| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 21/05/2025 - 12:09

Biến đổi khí hậu

Vì sao cứ đến cuối mùa khô, sạt lở lại dồn dập ở ĐBSCL?

Thứ Tư 21/05/2025 - 12:06

Cuối mùa khô, nhiều điểm sạt lở lại diễn ra tại ĐBSCL, gây thiệt hại tài sản, đe dọa an toàn của người dân, trong khi công tác ứng phó gặp nhiều khó khăn.

Loạt "điểm nóng" sạt lở

Từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều địa phương ĐBSCL như Hậu Giang, TP Cần Thơ, An Giang… liên tiếp ghi nhận các vụ sạt lở bờ sông, sụt lún nghiêm trọng, gây thiệt hại tài sản và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Tại sông Ông Chưởng (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), mới đây xảy ra vụ sạt lở khiến 10 căn nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại ban đầu ước tính lên đến khoảng 2 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định do ảnh hưởng dòng chảy, ở khu vực cua cong gắt, vốn là vị trí từng xảy ra sạt lở trước đó.

Sạt lở không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn tác động lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: Kim Anh.

Sạt lở không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn tác động lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: Kim Anh.

TP Cần Thơ cũng ghi nhận 3 điểm sạt lở bờ sông từ đầu năm đến nay. Riêng quận Ô Môn - khu vực được xem là “điểm nóng”, khi trong một 1 tuần xảy ra 2 điểm, ảnh hưởng đến lộ giao thông nông thôn và đời sống người dân.

Hay mới đây, tại tuyến kênh Thơm Rơm (thuộc khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt) xuất hiện một đoạn sạt dài 25m, rộng 4-5m, làm 4 căn nhà sụp xuống sông và chuyển vị tuyến kè dài 43m.

Tại Hậu Giang, theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông tin, từ đầu năm 2025 đến ngày 8/5, toàn tỉnh đã xảy ra 19 điểm, với chiều dài 452m, làm mất hơn 2.700m2 đất, ước thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2024, tăng 4 điểm, diện tích mất đất tăng hơn 780m2.

Gần nhất, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) đã xảy ra 2 vụ sụt đất, sạt bờ kênh. Điểm thứ nhất tại ấp Phú Trí B, xã Phú Hữu dài 23m, sâu vào bờ nơi rộng nhất 5m, làm mất 115m2 đất. Vụ việc cũng gây sụt lún lộ giao thông nông thôn, thiệt hại khoảng 83 triệu đồng.

Vụ thứ hai xảy ra ở kênh Mái Dầm (ấp Phú Lợi A, xã Phú Hữu), chiều dài sạt lở 17m, sâu vào bờ nơi rộng nhất là 6m, diện tích mất đất 102m2, sụt lún lộ giao thông nông thôn, ước thiệt hại 70 triệu đồng.

Không chỉ thiệt hại về nhà cửa và hạ tầng, sạt lở còn để lại “di chứng” lâu dài. Nhiều gia đình mất trắng tài sản tích góp cả đời. Dù được hỗ trợ tái định cư, người dân vẫn đối mặt với khó khăn trong việc ổn định cuộc sống, xây dựng lại quan hệ xã hội và việc học hành của con cái.

Điểm sạt lở mới nhất xảy ra vào ngày 20/5 tại quận Ô Môn (TP Cần Thơ). Ảnh: Kim Anh.

Điểm sạt lở mới nhất xảy ra vào ngày 20/5 tại quận Ô Môn (TP Cần Thơ). Ảnh: Kim Anh.

Cảnh báo sạt lở không khó

Chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện lý giải nguyên nhân là do thiếu phù sa và cát làm cho dòng nước trở thành “nước đói” ăn sâu vào bờ, đáy sông tụt sâu hơn, còn bờ sông trở nên cao, nặng hơn và sụp đổ. Đặc biệt, sạt lở bờ sông thường xảy ra vào cuối mùa khô, đây là thời điểm mực nước dòng sông hạ thấp nhất, bờ trở nên cao và nặng nhất trong năm. Cùng lúc đó, nước từ phía thượng nguồn bắt đầu về và chảy mạnh dưới chân bờ sông, âm thầm cắt rỗng “chân” bờ bên dưới.

Ông cũng lưu ý: “Không phải khai thác cát ở đâu thì chỉ sạt lở ở đó. Một khi đáy các sông lớn bị hạ sâu và thực tế đã bị hạ sâu hơn 4-5m so với trước đây, sẽ rút đáy của sông nhánh ra. Đến lượt mình, các sông nhánh cấp 1 sẽ rút đáy của sông nhánh cấp 2, cấp 3 và theo đó sạt lở lan tỏa khắp nơi, kể cả những kênh rạch nhỏ”.

Giải pháp công trình phòng chống sạt lở thời gian qua được nhiều địa phương quan tâm. Ảnh: Kim Anh.

Giải pháp công trình phòng chống sạt lở thời gian qua được nhiều địa phương quan tâm. Ảnh: Kim Anh.

Hiện các địa phương đang áp dụng cả giải pháp công trình và giải pháp “mềm” để phòng chống sạt lở. Tuy nhiên, mỗi hướng đi đều gặp không ít thách thức.

Giải pháp xây dựng công trình có nhược điểm lớn là chi phí cao, tuổi thọ giới hạn, cần duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Ông Thiện nhận định: “Nhà nước không bao giờ đủ tiền để làm công trình chạy theo sạt lở. Chỉ nên xây dựng ở những nơi thật sự xung yếu như khu đô thị, khu dân cư đông đúc, không nên làm tràn lan”.

Đối với giải pháp mềm như trồng bần, làm kè sinh thái thân thiện môi trường và ít tốn kém, nhưng chỉ phù hợp ở những khu vực chưa hoặc ít bị sạt lở, tại các “điểm nóng”, giải pháp này không khả thi.

Một điểm yếu nữa là công tác cảnh báo. Dù các tỉnh ĐBSCL đã xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở, tuy nhiên, theo ông Thiện, thực tế khi xảy ra sự cố, người dân vẫn bị động, không kịp sơ tán.

Bản đồ trực tuyến quản lý sạt lở của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cập nhật 57 điểm sạt lở bờ sông ở miền Nam. Ảnh: Kim Anh.

Bản đồ trực tuyến quản lý sạt lở của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cập nhật 57 điểm sạt lở bờ sông ở miền Nam. Ảnh: Kim Anh.

Ông khuyến nghị: “Cảnh báo sạt lở không khó, không tốn kém. Bởi các địa phương đã có bản đồ và biết những nơi rủi ro cao, biết rõ cơ chế sạt lở là chân bờ bị rỗng âm thầm và thời điểm sạt lở là cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Do đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh vào thời điểm này có thể dùng thiết bị siêu âm, chạy xuồng dọc bờ sông ở những nơi rủi ro cao, rà soát đáy sông để phát hiện vị trí bị rỗng. Từ đó, cảnh báo cho người dân kịp thời di tản”.

Về dài hạn, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện khuyến nghị, không nên quá phụ thuộc vào các công trình chống sạt lở. Thay vào đó, cần ưu tiên kinh phí cho việc di dời sớm người dân khỏi vùng nguy cơ cao, đi kèm chính sách hỗ trợ người dân ổn định sinh kế tại nơi ở mới vì sạt lở sẽ còn tiếp diễn và biện pháp công trình không hiệu quả.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/vi-sao-cu-den-cuoi-mua-kho-sat-lo-lai-don-dap-o-dbscl-d754211.html