Thứ năm 29/05/2025 - 05:13
Môi trường
TP Huế hướng đến đô thị giảm nhựa kiểu mẫu
Thứ Ba 27/05/2025 - 15:57
Thông qua dự án TVA/WWF-Việt Nam, TP Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp giảm rác thải nhựa, hướng đến đô thị giảm nhựa hình mẫu của Việt Nam.
- Cộng đồng chung tay giảm rác thải nhựa
- Ra mắt Điểm du lịch giảm nhựa Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc
- Bộ Nông nghiệp và Môi trường kêu gọi hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 2025
- Chống ô nhiễm nhựa: Việt Nam chủ động, tiên phong
Chưa đầy một tháng qua, cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, một di tích quốc gia và là điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu tại Huế) có nhiều nét thay đổi tích cực, khi xuất hiện nhiều trang thiết bị giảm nhựa như máy lọc nước, bình nước thủy tinh, ly thủy tinh; hệ thống thùng rác phân loại, bảng nhận diện và truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn du khách thải rác đúng nơi quy định…
Đây là kết quả của mô hình “Điểm du lịch Giảm nhựa cầu ngói Thanh Toàn”, do Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (Dự án TVA/WWF-Việt Nam) thực hiện. Nhiều cơ sở du lịch cộng đồng tại khu vực cầu ngói đã được Dự án TVA chứng nhận và hỗ trợ triển khai thí điểm mô hình giảm nhựa.

Nhiều cơ sở du lịch cộng đồng tại khu vực cầu ngói Thanh Toàn đang triển khai thí điểm mô hình giảm nhựa. Ảnh: Văn Dinh.
Tại trường Tiểu học số 1 Thuận An (phường Thuận An, quận Thuận Hóa), thời gian qua, nhà trường đã tổ chức nhiều tiết học lồng ghép dạy phân loại rác tại nguồn (PLRTN) và giảm nhựa. Tại đây, các em học sinh được giáo viên chỉ dẫn cách tái chế và sử dụng lại các loại rác thải nhựa, thực hành phân loại rác; chuyển tải các câu chuyện về bảo vệ môi trường và được chính các em tái diễn lại ngay trên lớp học.
Cô Hồ Thị Lan Nhi, giáo viên trường Tiểu học số 1 Thuận An chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của Dự án TVA, thông qua các tiết học, dù còn nhỏ nhưng học sinh đã biết vận dụng kiến thức, từ những vỏ chai nhựa bỏ đi đã làm ra những sản phẩm có ích cho bản thân và gia đình. Có thể nhận định đây là giai đoạn đầu tiên cho các em có thể định hướng những thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày, chúng tôi rất vui vì có những lớp học ý nghĩa, bổ ích như này.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế, toàn thành phố bình quân hơn 670 tấn rác thải ra mỗi ngày; trong đó rác thải nhựa và kim loại chiếm 8-18%. Từ năm 2021 đến nay, WWF-Việt Nam đã đồng hành hỗ trợ cho TP Huế Dự án TVA thông qua sự tài trợ của WWF-Na Uy, với mong muốn đưa Huế trở thành một đô thị giảm nhựa trong tương lai.

Những hoạt động ý nghĩa giúp thế hệ trẻ thay đổi hành vi để thúc đẩy giảm rác thải nhựa ra môi trường. Ảnh: Văn Dinh.
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân - Quản lý Dự án TVA chia sẻ, trước khi tiếp nhận Dự án, Huế là địa phương đã có thương hiệu xanh, sạch, đẹp của quốc gia và khu vực châu Á khi được WWF công nhận là “Thành phố xanh Quốc gia” đầu tiên của Việt Nam. Thế nhưng, Huế vẫn là địa phương ưu tiên cấp bách, cần triển khai các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công - tư, các tổ chức xã hội, cộng đồng địa phương để hạn chế rác thải nhựa đang đe dọa trên địa bàn.
Dự án áp dụng phương thức vừa hỗ trợ nguồn tài chính để đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc thu gom, xử lý rác thải nhựa; đồng thời áp dụng 3 chiến lược trong phương pháp truyền thông thay đổi hành vi để thúc đẩy giảm rác thải nhựa ra môi trường, như: truyền thông thay đổi hành vi, huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội và vận động chính sách.
Từ năm 2022 đến 2024, Dự án TVA đã tài trợ cho 83 trường học tại TP Huế thực hành mô hình giảm nhựa, trong đó 32 trường tiểu học và 20 trường trung học cơ sở với gần 37.000 học sinh tham gia. Ngoài ra, dự án đã bàn giao 72 “Ngôi nhà xanh thu gom phế liệu” cho các trường, 10 thùng ủ phân hữu cơ và 52 bảng nội quy để thúc đẩy phân loại rác và gia tăng tỷ lệ tái chế rác thải. 25 câu lạc bộ “Em yêu môi trường” cũng đã được thành lập với hơn 500 học sinh tham gia.

Những ngôi nhà xanh, mô hình đổi rác lấy quà đã và đang góp phần bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm nhựa tại TP Huế. Ảnh: Văn Dinh.
Qua nhiều năm triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trong khuôn khổ Dự án TVA, TP Huế đã có thêm 2 xe ép rác, 292 bộ thùng rác, 122 ngôi nhà xanh, 27.000 bộ túi rác, 125 camera giám sát, 9 trạm nhà chờ và cấp nước miễn phí, hàng trăm túi rác cho ngư dân. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, Dự án TVA đã cung cấp 272 thùng rác (240 lít) lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 100 túi lưới cỡ lớn cho tàu đánh cá xa bờ và hàng trăm túi cỡ nhỏ cho tàu đánh cá gần bờ để mang rác về bờ; vệ sinh bãi biển, khu vực ven đầm phá và thu gom được 12,3 tấn rác, trong đó có 4,3 tấn rác thải nhựa.
Hiện đã có 22 khách sạn (tương đương 70% thành viên của Hội khách sạn trên địa bàn TP Huế) cam kết triển khai ít nhất một lần thực hành giảm sản phẩm nhựa dùng một lần tại đơn vị. Trong đó, có 7 khách sạn tiên phong với những mô hình, sáng kiến, đề ra kế hoạch giảm nhựa trong hoạt động kinh doanh với nguyên tắc 6T (từ chối, tiết giảm, tái sử dụng, thay thế, tái chế và thu gom).
Một Trung tâm Thông tin Môi trường tại đường Trần Phú (quận Thuận Hóa) hình thành, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như “Ngày hội tái chế”, sự kiện “Đổi rác lấy quà”, “Điểm tiếp nhận xanh”, thu hút hơn 1.400 lượt tham quan, qua đó cung cấp thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về giảm thiểu rác thải nhựa và PLRTN.
“Dự án đang thực hiện rất tốt, từ năm 2021-2024, Huế đã đạt trên 260% mục tiêu của chương trình, người dân nhiệt thành tham gia các hoạt động cộng đồng, doanh nghiệp tiên phong thay đổi thói quen tiêu dùng, từ chối và tiết giảm sử dụng nhựa dùng một lần, lựa chọn các giải pháp bền vững, góp phần lan tỏa nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và tầm quan trọng của việc PLRTN, qua đó thúc đẩy lối sống xanh và bền vững trong cộng đồng. Với những thành quả từ Dự án, chúng tôi tin rằng tinh thần giảm nhựa sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng và lan rộng, đóng góp vào một Huế xanh - sạch - sáng cho hôm nay và mai sau” bà Vân nói.

Hàng trăm thùng rác lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, góp phần hạn chế ô nhiễm trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Văn Dinh.
Ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho rằng, thời gian qua, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động để bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, nổi bật là phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”. Dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác thu gom rác thải nhựa vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc. Do đó, Dự án TVA đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa, góp phần quan trọng để giữ vững hình ảnh của Huế với các danh hiệu “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”; “Thành phố Xanh quốc gia”, đô thị Huế “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”...
Năm 2025, Dự án TVA đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và thúc đẩy phân loại rác tại nguồn tại các vùng vệ tinh của TP Huế như huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang và thị xã Hương Thủy. Các hoạt động nổi bật bao gồm: Ra mắt các điểm đến du lịch giảm nhựa, phát triển và nhân rộng mô hình Trường học giảm nhựa, đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi, khuyến khích giảm sử dụng nhựa dùng một lần, tăng cường thực hành giảm nhựa tại hệ thống siêu thị, hộ gia đình, hộ kinh doanh...
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tp-hue-huong-den-do-thi-giam-nhua-kieu-mau-d754997.html