| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 01/05/2025 - 08:15

Thị trường

Trung Quốc lần đầu đưa phụ gia vào nghị định thư kiểm dịch sầu riêng

Thứ Năm 01/05/2025 - 08:14

Nội dung này được Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia thông qua, trong nghị định thư vừa ký trong tháng 4/2025.

Ngày 30/4, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) công bố Thông báo số 76 về nội dung Nghị định thư đã ký với Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia (MAFF), liên quan đến yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi.

Điểm mới đáng chú ý, lần đầu tiên Trung Quốc quy định cấm sử dụng bất kỳ chất phụ gia không ăn được nào trong quá trình đóng gói sầu riêng, với mục tiêu tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước.

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Ảnh: Alamy.

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Ảnh: Alamy.

"Quy trình đóng gói phải tuân thủ luật pháp, quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc và các tiêu chuẩn quốc gia, không được thêm bất hợp pháp các chất không phải thực phẩm", Nghị định thư nêu rõ.

Theo đó, doanh nghiệp Campuchia không được phép sử dụng các chất không phù hợp với mục đích tiêu dùng làm thực phẩm, như thuốc nhuộm công nghiệp hay các loại hóa chất bảo quản không nằm trong danh mục cho phép.

Đây là một bước đi cho thấy Trung Quốc đang nâng cao hơn nữa các tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng nông sản, thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt sau những sự cố liên quan đến dư lượng chất cấm được phát hiện trong một số lô hàng sầu riêng hồi đầu năm 2025.

Campuchia là quốc gia thứ 5 ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, sau Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines, nhưng lại là nước đầu tiên thực hiện những yêu cầu về chất phụ gia.

Guojiguoshu - Bản tin quốc tế về rau quả do Công ty MZMC điều hành - nhận xét, bước đi này của GACC nhằm mở rộng tiêu chuẩn ngang bằng với các hiệp định song phương mới ký.

Bên cạnh sầu riêng, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Campuchia từ 17-18/4, hai nước còn ký 2 nghị định thư nữa về tổ yến và cá sấu. Tất cả nằm trong 37 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực chiến lược, nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện và xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh Campuchia - Trung Quốc trong thời đại mới”.

"Trong bối cảnh mở cửa thị trường cho nhiều nước xuất khẩu mới như Campuchia, Trung Quốc có lẽ cần thiết lập một 'mốc tiêu chuẩn chung', làm cơ sở kiểm soát và đánh giá chất lượng sản phẩm", Guojiguoshu đánh giá.

Hải quan Trung Quốc kiểm tra sầu riêng nhập khẩu. Ảnh: Xinhua.

Hải quan Trung Quốc kiểm tra sầu riêng nhập khẩu. Ảnh: Xinhua.

Trước đó, trong các nghị định thư về sầu riêng tươi với Thái Lan hay Việt Nam, Trung Quốc không đưa ra điều khoản rõ ràng nào về chất phụ gia. Việc lần đầu bổ sung quy định này, trong nghị định thư ký hôm 17/4 với Campuchia, có thể trở thành tiền lệ để áp dụng với các đối tác thương mại khác trong tương lai, tạo ra mặt bằng kiểm soát chất lượng đồng bộ hơn trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc.

Ngoài nhóm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Campuchia, 2 quốc gia khác đang tiến rất gần đến việc hoàn tất thỏa thuận này. Đó là: Indoneisa, với mặt hàng sầu riêng đông lạnh; Lào, đang trong quá trình chuẩn bị tài liệu để mở cửa thị trường và đã được chấp thuận về nguyên tắc cho việc xuất khẩu.

Với những động thái kể trên, có thể thấy Trung Quốc có nhu cầu đẩy mạnh kiểm soát kỹ thuật đối với những mặt hàng nông sản nhiệt đới từ Đông Nam Á. Cùng với đó, thị trường tiêu dùng nước này ngày càng đề cao yếu tố truy xuất nguồn gốc, minh bạch trong chuỗi cung ứng và sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nghị định thư vừa ký giữa Trung Quốc và Campuchia còn nêu: Vườn trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng phải được đăng ký và kiểm soát chặt chẽ. MAFF là đơn vị chịu trách nhiệm tổng hợp danh sách các đơn vị đủ điều kiện, trình GACC phê duyệt và cập nhật công khai trên hệ thống CIFER.

Tại khâu chế biến và đóng gói, tất cả hoạt động phải diễn ra dưới sự giám sát của MAFF hoặc các đơn vị được ủy quyền, nhằm đảm bảo rằng sầu riêng đạt tiêu chuẩn kiểm dịch trước khi xuất khẩu.

Ở giai đoạn đầu triển khai nghị định thư, Campuchia kiểm tra ngẫu nhiên ít nhất 2% tổng số lô hàng xuất khẩu. Nếu trong vòng 2 năm không phát hiện vi phạm, tỷ lệ này sẽ giảm còn 1%.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/trung-quoc-lan-dau-dua-phu-gia-vao-nghi-dinh-thu-kiem-dich-sau-rieng-d751008.html