Thứ ba 15/04/2025 - 14:21
Chính trị
Toàn bộ các xã sau sáp nhập chính thức hoạt động từ ngày 15/8
Thứ Ba 15/04/2025 - 14:16
Nghị quyết của Quốc hội ấn định mốc thời gian đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/8 và cấp tỉnh là ngày 15/9.
- Bộ Chính trị hướng dẫn phương án nhân sự địa phương sau sắp xếp
- Thủ tướng: Không bỏ sót nhiệm vụ trong sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính
- Bàn việc sáp nhập các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hoà Bình
- Danh sách dự kiến 34 tỉnh thành sau sáp nhập, hợp nhất theo Nghị quyết 60
Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành quy định về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025. Theo đó, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/8/2025.
Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/9/2025.

Một góc thành phố Hà Giang. Ảnh: Khương Trung.
Phạm vi, mục tiêu của việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025
Nghị quyết quy định về việc sắp xếp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là đơn vị hành chính cấp tỉnh) và sắp xếp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là đơn vị hành chính cấp xã) trong năm 2025 theo các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh quy định tại Nghị quyết là việc nhập tỉnh với tỉnh để hình thành tỉnh mới hoặc nhập tỉnh với thành phố trực thuộc Trung ương để hình thành thành phố trực thuộc trung ương mới theo định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã quy định tại Nghị quyết là việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp xã để bảo đảm có số lượng, quy mô phù hợp, cả nước giảm khoảng 60% đến 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính
Việc sắp xếp phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải tuân thủ Hiến pháp, phù hợp quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết này.
Trường hợp sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp với định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được đánh giá là phù hợp quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Nghị quyết, tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp xã được quy định như sau: Tên của đơn vị hành chính cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ;
Khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hoá, cập nhật dữ liệu thông tin.
Chế độ, chính sách của các đơn vị hành chính sau sắp xếp
Việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương khi sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất và gắn với việc sắp xếp tổ chức Đảng và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp xã sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với quy định về số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính, Nghị quyết nêu rõ, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp.
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp, không kể số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện được bố trí làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã.
Đối với việc chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, Nghị quyết quy định được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Việc cấp, sử dụng con dấu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Chính phủ.
Trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh
Đối với kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, Nghị quyết nêu rõ, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành để thực hiện xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính; tổ chức tuyên truyền, vận động; tổ chức lấy ý kiến nhân dân; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính và các nhiệm vụ cần thiết khác do sắp xếp đơn vị hành chính.
Kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính do ngân sách địa phương bảo đảm. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng kinh phí thường xuyên trong nguồn ngân sách nhà nước đã được giao trong thời kỳ ổn định ngân sách để chi các nhiệm vụ quy định.
Ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 100 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2025 theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/toan-bo-cac-xa-sau-sap-nhap-chinh-thuc-hoat-dong-tu-ngay-15-8-d748319.html