Tự ý đưa phương tiện Campuchia vào điểm bốc xếp tự phát là phạm luật
Thứ Hai 22/08/2022 , 11:46 (GMT+7)
Tự ý đưa phương tiện Campuchia vào điểm bốc xếp tự phát là phạm luật. ĐBSCL phát triển tín dụng xanh để thích ứng với biến đổi khí hậu. Giá tiêu xuất khẩu tăng 37%. Trên 58 tỷ đồng xây dựng thương hiệu trái cây Cần Thơ.
TỰ Ý ĐƯA PHƯƠNG TIỆN CAMPUCHIA VÀO ĐIỂM BỐC XẾP TỰ PHÁT LÀ PHẠM LUẬT
Theo Tổng cục Hải quan, việc các doanh nghiệp cố tình đưa phương tiện Campuchia nhập cảnh vào các địa điểm tự phát để bếp xếp hàng hóa, nông sản xuất khẩu, nhập khẩu tại khu vựccửa khẩu đường bộ và đường thủy tại cửa khẩu Khánh Bình thuộc tỉnh An Giang là vi phạm pháp luật.
Tổng cục Hải quan cũng cho biết thêm, tình trạng các doanh nghiệp đưa phương tiện Campuchia vào các địa điểm tự phát không đủ điều kiện tập kết, kiểm tra giám sát theo quy định của Luật Hải quan để thực hiện bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản… dẫn đến các rủi ro cao do không quản lý được hàng hóa theo nội dung tờ khai.
Đặc biệt đối với hàng nông sản xuất khẩu là mặt hàng được ưu tiên cả trong phân luồng tờ khai, doanh nghiệp có thể dễ dàng lợi dụng để khai khống số lượng, trọng lượng, chủng loại… để hoàn thuế giá trị gia tăng.
PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG XANH ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
ĐBSCL là vùng có vị trí thấp nên việc mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu đã và đang tác động tiêu cực đến khu vực này, nhất là tình trạng xâm nhập mặn.
Một trong những giải pháp hữu hiệu để ĐBSCL ứng phó với vấn đề trên được các chuyên gia đưa ra đó là tài chính xanh.
Giải pháp này có thể giúp ngăn chặn Biến đổi khí hậu bằng cách tài trợ cho các dự án năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo, cũng như hỗ trợ phát triển các công trình thân thiện với môi trường.
Các lĩnh vực tín dụng xanh như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.
Nếu thực hiện tốt sẽ ngăn chặn các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường khi các dự án mới hình thành, được xem là giải pháp hữu hiệu để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh ở Việt Nam.
GIÁ TIÊU XUẤT KHẨU TĂNG 37%
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của cả nước trong 7 tháng đầu năm đạt gần 143 nghìn tấn, trị giá 640 triệu USD, giảm 21% về lượng, nhưng tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.488 USD/tấn, tăng 36,8% so với cùng kỳ.
Tuần qua, Hiệp hội Hồ tiêu thế giới vừa điều chỉnh giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam giảm 200 USD/tấn, tương ứng với 3.550 USD/tấn tiêu đen và 5.400 USD/tấn với tiêu trắng.
Trong khi đó, giá tiêu ngày 22/8 tại thị trường trong nước duy trì ổn định quanh ngưỡng 68.000 - 71.000 đồng/kg.
TRÊN 58 TỶ ĐỒNG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU TRÁI CÂY CẦN THƠ
UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch thâm canh và cải tạo vườn cây ăn quả kết hợp với xây dựng nhãn hiệu giai đoạn 2022-2025, với kinh phí dự kiến trên 58 tỷ đồng.
Một số giải pháp được đưa ra để thực hiện kế hoạch như: tuyên truyền vận động người dân liên kết vùng sản xuất quy mô gắn với xây dựng mã vùng trồng; chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; đầu tư hạ tầng đê bao, kho bảo quản nhằm đảm bảo cấp, thoát nước vùng sản xuất,…..
Hiện Cần Thơ có gần 24.000ha trồng cây ăn quả với sản lượng hàng năm gần 170.000 tấn. Ngoài ra, địa phương đã có một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh với diện tích trên 10.000ha, sản lượng trên 100.000 tấn như nhãn, mận, vú sữa,... góp phần tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển du lịch sinh thái.