Thứ ba 22/04/2025 - 10:15
Trồng trọt
Tìm lối đi cho các hộ trồng mắc ca nhỏ lẻ
Thứ Ba 22/04/2025 - 10:10
Hộ dân tự phát triển trồng mắc ca phải nắm rõ những nguyên tắc cơ bản từ cây giống đến kỹ thuật trồng, tránh những hệ lụy kéo dài nhiều năm về sau.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa bao giờ là điều dễ dàng. Để tạo sự thay đổi lớn cho một vùng đất, cần có những người dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng đầu tư. Ở thành phố Sơn La, có một nông dân năm nay ngoài 60 tuổi đã làm được điều đó. Ông không chỉ liên kết mà còn tự bỏ vốn đầu tư cây giống cho bà con, góp phần thay da đổi thịt những vùng đất đồi cằn cỗi tại các xã nghèo.
Là một trong hai đơn vị cung ứng cây giống mắc ca trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH MTV Mai Sơn do ông Đặng Bá Sơn làm Giám đốc đang giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng, nhận rộng các vùng trồng mắc ca tại Sơn La.

Ông Sơn dù đã ngoài 60 tuổi nhưng tình yêu với cây mắc ca chưa bao giờ nguôi. Ảnh: Đức Bình.
Với tình yêu lớn dành cho cây mắc ca, ông Sơn đã dành nhiều thời gian khảo sát vùng trồng tại địa phương. Cơ duyên đã đưa ông đến với xã Mường É của huyện Thuận Châu khi nhận được lời mời liên kết sản xuất với nông dân từ ông Hà Quyết Nghị, cựu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La cùng ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch huyện Thuận Châu thời điểm đó.
Ở vùng đất còn nhiều khó khăn, người dân đều khát khao thoát nghèo nên khi nghe về lợi ích của cây mắc ca cũng như chứng kiến mô hình trồng thành công ở huyện Tuần Giáo (Điện Biên), họ đã tự tin nuôi hi vọng với cây trồng này.
“Trồng xen canh mắc ca với cà phê và chè, trên cùng một diện tích, bà con vẫn có thể duy trì thu nhập từ cây chè, cây cà phê, đồng thời có thêm thu nhập từ cây mắc ca. Nhờ vậy, họ rất yên tâm đồng hành", ông Sơn chia sẻ.
Hiện mỗi năm Công ty TNHH MTV Mai Sơn có khả năng cung ứng hơn 5.000 cây giống mắc ca, con số còn khiêm tốn so với nhu cầu mở rộng vùng trồng trên địa bàn tỉnh. Sự khan hiếm này buộc nhiều hộ dân phải tìm mua cây giống trôi nổi trên thị trường, đối mặt với không ít rủi ro về chất lượng.
Lưu ý về cây giống và cách trồng
Là thành viên Hiệp hội Mắc ca Việt Nam từ những ngày đầu, ông Sơn hiểu rõ tiềm năng phát triển của loài cây được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô” tại Tây Bắc. Thế nhưng với vùng trồng hơn 40ha tại xã Mường É, việc liên kết sản xuất mắc ca giữa Công ty TNHH MTV Mai Sơn với bà con là bài toán khó. Chọn giống gì, trồng ra sao, bà con liệu có đáp ứng đúng yêu cầu không... là những câu hỏi xuất hiện trong ngày ông Sơn bắt tay liên kết với nông dân.

Vùng trồng xen mắc ca với chè tại xã Mường É, huyện Thuận Châu. Ảnh: V.D.
Theo ông Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã công nhận hơn 13 giống mắc ca nhưng trên thực tế thị trường hiện có tới hơn 30 giống khác nhau, và không phải giống nào cũng phù hợp với mọi vùng sinh thái. Chẳng hạn tại Tây Nguyên, các giống thuộc dòng "đầu 8" như 800, 842, 849 được ưa chuộng, trong khi ở Tây Bắc, qua khảo nghiệm cho thấy các giống thích hợp hơn là A16, A38, QN1, 246...
Mắc ca là cây ra quả theo chùm. Tùy vào khả năng đậu và giữ quả, mỗi chùm có thể chỉ có 1 - 2 quả, nhưng cũng có thể đạt tới 20 - 30 quả hoặc nhiều hơn. Nếu trồng từ cây thực sinh (tức cây trồng từ hạt), phải mất từ 6 - 7 năm hoặc lâu hơn cây mới bắt đầu ra hoa.
Theo ông Sơn, Hiệp hội Mắc ca Thế giới khuyến cáo nên trồng mắc ca bằng phương pháp ghép cành, trồng xen từ 2 - 3 giống trên cùng 1 vườn. Nếu trồng đúng kỹ thuật, đến năm thứ 4 cây đã ra hoa, một số cây có quả bói, đến năm thứ 6 sẽ cho năng suất ổn định và từ năm thứ 10 trở đi năng suất ổn định, dao động ở mức 20 - 30kg/cây/năm.
Với những cây đã cho quả, trung bình mỗi năm có ba đợt ra lộc chính vào tháng 4, cuối tháng 6 và cuối tháng 10.

Cây giống được ông Sơn được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Ảnh: Đức Bình.
Ông Sơn cho biết hiện tượng rụng quả non ở cây mắc ca là quá trình sinh lý bình thường, chủ yếu do sự mất cân đối dinh dưỡng ở các giai đoạn phát triển của cây.
Khi cây bước vào giai đoạn ra hoa rộ, nhu cầu dinh dưỡng tăng cao khiến hàm lượng khoáng chất trong lá giảm sút, dẫn đến hiện tượng rụng quả lần đầu.
Đến cuối tháng 6, khi lộc hè bắt đầu phát triển mạnh, cây bước vào giai đoạn tích lũy dầu trong quả. Nhu cầu dinh dưỡng tăng đột biến khiến cây phải cạnh tranh chất khoáng giữa lá và quả, dẫn đến đợt rụng quả cao điểm thứ hai vào tháng 7.
Ngoài yếu tố dinh dưỡng, rụng quả còn do ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường như sâu bệnh, nhiệt độ cao, thiếu nước, độ ẩm thấp... Nếu nhiệt độ tăng đột ngột trong thời điểm gần thu hoạch, quả cũng dễ bị rụng.
Rủi ro các hộ trồng nhỏ lẻ
Ngoài vấn đề kỹ thuật, cây giống là vấn đề mấu chốt để phát triển cây mắc ca bền vững. Trên thị trường hiện xuất hiện tràn lan giống mắc ca trôi nổi, người dân gặp nhiều khó khăn để phân biệt các giống khác nhau.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thuận Châu, huyện chủ trương phát triển cây mắc ca theo hướng chậm mà chắc và an toàn. Huyện luôn phối hợp với các công ty và hợp tác xã uy tín để hướng dẫn và hỗ trợ bà con lựa chọn cây giống đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ vì diện tích nhỏ nên tự mua cây giống số lượng ít qua thương lái, gây khó khăn trong công tác kiểm soát.

Việc xây dựng những vườn ươm cây giống được quản lý nghiêm ngặt ngay tại địa bàn tỉnh Sơn La là rất cần thiết. Ảnh: Đức Bình.
Để đề phòng rủi ro, trồng xen mắc ca với cây trồng khác là giải pháp tốt giúp bà con duy trì thu nhập trong thời gian chờ mắc ca cho thu hoạch. Một số cây trồng phù hợp để trồng xen với mắc ca gồm cây họ đậu, cà phê hoặc ngô. Huyện Thuận Châu có gần 4.000ha trồng cà phê và chè. Nếu tận dụng diện tích này để trồng xen mắc ca, hiệu quả kinh tế có thể tăng lên đáng kể.
Với chu kỳ khai thác từ 60 - 70 năm, cây mắc ca mang lại nguồn thu bền vững cho người trồng. Khoảng 105ha mắc ca tại huyện Thuận Châu hiện đã bước vào giai đoạn cho thu hoạch, năng suất trung bình khoảng 1,5 tấn/ha. Giá quả tươi dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, tùy thời điểm.
Bà Hường cho biết thêm, đầu tư trồng mắc ca, người dân cần có nguồn vốn nhất định. Chi phí mua cây giống khoảng 50.000 đồng/cây, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tốn 30 triệu đồng/ha và phải năm thứ 6 mới cho năng suất ổn định. Đây là bài toán kinh tế đối với các hộ dân có quy mô canh tác nhỏ lẻ, bởi qua báo cáo có đến trên 70% các hộ có diện tích trồng dưới 1ha.
Dù có khả năng chịu hạn tốt, mắc ca vẫn cần được cung cấp đủ nước để đảm bảo sinh trưởng, phát triển, nhất là trong giai đoạn ra hoa và nuôi quả (từ tháng 1 đến tháng 4, trùng với thời điểm sương muối và khô hạn tại địa phương). Đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cần được xét đến. Song chi phí lắp đặt hệ thống tưới khá cao, dao động từ 40 đến 50 triệu đồng/ha, chưa kể chi phí bảo trì hàng năm.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tim-loi-di-cho-cac-ho-trong-mac-ca-nho-le-d746001.html