| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 15/05/2025 - 13:09

Kinh tế

Trao đổi hạn ngạch phát thải - Cơ hội để doanh nghiệp chuyển mình

Thứ Năm 15/05/2025 - 13:05

Việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính là cơ hội để doanh nghiệp nhận “tấm vé” thông hành tham gia thị trường carbon trong nước, và thực sự giảm phát thải.

Công cụ “kéo giãn” thời hạn giảm phát thải

Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính của quốc gia, tổ chức, cá nhân được phép phát thải trong một khoảng thời gian xác định, đơn vị tính theo tấn CO2 tương đương (CO2tđ). Năm 2024, đã có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới triển khai thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải và bao phủ 19% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu, tương ứng 10,1 tỉ tấn CO2tđ. So sánh với các công cụ định giá carbon khác (bao gồm cả thị trường carbon tự nguyện) chỉ bao phủ khoảng 2,7 tỉ tấn CO2tđ, kết quả này cho thấy vai trò của thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải (hay còn gọi là thị trường carbon tuân thủ) đang đóng góp rất lớn cho nền kinh tế thế giới.

Việt Nam đã xác định áp dụng thị trường carbon tuân thủ nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, giai đoan vận hành thí điểm bắt đầu từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028. Gần 200 doanh nghiệp là các cơ sở phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực sản xuất sắt thép, xi măng và nhiệt điện sẽ được đưa vào thị trường.

Các cơ sở phát thải lớn sẽ tham gia giai đoạn thí điểm thị trường carbon trong nước. Ảnh minh họa

Các cơ sở phát thải lớn sẽ tham gia giai đoạn thí điểm thị trường carbon trong nước. Ảnh minh họa

Trong giai đoạn này, toàn bộ hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ miễn phí cho các cơ sở. Cơ sở chỉ được phép phát thải trong hạn ngạch đã nhận và nộp trả lại Nhà nước vào cuối năm để đánh giá mức độ tuân thủ. Nếu cần phát thải vượt mức, họ phải mua thêm hạn ngạch từ các cơ sở thừa, hoặc tín chỉ carbon từ các chương trình, dự án để bù trừ hạn ngạch. Theo quy định hiện hành, tỷ lệ bù trừ không quá 10%. Đây cũng là 2 loại hàng hóa của thị trường carbon trong nước.

Việc triển khai thị trường carbon là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu. Các cơ sở tham gia thí điểm liên quan trực tiếp đến mục tiêu giảm phát thải đến năm 2030 của 2 lĩnh vực trọng tâm của NDC Việt Nam, bao gồm năng lượng (giảm 64,8 triệu tấn CO2tđ bằng nguồn lực trong nước; tăng lên 227 triệu tấn CO2tđ khi có hỗ trợ quốc tế) và các quá trình công nghiệp (giảm 27,9 triệu tấn CO2tđ bằng nguồn lực trong nước; tăng lên 49,8 triệu tấn CO2tđ khi có hỗ trợ quốc tế).

Ngành xi măng có lợi thế chi phí đầu tư giảm phát thải thấp hơn nên có thể trở thành nhà cung cấp hàng hóa hạn ngạch phát trong giai đoạn thí điểm thị trường carbon. Ảnh: VNEEP.

Ngành xi măng có lợi thế chi phí đầu tư giảm phát thải thấp hơn nên có thể trở thành nhà cung cấp hàng hóa hạn ngạch phát trong giai đoạn thí điểm thị trường carbon. Ảnh: VNEEP.

Nếu không có thị trường carbon tuân thủ, doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải đầu tư đầy đủ các biện pháp giảm phát thải để đạt mục tiêu NDC của lĩnh vực, đóng góp cho mục tiêu quốc gia. Khi có thị trường carbon tuân thủ, áp lực sẽ giảm đi và doanh nghiệp có thể lựa chọn phương án mua hạn ngạch/tín chỉ bù đắp hoặc đầu tư biện pháp giảm phát thải, làm sao tối ưu nhất trong điều kiện cụ thể của mỗi doanh nghiệp.

Hạn ngạch được phân bổ theo năm và vì vậy, chi phí đầu tư giảm phát thải cũng có thể được phân bổ cho các biện pháp từ thấp đến cao cho tới khi doanh nghiệp đạt được mục tiêu, thậm chí không còn bị áp hạn ngạch. Đây là lý do các cơ sở phải xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nhằm giúp vạch rõ lộ trình đầu tư với tổng chi phí tuân thủ tối thiểu trong các năm tiếp theo.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang trình Chính phủ phê duyệt dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Nghị định mới sẽ cụ thể hóa các quy định về phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tổ chức và phát triển thị trường carbon; chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho đối tác nước ngoài, quốc tế; các lĩnh vực được thực hiện dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon... đặc biệt là các quy định kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thị trường bắt đầu vận hành và phát triển.

Nhiệt điện nhiều khả năng trở thành khách hàng lớn

Để đánh giá tác động của giai đoạn thí điểm thị trường carbon tuân thủ, từ tháng 10/2024 đến tháng 3/2025, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) với sự hỗ trợ của Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP) đã triển khai nghiên cứu trên 114 doanh nghiệp sẽ tham gia thí điểm.

Nghiên cứu dựa vào giả định về chi phí tuân thủ theo 3 bước: Bước 1, doanh nghiệp sẽ đầu tư vào các biện pháp giảm phát thải nếu chi phí đầu tư thấp hơn giá mua hạn ngạch/tín chỉ carbon, và ngược lại. Nếu đã đạt mục tiêu, họ có thừa hạn ngạch để bán ra thị trường. Nếu chưa đạt, họ sẽ sang bước 2 là mua hết tín chỉ carbon bù trừ trong phạm vi cho phép. Nếu vẫn chưa đủ, ở bước 3, doanh nghiệp có hai lựa chọn là mua hạn ngạch hoặc bắt buộc phải đầu tư vào các biện pháp giảm nhẹ chi phí cao.

Các nhà máy nhiệt điện có thể giảm chi phí đầu tư giảm phát thải khi tham gia thị trường carbon. Ảnh minh họa.

Các nhà máy nhiệt điện có thể giảm chi phí đầu tư giảm phát thải khi tham gia thị trường carbon. Ảnh minh họa.

Kết quả cho thấy, ngành nhiệt điện giảm được chi phí tuân thủ nhiều nhất và đồng thời trở thành khách hàng mua hạn ngạch/tín chỉ chủ yếu, tiếp đến là ngành sắt thép. Ngành xi măng có lợi thế chi phí đầu tư giảm phát thải thấp hơn nên có thể trở thành nhà cung cấp hàng hóa hạn ngạch phát thải bán ra thị trường. Trong trường hợp Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nới rộng quy định về tỷ lệ bù trừ tín chỉ carbon so với mức 10% như hiện nay, giá tín chỉ/hạn ngạch sẽ giảm và trở thành lựa chọn hợp lý cho doanh nghiệp thay vì đầu tư vào biện pháp giảm nhẹ.

Quan trọng hơn, doanh nghiệp có thể áp dụng linh hoạt phương thức tuân thủ và điều này sẽ tạo động lực thúc đẩy tái cấu trúc ngành, bằng cách tạo áp lực lên các ngành phát thải cao nhưng mở ra cơ hội cho công nghệ xanh và các ngành phát thải thấp. Mặt khác, thị trường cũng sẽ khuyến khích các dự án tạo tín chỉ carbon trong nhiều lĩnh vực khác như trồng trọt, bảo vệ và phát triển rừng, chăn nuôi, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giao thông vận tải, khai thác và chế biến khoáng sản... hay bất kỳ sáng kiến nào giúp giảm phát thải khí nhà kính. Từ đó, góp phần lan tỏa xu hướng sống xanh, giảm phát thải, phát triển bền vững trong toàn xã hội.

Ở tầm vĩ mô, thị trường carbon tuân thủ mặc dù làm giảm GDP của cả nước (khoảng 0,005-0,009%), nhưng vẫn nhẹ hơn so với kịch bản tăng trưởng không có thị trường carbon và giúp kiềm chế áp lực lạm phát tiêu dùng.

Theo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, thị trường sẽ vận hành chính thức từ năm 2029 và mở rộng các lĩnh vực, cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Mặt khác, Nhà nước sẽ xem xét bổ sung thêm các loại tín chỉ các-bon đưa vào giao dịch cũng như quy định về tỷ lệ tín chỉ sử dụng để bù trừ hạn ngạch, mở rộng chủ thể tham gia giao dịch. Định hướng thị trường carbon của Việt Nam sẽ kết nối với thị trường carbon khu vực và thế giới, với những quy định cụ thể trong việc chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho đối tác nước ngoài, quốc tế.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/trao-doi-han-ngach-phat-thai--co-hoi-de-doanh-nghiep-chuyen-minh-d753258.html