| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 01/05/2025 - 18:31

Kinh tế

Từ 1/7, Chính phủ cho phép thử nghiệm cho vay ngang hàng

Thứ Năm 01/05/2025 - 17:57

Từ 1/7, hoạt động cho vay ngang hàng sẽ được thử nghiệm trong 2 năm, cùng với chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), các giải pháp công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo đó, một trong các giải pháp fintech được Chính phủ đồng ý thử nghiệm là cho vay ngang hàng (P2P Lending). Công ty cho vay ngang hàng chỉ được cung cấp giải pháp thử nghiệm khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Cho vay ngang hàng là hình thức kết nối trực tiếp giữa người cho vay và người vay tiền thông qua một nền tảng trực tuyến, không cần trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng.

Hoạt động thử nghiệm P2P Lending sẽ được cấp phép trong 2 năm, nhưng không áp dụng với các nhà băng ngoại. Các tổ chức tín dụng, công ty công nghệ tài chính được tham gia xét duyệt cơ chế thử nghiệm, song không đồng nghĩa việc họ sẽ đáp ứng các điều kiện kinh doanh và đầu tư khi pháp luật có quy định. Kết quả thử nghiệm là căn cứ để các cơ quan quản lý nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý liên quan lĩnh vực cho vay này.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng

Theo Nghị định, mục tiêu của cơ chế thử nghiệm các dịch vụ Fintech nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, qua đó hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, an toàn, hiệu quả với chi phí thấp.

Cơ chế thử nghiệm cũng tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của giải pháp fintech; hỗ trợ xây dựng, phát triển các giải pháp fintech phù hợp với nhu cầu thị trường, khung khổ pháp lý, quy định quản lý. Hạn chế rủi ro xảy ra đối với khách hàng khi sử dụng các giải pháp fintech do tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm cung cấp.

Từ 1/7, Chính phủ cho phép thử nghiệm cho vay ngang hàng. Ảnh: minh họa.

Từ 1/7, Chính phủ cho phép thử nghiệm cho vay ngang hàng. Ảnh: minh họa.

Kết quả triển khai thử nghiệm giải pháp fintech được sử dụng làm căn cứ thực tiễn để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy định quản lý liên quan nếu cần thiết.

Việc xét duyệt tổ chức tham gia sẽ dựa trên các nguyên tắc minh bạch, khách quan và công khai. Các tổ chức được tham gia thử nghiệm không mặc nhiên được xem là đã đủ điều kiện kinh doanh hoặc đầu tư khi chuyển sang giai đoạn thương mại chính thức. Với những đơn vị không tham gia thử nghiệm, vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành của pháp luật.

Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa 2 năm

Thời gian thử nghiệm cho mỗi giải pháp Fintech tối đa là 2 năm, tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận. Trường hợp cần thiết có thể được gia hạn. Việc thử nghiệm chỉ được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, không áp dụng cho các hoạt động xuyên biên giới.

Mỗi tổ chức tham gia chỉ được triển khai giải pháp trong phạm vi ghi rõ trong giấy chứng nhận. Riêng đối với các công ty cho vay ngang hàng, phạm vi thử nghiệm sẽ được xác định cụ thể, giới hạn rõ ràng. Các công ty này không được tự cung cấp biện pháp bảo đảm cho khoản vay, không được hoạt động như một khách hàng vay, cũng như không được cung cấp dịch vụ cho vay cho các công ty cầm đồ.

Trên thực tế, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) thông qua các app cho vay đã nở rộ tại Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, do chưa có khung pháp lý quy định nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng. Đặc biệt nhiều cá nhân lợi dụng mô hình này để biến tướng thành "tín dụng đen" qua mạng với lãi suất và phí cắt cổ. Vì vậy, quy định cho phép thử nghiệm được kỳ vọng là bước đi quan trọng nhằm định hình khung pháp lý phù hợp cho sự phát triển của Fintech tại Việt Nam.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tu-1-7-chinh-phu-cho-phep-thu-nghiem-cho-vay-ngang-hang-d751048.html