| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 21/05/2025 - 16:30

Biến đổi khí hậu

TP.HCM thích ứng biến đổi khí hậu: [Bài 2] Tăng tốc hành động

Thứ Tư 21/05/2025 - 15:45

Nhận diện rõ các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra, TP.HCM đã nhanh chóng định hình chính sách, triển khai các giải pháp thực tiễn nhằm thích ứng.

Hành động chiến lược

TP.HCM hiện là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điểm mới đáng chú ý là việc lồng ghép kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, giao thông, sử dụng đất, năng lượng và các lĩnh vực then chốt khác, nhằm đảm bảo định hướng phát triển dài hạn của thành phố không xung đột với các mục tiêu khí hậu.

Theo GS.TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM), điều quan trọng là TP.HCM đã chuyển từ thế bị động ứng phó sang chủ động lồng ghép khí hậu trong mọi quyết định phát triển.

“Không chỉ là câu chuyện về môi trường, biến đổi khí hậu đã trở thành yếu tố cốt lõi trong quy hoạch và đầu tư. Đây là hướng đi phù hợp với các đô thị lớn trên thế giới đang đối mặt với rủi ro tương tự”, GS.TS Lê Thanh Hải nhận định.

TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển giao thông xanh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyễn Quỳnh.

TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển giao thông xanh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyễn Quỳnh.

Từ góc độ hành chính đô thị, thành phố cũng đang hoàn thiện cơ chế điều phối các chương trình hành động khí hậu, thúc đẩy phối hợp liên ngành giữa tài nguyên môi trường, giao thông, xây dựng đến khoa học công nghệ và tài chính. Cơ quan quản lý đô thị được giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả năng lượng và tăng cường khả năng chống chịu hạ tầng trước thiên tai.

Cùng với đó, TP.HCM tích cực tham gia các mạng lưới quốc tế như Liên minh các thành phố chống chịu (100RC), Nhóm các thành phố cam kết giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu (C40), hay Diễn đàn Đô thị châu Á. Nhờ vậy, thành phố không chỉ tiếp cận nguồn lực tài chính – kỹ thuật mà còn học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình tiên phong như Rotterdam (Hà Lan), Singapore hay Bangkok.

Đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác với JICA (Nhật Bản), thành phố đang triển khai dự án xây dựng hệ thống kiểm kê phát thải carbon, góp phần hiện đại hóa quản lý môi trường đô thị. Các cơ sở dữ liệu khí hậu cũng được cập nhật để phục vụ công tác cảnh báo sớm, quy hoạch rủi ro và đầu tư có trọng tâm.

Đánh giá thêm về vấn đề này, ông Lê Ngọc Quý, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên nước và Môi trường, Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường miền Nam nhận định, TP.HCM đang điều chỉnh quy hoạch chung theo mô hình đô thị đa trung tâm với 6 phân vùng, nhằm phân tán áp lực hạ tầng, tăng khả năng thích ứng và chống chịu rủi ro khí hậu.

Thành phố cũng ban hành “Cẩm nang quy hoạch và thiết kế đô thị thích ứng với nước”; đồng thời thành lập các nhóm chuyên gia để nghiên cứu, phát triển các mô hình quy hoạch xanh - sạch, điển hình là dự án Công viên Tam Phú (TP Thủ Đức) - nơi được chọn làm mô hình nghiên cứu đánh giá lợi ích của giải pháp thiên nhiên trong quản lý ngập.

Từ góc độ hạ tầng, TP.HCM triển khai Đề án Chống ngập và Xử lý nước thải 2020 - 2045, đầu tư hàng loạt công trình kỹ thuật thoát nước, hồ điều tiết, hệ thống bơm tiêu và các công trình tiêu úng tại các quận ven đô. Năm 2024, thành phố bổ sung hơn 2.087m² mảng xanh công cộng, nhằm nâng khả năng thấm nước của đất, giảm hiện tượng đảo nhiệt và làm mát đô thị.

Đặc biệt, thành phố lồng ghép tiêu chí thích ứng biến đổi khí hậu vào quy hoạch phân khu, tăng cường không gian mở, hồ điều tiết, phát triển hạ tầng bền vững. Dự kiến xây dựng khoảng 300 ha hồ dự trữ nước thô trong quy hoạch tổng thể giai đoạn 2040 - 2060 để đảm bảo an ninh nguồn nước trong điều kiện thời tiết cực đoan kéo dài.

Thực tiễn thích ứng

Không dừng lại ở quy hoạch và chính sách, TP.HCM đã và đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp cụ thể để tăng khả năng thích ứng. Trên địa bàn thành phố, nhiều dự án hạ tầng chống ngập được triển khai đồng bộ với mục tiêu kiểm soát ngập lụt do mưa lớn và triều cường - vốn đang ngày càng trầm trọng bởi tác động của biến đổi khí hậu.

Dự án kiểm soát triều 10.000 tỷ đồng với 6 cống ngăn triều lớn đang gấp rút hoàn thiện, kỳ vọng sẽ bảo vệ hơn 6 triệu dân khu vực trung tâm khỏi tình trạng ngập sâu. Bên cạnh đó, TP.HCM đang từng bước hồi sinh hệ thống kênh rạch nội đô vốn bị lấn chiếm, nhằm khơi thông dòng chảy tự nhiên, tạo không gian thoát nước và giảm áp lực lên hệ thống cống ngầm.

Ở cấp độ cộng đồng, nhiều địa phương đã chủ động triển khai mô hình hồ điều tiết nước mưa tại các công viên, trường học, khu dân cư. Những công trình này không chỉ giảm ngập cục bộ mà còn đóng vai trò là “lá phổi xanh”, cải thiện vì khí hậu và nâng cao chất lượng sống.

TP.HCM cũng đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo, với hơn 20.000 hệ thống điện mặt trời áp mái đã được lắp đặt, chủ yếu tại hộ gia đình, nhà máy, trường học và trụ sở công. Bên cạnh đó, các tuyến xe buýt điện đang vận hành thử nghiệm, góp phần giảm phát thải và xây dựng thói quen giao thông xanh.

Song song, thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý khí hậu. Hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập FRMIS cung cấp dữ liệu mưa, triều, vận hành cống theo thời gian thực, giúp dự báo sớm và điều hành hiệu quả. Các bản đồ ngập, bản đồ rủi ro khí hậu được tích hợp trên nền tảng số, hỗ trợ ra quyết định ở cả cấp chính quyền lẫn người dân.

Đánh giá về các giải pháp thực tiễn, ông Lê Ngọc Quý, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên nước và Môi trường, Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường cho rằng, TP.HCM đã có bước tiến tích cực, song vẫn cần tiếp tục đầu tư đồng bộ và bài bản hơn.

“TP.HCM cần xây dựng bản đồ nguy cơ ngập chi tiết đến từng phường xã, kết hợp phát triển hạ tầng ngầm như bể chứa nước mưa, hệ thống bơm điều khiển cảm biến. Ngoài ra, việc mở rộng không gian xanh, kiểm soát bê tông hóa bề mặt và hạn chế khai thác nước ngầm cũng là những bước đi bắt buộc nếu muốn tăng khả năng chống chịu dài hạn”, ông Quý khuyến nghị.

Theo ông Lê Ngọc Quý, Thành phố nên đẩy mạnh hợp tác tài chính khí hậu, tận dụng các nguồn vốn từ Quỹ khí hậu xanh (GCF), các tổ chức phát triển quốc tế và khu vực tư nhân để triển khai các dự án lớn, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng bền vững, giao thông sạch và chuyển đổi năng lượng.

còn tiếp...

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tphcm-thich-ung-bien-doi-khi-hau-bai-2-tang-toc-hanh-dong-d754031.html