Giảm phụ thuộc vào cây lúa trong bối cảnh hạn mặn ngày càng khốc liệt
Thứ Bảy 08/03/2025 , 11:26 (GMT+7)
Giảm phụ thuộc vào cây lúa trong bối cảnh hạn mặn ngày càng khốc liệt. Hàng trăm sản phẩm muối và OCOP tại Festival muối 2025. Doanh nghiệp FDI chiếm 28% kim ngạch xuất khẩu cà phê thô. Hà Nam có 58 làng nghề đang hoạt động.
GIẢM PHỤ THUỘC VÀO CÂY LÚA TRONG BỐI CẢNH HẠN MẶN NGÀY CÀNG KHỐC LIỆT
Văn Vũ
Chiều ngày 7/3, tại thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã có buổi làm việc với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về tình hình sản xuất nông nghiệp và triển khai một số nhiệm vụ trong năm 2025.
Tại buổi làm việc, Giám đốc 13 Sở Nông nghiệp và Môi trường vùng ĐBSCL đã báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp trong tỉnh, việc thu hoạch và tiêu thụ lúa của người dân trong vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 và tiến độ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu và nhấn mạnh, các địa phương cần tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ cao trong canh tác và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản để nâng cao giá trị sản xuất. Thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân trong chuyển đổi mô hình sản xuất, giảm phụ thuộc vào cây lúa trong điều kiện hạn mặn ngày càng khắc nghiệt. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị các Sở phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để phát triển nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với điều kiện tự nhiên ngày càng khắc nghiệt.
HÀNG TRĂM SẢN PHẨM MUỐI VÀ OCOP TẠI FESTIVAL MUỐI 2025
Trọng Linh - Văn Vũ
Trong khuôn khổ Festival Nghề muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức Không gian trưng bày, giới thiệu muối, gia vị và các sản phẩm OCOP” của hơn 40 đơn vị đến từ hơn 20 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Theo đó, bên cạnh các mặt hàng chủ lực về muối và sản phẩm chế biến từ muối như: Muối, bột canh muối tôm, bột dinh dưỡng, muối tắm bé, muối ngâm chân, muối tôm, tại Không gian trưng bày, các đơn vị, doanh nghiệp còn trưng bày, giới thiệu nhiều mặt hàng, sản phẩm gia vị, sản phẩm đặc sản OCOP như: Mắm nêm, mắm tôm, mì chính, mắm và gia vị, mắc khén, hạt dổi, chẩm chéo, nước mắm cá linh, khô cá lóc, khô cá sặc bổi, lạp xưởng…
Đây là dịp để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ muối và các sản phẩm OCOP giữa các địa phương trong cả nước.
DOANH NGHIỆP FDI CHIẾM 28% KIM NGẠCH XUẤT KHẨU CÀ PHÊ THÔ
Quỳnh Anh
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khối lượng xuất khẩu cà phê tháng 2 năm 2025 ước đạt 150 nghìn tấn với giá trị đạt 854,2 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm 2025 đạt 284 nghìn tấn và 1,58 tỷ USD, giảm 28,4% về khối lượng nhưng tăng 26,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2025 ước đạt trên 5574 USD/tấn, tăng 76,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong tháng 2 năm nay, các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần 27% tổng khối lượng và 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân sống - còn gọi là cà phê thô; trong khi đó các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần 86% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan và phối trộn.
HÀ NAM CÓ 58 LÀNG NGHỀ ĐANG HOẠT ĐỘNG
Quỳnh Anh
Tỉnh Hà Nam hiện có 58/65 làng nghề được công nhận đang hoạt động, bao gồm 32 làng nghề truyền thống, 26 làng nghề. Sản phẩm của các làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại; mẫu mã, chất lượng ngày càng được cải thiện, nâng cao, có sức hấp dẫn du khách, khách hàng trong và ngoài nước.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nam, những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh được duy trì tương đối ổn định. Số doanh nghiệp, hợp tác xã làng nghề liên tục tăng, góp phần quan trọng trong việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Hiện, các làng nghề đang có 7.400 cơ sở sản xuất, kinh doanh, gồm trên 7.300 hộ gia đình, trên 130 doanh nghiệp, hợp tác xã. Năm 2024, tổng doanh thu năm của các làng nghề ước đạt trên 2.589 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 18.200 lao động với thu nhập bình quân gần 6 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có 22 làng nghề có thu nhập bình quân từ 7 triệu đồng/người/tháng, tập trung chủ yếu ở nhóm chế biến lương thực, thực phẩm và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.