Thứ ba 13/05/2025 - 14:19
Khoa học - Công nghệ
Tranh luận về cây biến đổi gen giống như tranh luận về mì chính
Thứ Tư 12/04/2017 - 13:20
Cơn “thác lũ” phản đối kịch liệt cây trồng biến đổi gen của cộng đồng mạng vừa qua gây ngạc nhiên cho chính giới nghiên cứu khoa học…
- "Mở cửa" cho GMO
- Châu Á thi nhau trồng cây GMO
- Không có bệnh, sinh vật mới do GMO
- Biến Việt Nam thành nơi xuất khẩu giống GMO của khu vực?
Không phải cứ màu sắc lạ là biến đổi gen
GS.TS Lê Huy Hàm vừa vân vê mấy hạt đậu tương, hạt lạc có màu đen vừa bắt đầu câu chuyện: Dưới làn sóng tuyên truyền như vừa qua nên trong dân chúng hình thành một tâm lý cứ có gì lạ, khác, màu sắc bất thường đều cho là biến đổi gen như cà chua, bắp cải có màu thẫm.
Thực tế thì không phải như thế. Chúng ta vẫn biết là bắp cải tím ta vẫn ăn từ xưa đến nay rồi là lạc đen, đậu tương đen… mới xuất hiện gần đây đều không phải là biến đổi gen.
![]() |
Ông Hàm bên giống đậu tương đột biến gen |
Dù công nghệ gen đã biến đổi rất nhiều nhưng người ta chỉ tập trung vào 4 đối tượng cây trồng là ngô, đậu tương, bông, cải dầu. Ngô và đậu tương chủ yếu làm thức ăn chăn nuôi (ở ta đậu tương còn sử dụng làm đậu phụ) còn ngô ngọt chưa có biến đổi gen vì diện tích trồng nhỏ mà đầu tư cho phát triển biến đổi gen tốn kém, thu hồi vốn khó. Bông lấy sợi để may mặc. Cải dầu chủ yếu để lấy dầu, mà khi đã tách dầu thì không còn dấu vết gì của biến đổi gen vì đặc trưng của biến đổi gen là phải xác định ADN, protein mới nhưng khi tách dầu thì đã lọc hết ADN, protein rồi (tồn tại ở trong bã).
Với ngũ cốc như lúa, lúa mỳ, khoai tây người ta đã tạo ra các giống biến đổi gen kháng bệnh rất tốt nhưng chưa đưa vào sản xuất bởi dư luận chưa đồng tình vì đó là cây thực phẩm, ăn trực tiếp. Trung Quốc đã đầu tư khoảng 2 tỉ đô la cho nghiên cứu cây trồng biến đổi gen và đã tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi biến đổi gen, nhưng chưa đưa vào sản xuất cũng vì lý do dư luận chưa đồng tình.
Đột biến và biến đổi gen khác nhau ở cái gì thưa ông?
Biến đổi gen là lấy một gen ở cơ thể khác cấy vào một giống cây trồng hay cũng có thể lấy gen ra từ chính cơ thể đó và tăng cường biểu hiện của nó bằng cách sửa đổi một số thành phần của gen để đạt những tính trạng mong muốn. Đột biến là giống đó dùng các phương pháp hóa học, hay vật lý như tia tử ngoại, tia phóng xạ, tia ion tác động vào từ đó tạo ra nhiều thể đột biến khác nhau rồi chọn thể thích hợp với nhu cầu nhất. Ví dụ như ở Viện tôi lấy hạt đậu tương vàng chiếu xạ tạo nhiều thể đột biến sau đó chọn ra loại đậu tương đen.
![]() |
Đậu tương đột biến gen nên có màu đen |
Nhân loại dùng giống đột biến từ những năm 50 của thế kỷ trước còn chúng ta dùng từ những 80 của thế kỷ trước. Các giống nổi tiếng như lúa DT10, đậu tương DT84 là đột biến mà DT84 hiện vẫn chiếm 60-70% diện tích đậu tương của cả nước. Ngoài ra còn có lúa Khang Dân đột biến có năm diện tích trồng lên tới 400.000 ha và nhiều giống sắn, mía, hoa, cây cảnh khác. Muốn tạo ra giống mới thì phải thay đổi về gen.
Năm 2015, chính Viện Di truyền Nông nghiệp đã được Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tặng giải thưởng thành tựu xuất sắc trong chọn tạo các giống đột biến.
"Tôi thực sự khó hiểu trước dư luận"
Ở mình công tác truyền thông khoa học rất kém nên mới để người dân lâm vào tình trạng quá hoang mang với cây trồng biến đổi gen. Tôi thực sự khó hiểu trước làn sóng chống đối cây trồng biến đổi gen thời gian gần đây.
Người ta đang tưởng tượng ra các tác hại khủng khiếp của cây trồng biến đổi gen như phụ nữ ăn vào sẽ mọc râu, bị vô sinh rồi là ung thư này nọ là có thật mà không cần chứng minh?
Năm 2014 một nhà khoa học Pháp là Seralini đã công bố trên tạp chí tương đối uy tín trên thế giới là chuột ăn ngô biến đổi gen bị ung thư. Lập tức cộng đồng khoa học thế giới rầm rộ vào cuộc, đòi được xem xét chi tiết công trình, trong đó hơn 80 nhà khoa học Pháp đã ký đơn kiến nghị rất mạnh mẽ. Hàng ngàn đơn thư đã gửi đến tòa soạn công bố bài báo.
Cuối cùng Hội đồng An toàn Thực phẩm châu Âu (European Food Safety Agency - EFSA) đã thành lập nhóm nghiên cứu khẩn cấp để phân tích số liệu của bài báo và kết luận bài báo không có cơ sở khoa học. Bởi bản thân giống chuột sử dụng cho nghiên cứu đó khi về già sinh ra nhiều khối u, bởi các kết quả thí nghiệm không có giá trị thống kê.
Bài báo của Seralini sau đó đã phải rút khỏi danh mục. Đây là thông tin xuất hiện trên tạp chí khoa học nên có cơ sở để nói còn thông tin cứ nói khơi trên mạng là ung thư hoặc vô sinh này nọ thì xin phép không bình luận.
Tuy nhiên bên cạnh chúng ta còn có các cơ quan quản lý nhà nước còn có các tổ chức quốc tế. Ví dụ như tổ chức Nông lương liên hợp quốc FAO đầu những năm 90 khi ta đưa ốc bươu vàng vào nuôi đã cảnh báo nếu nuôi sẽ không có gạo xuất khẩu, đó là sai lầm mà Việt Nam phải sửa. Hay tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi có một trẻ em Việt Nam tiêm vacxin bị sao đó sẽ vào cuộc ngay để xem loại vacxin đó có phải là nguyên nhân hay không.
Về cây trồng biến đổi gen GMO này cũng thế, bên cạnh ta có nhiều tổ chức mà đặc biệt là EFSA. Tại sao tôi nhắc đến EFSA? Vì châu Âu là nơi phản đối GMO nhiều nhất nên EFSA phải vào cuộc. Chính EFSA đã bỏ hàng tỉ đô la cho 130 nhóm nghiên cứu độc lập để xem ảnh hưởng của GMO đến môi trường và sức khỏe con người.
![]() |
Kiểm tra chất lượng của giống |
Có người cho rằng các nước phát triển sản xuất cây trồng biến đổi gen chủ yếu để xuất khẩu nhưng theo thông tin thì Mỹ năm 2010, trong số 89,9 triệu tấn đậu tương biến đổi gen sản xuất ra thì có đến 47,5 triệu tấn tiêu dùng trong nước còn 42,3 triệu tấn là xuất khẩu. Năm 2012 trong 311 triệu tấn ngô biến đổi gen Mỹ làm ra thì có 206,3 triệu tấn tiêu dùng trong nước còn 58,8 triệu tấn xuất khẩu. |
Kết quả của các nghiên cứu này cuối cùng đi đến kết luận: Không có bằng chứng cho rằng cây trồng và sản phẩm cây trồng biến đổi gen kém an toàn hơn so với cây trồng thông thường. Rất thận trọng người ta kết luận là cây trồng và sản phẩm cây trồng biến đổi gen không kém an toàn hơn sản phẩm truyền thống, chứ không kết luận là an toàn, vì không có thực phẩm nào là an toàn tuyệt đối vì cùng một sản phẩm có người dị ứng với tôm, với nhộng, với đậu tương..., có người lại không.
Tại sao châu Âu lại phản đối mạnh mạnh cây trồng biến đổi gen?
Biến đổi gen sinh ra ở châu Mỹ và đưa vào sản xuất ở châu Mỹ rất thuận lợi cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Các nước như Brazil, Mỹ, Argentina trồng rất nhiều, thậm chí diện tích một số cây biến đổi gen chiếm đến 100% tổng diện tích. Nhưng ở châu Âu thì nó gặp cản trở bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là thời điểm không thuận lợi.
Cuối những năm 90 khi bệnh bò điên, nhiễm khuẩn thực phẩm hữu cơ lan tràn làm người dân châu Âu mất lòng tin vào các cơ quan quản lý nhà nước. Thứ hai bởi châu Âu đất rộng, người thưa, KHKT phát triển nên họ không có vấn đề về an ninh lương thực, ngược lại, họ phải đối phó với sản xuất thừa hơn là sản xuất thiếu.
Thứ ba bởi kinh tế của họ mạnh nên chỉ dùng 5-10% thu nhập cho thực phẩm, có tăng một vài phần trăm cũng không sao. Thứ tư là nguyên nhân tín ngưỡng, có trường phải coi Thượng đế đã tạo ra vạn vật thế nào nên hãy để yên như thế. Cuối cùng cũng không thể loại trừ lợi ích nhóm.
Ở nơi có công nghệ GMO sẽ có năng suất cao hơn, giá thành sản xuất rẻ hơn sẽ thuận lợi hơn trong cạnh tranh còn nơi chưa có công nghệ này sẽ tìm cách bù lại bằng khẳng định tính an toàn sản phẩm của mình. Ta phải biết rằng thị trường thực phẩm hữu cơ có lợi rất nhiều từ các thông tin về tác hại của sản phẩm biến đổi gen...
Tranh luận xuyên thế kỷ
Tranh luận về cây trồng biến đổi gen là tranh luận xuyên thế kỷ và chưa nhìn thấy hồi kết. Không ai chứng minh được nó an toàn nhưng ngược lại cũng không ai chứng minh được nó không an toàn. Nếu nói là người ta đã dùng an toàn từ năm 1996 đến nay thì phe chống lại đặt vấn đề thế hệ thứ hai, thê hệ thứ ba...
Nó giống như cuộc tranh luận về mì chính. Người châu Á ăn nhiều mì chính nhưng người châu Âu không ăn. Bên lề các hội thảo quốc tế về an toàn thực phẩm, thường có các thảo luận về an toàn của mỳ chính. Tuy nhiên không ai chứng minh được là nó an toàn, khi sử dụng với lượng lớn sau nhiều thế hệ, nhưng cũng không ai chứng minh là nó không an toàn, bởi vì bản thân chất glutamat quả khác.
Quy trình đưa cây trồng biến đổi gen vào Việt Nam là dễ dãi hay chặt chẽ?
Quy trình của chúng ta chặt chẽ vì thứ nhất là ta yêu cầu công ty cung ứng sản phẩm biến đổi gen chứng minh rằng 5 nước phát triển trên thế giới đã cho sử dụng sản phẩm biến đổi gen đó với cùng một mục đích và sử dụng an toàn. Những nước phát triển họ có hệ thống đánh giá an toàn thực phẩm cùng tiêu chuẩn thực phẩm rất cao.
Thứ nữa là ta có Hội đồng an toàn sinh học gồm đại diện 5 bộ, gồm bộ Khoa học Công nghệ, Công thương, Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Viện Hàn lâm và các nhà khoa học độc lập khác để xem xét, khảo nghiệm diện hẹp rồi khảo nghiệm diện rộng về giống xin đăng ký, rồi xem xét cho sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
![]() |
Nông dân sản xuất ngô giống biến đổi gen ở phía Nam. |
Việt Nam hiện đã cấp phép cho 6 giống biến đổi gen đều là giống ngô chăn nuôi. Bông cũng có biến đổi gen nhưng không nhập chính thức nên không biết từ nguồn nào. Cho đến tháng 8 năm 2016 ở châu Âu có 5 nước đang trồng ngô biến đổi gen và EU đã cho phép sử dụng 88 giống cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Có lẽ mọi người không biết rằng đậu tương và ngô của ta nhập khẩu từ khoảng hơn 10 năm nay hầu hết là biến đổi gen, và chủ yếu sử dụng làm thức ăn chăn nuôi?
Việc sử dụng sản phẩm biến đổi gen là xu hướng không thể tránh được. Vì sao. Vì 82% đậu tương của thế giới là biến đổi gen. 18% còn lại sản phẩm không biến đổi gen sản xuất ở những nước nhỏ lẻ, không có khả năng xuất khẩu. Nếu ta yêu cầu nhập giống đậu không biến đổi gen thì sẽ đắt thêm khoảng 100-150 euro/tấn. Nhập đậu tương giá đắt hơn về làm thức ăn chăn nuôi đương nhiên là thịt của ta sản xuất ra sẽ đắt hơn và kém sức cạnh tranh hơn.
Thứ nữa là kinh tế châu Á trong khoảng 20 năm gần đây phát triển tốt nên con người đã chuyển thức ăn từ ngũ cốc sang thịt cá. Để làm 1 kg thịt cá mất 5-6 kg ngũ cốc. Châu Á không thể sản xuất đủ ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi mà phải nhập một lượng rất lớn về.
Xin cảm ơn ông!
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tranh-luan-ve-cay-bien-doi-gen-giong-nhu-tranh-luan-ve-mi-chinh-d191230.html