Thứ năm 01/05/2025 - 14:00
Thời sự
Việt Nam: 7 biện pháp bảo tồn biển tại Hội nghị Bộ trưởng về Đại dương
Thứ Năm 01/05/2025 - 13:59
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Bộ Thủy sản Hàn Quốc và dự Hội nghị AOMM5, Hàn Quốc ngày 1/5.
- Chủ tịch nước kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Peru và tham dự APEC
- Chủ tịch nước Lương Cường kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC
- Nuôi biển mang lại kinh tế bền vững cho ngư dân Kiên Giang
- 'Mở đường lớn' cho cá rô phi Việt Nam 'bơi' ra thế giới

Hội nghị Bộ trưởng APEC về Đại dương lần thứ 5 (AOMM5) tổ chức tại Busan, Hàn Quốc. Ảnh: ICD.
Sẵn sàng chia sẻ mô hình trong phát triển kinh tế xanh, bền vững
Tại Hội nghị Bộ trưởng APEC về Đại dương lần thứ 5 (AOMM5) tổ chức tại Busan, Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức, việc tăng cường khả năng phục hồi của đại dương và bảo tồn môi trường biển để đạt tăng trưởng kinh tế bền vững là nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi nền kinh tế.
Thứ nhất, Việt Nam đang thực hiện các biện pháp cụ thể như xây dựng quy hoạch tổng thể về bảo tồn nguồn lợi thủy sản theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, thành lập 20 khu bảo tồn biển và nghiên cứu các biện pháp bảo tồn hiệu quả theo khu vực (OECM) nhằm phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Thứ ba, Việt Nam chú trọng tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển, thúc đẩy chuyển đổi từ đánh bắt sang nuôi trồng thủy sản
Thứ tư, khuyến khích quan hệ đối tác công tư (PPP) và các mô hình đồng quản lý để tăng cường sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Thứ năm, các mô hình kinh tế tuần hoàn được ứng dụng rộng rãi để phát triển nuôi biển và nuôi trồng trồng thủy sản tổng hợp theo phương pháp tiếp cận hệ sinh thái, đa giá trị bao gồm các dịch vụ liên quan theo hướng thân thiện với môi trường và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thứ sáu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, các chương trình giảm thiểu rác thải nhựa trên biển như thu gom, phân loại, trao đổi rác thải nhựa tại cộng đồng, cải thiện xử lý nước thải và giám sát môi trường biển tại các vùng nuôi trồng thủy sản và cảng cá cũng được triển khai tích cực.
Cuói cùng, Việt Nam đồng thời thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế để nâng cao khả năng phục hồi của đại dương và bảo tồn môi trường biển.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ các mô hình thực tế và mong muốn hợp tác chặt chẽ với các nền kinh tế APEC. Ảnh: ICD.
Về vấn đề chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, Việt Nam đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động đánh bắt thông qua việc áp dụng hệ thống giám sát tàu cá (VMS), truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và hỗ trợ ngư dân tuân thủ pháp luật.
Đồng thời, Việt Nam tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, quản lý và hài hòa hóa pháp luật trong ngành thủy sản; chuyển đổi từ đánh bắt sang nuôi trồng thủy sản biển bền vững; tạo điều kiện để tàu cá và ngư dân hoạt động hợp pháp ngoài vùng biển quốc gia; thực hiện đầy đủ trách nhiệm quốc tế theo các cam kết về bảo vệ đại dương, môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy trao quyền kinh tế một cách công bằng và toàn diện trong lĩnh vực đại dương và thủy sản, đặc biệt ưu tiên phụ nữ và cộng đồng ven biển.
Theo đó, Việt Nam mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên thiên nhiên, kiến thức và công nghệ cho các nhóm dễ bị tổn thương nhằm tăng khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu. Vai trò và tiếng nói của phụ nữ được tăng cường trong các chương trình chính sách và quá trình ra quyết định, đặc biệt trong các chuỗi giá trị thủy sản từ khai thác, nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ. Đồng thời, khuyến khích phát triển các mô hình hợp tác công tư (PPP) và hỗ trợ tổ chức chuyên môn và các tổ chức đồng quản lý một cách minh bạch và hiệu quả, đảm bảo lợi ích chung cho tất cả các bên liên quan.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ các mô hình thực tế và mong muốn hợp tác chặt chẽ với các nền kinh tế APEC hướng tới một nền kinh tế xanh toàn diện, thịnh vượng và bền vững.
Phát triển kinh tế cần hài hòa với khai thác có trách nhiệm
Trước đó, ngày 30/4, cũng tại Hội nghị APEC, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành thủy sản của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tác động của biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường.
Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản năm 2017, Chiến lược và các chương trình Quốc gia về nuôi trồng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trong lĩnh vực thủy sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (hàng trên cùng, thứ hai từ phải sang) dẫn đầu đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự Hội nghị AOMM5. Ảnh: ICD.
Việt Nam cũng đang chủ động và tích cực hợp tác với FAO, ASEAN và các tổ chức quốc tế để triển khai các dự án liên quan đến bảo vệ hệ sinh thái ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rác thải nhựa đại dương, nâng cao năng lực cộng đồng ven biển trong thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy các sáng kiến và mô hình thông minh, bền vững trong các lĩnh vực liên quan.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nỗ lực tham gia và thực hiện các cơ chế hợp tác nhằm chia sẻ thông tin liên quan đến khai thác IUU, hướng tới việc hỗ trợ đảm bảo an toàn cho ngư dân và đảm bảo các hoạt động khai thác của họ tuân thủ các quy định về quản lý bền vững.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, hành động riêng lẻ của từng nền kinh tế APEC là chưa đủ để đạt được mục tiêu xây dựng một đại dương xanh, bền vững và thịnh vượng.
“Do đó, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các nền kinh tế thông qua đối thoại, chia sẻ thông tin nhằm phát triển kinh tế biển theo hướng tổng thể, đa ngành, trên cơ sở bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và quản lý tài nguyên, khai thác và nuôi trồng có tráchnhiệm, bảo vệ môi trường và đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển”, Thứ trưởng kêu gọi và nhấn mạnh đại dương có vai trò kinh tế - xã hội vô cùng quan trọng, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với tất cả các nền kinh tế thành viên APEC.
Trong khuôn khổ chuyến công tác dự hội nghị APEC, đoàn công tác có đến làm việc và thăm viện NIFS. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản. Thứ trưởng cũng đề xuất Hàn Quốc tiếp tục ủng hộ các dự án hỗ trợ kỹ thuật ODA giúp tăng cường năng lực cho ngành thủy sản Việt Nam.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/viet-nam-7-bien-phap-bao-ton-bien-tai-hoi-nghi-bo-truong-ve-dai-duong-d751032.html