu vực Châu Phi Abebe Haile-Gabriel, OCOP không đơn thuần là chọn ra một loại cây trồng chủ lực mà còn giúp thúc đẩy chuyển đổi hệ thống nông nghiệp, hướng tới phát triển chuỗi giá trị xanh, hiệu quả, bao trùm, bền vững và có khả năng thích ứng cao.
“Chia sẻ tri thức và đồng hành phát triển đóng vai trò then chốt trong việc vượt qua các thách thức chung và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, sự kiện do Việt Nam đăng cai tổ chức lần này sẽ mở ra cơ hội quý giá để các nước châu Phi và châu Á cùng trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và thiết lập quan hệ hợp tác”, ông Abebe Haile-Gabriel khẳng định.

Ông Abebe Haile-Gabriel tin tưởng, Diễn đàn là cơ hội để các nước châu Phi và châu Á cùng trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và thiết lập quan hệ hợp tác. Ảnh: FAO.
Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, mười quốc gia bao gồm Ai Cập, Iraq, Jordan, Liban, Maroc, Syria, Tunisia, Yemen, Algeria và Ả Rập Saudi tham gia sáng kiến OCOP, với các nông sản đặc trưng như: chà là, ô liu, sung, đậu gà,... Các sản phẩm này được chọn là cây trồng mang bản sắc văn hóa và thế mạnh sinh thái của từng vùng đất.
“Không chỉ là biểu tượng của khả năng thích ứng, bắt rễ từ tri thức bản địa và truyền thống lâu đời, các sản phẩm này đang trở thành động lực thúc đẩy phát triển nông thôn bền vững”, Ông Abdul Hakim Elwaer, Trợ lý Tổng giám đốc kiêm Trưởng đại diện FAO khu vực Cận Đông và Bắc Phi nhận xét.

Là nước đăng cai Diễn đàn cấp cao OCOP, Việt Nam được coi là cầu nối chia sẻ kinh nghiệm nông nghiệp châu Á - châu Phi. Ảnh: FAO.
Sáng kiến OCOP góp phần trao quyền cho phụ nữ và thanh niên, phục hồi hệ sinh thái bị suy thoái, tăng cường đa dạng sinh học và làm sống lại các nền kinh tế địa phương. Với sự dẫn dắt của chính phủ các nước và hợp tác liên ngành, OCOP đang nâng tầm giá trị của những sản phẩm nông nghiệp độc đáo ra toàn cầu, đồng thời hỗ trợ cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi hệ thống lương thực.
“Việc đầu tư vào OCOP cần được duy trì và mở rộng, với những giá trị đã được khẳng định từ kinh nghiệm bản địa, mô hình truyền thống đến thực hành hiệu quả, chúng ta có thể tạo nền tảng vững chắc để bứt phá. Khi kết hợp cùng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, những yếu tố đó sẽ trở thành động lực mạnh mẽ, hình thành một hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu trước những thách thức của tương lai”, Trưởng đại diện FAO khu vực Cận Đông và Bắc Phi chia sẻ.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tri-thuc-nong-dan/viet-nam-la-cau-noi-chia-se-kinh-nghiem-nong-nghiep-chau-a--chau-phi-d762657.html